
Trước đây, nhắc đến xã đảo Long Sơn (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) người ta thường chỉ nhắc đến di tích lịch sử văn hóa Nhà Lớn Long Sơn. Bây giờ Long Sơn còn được biết đến với đặc sản hàu, được mệnh danh là “mỏ hàu nuôi” lớn nhất miền Nam. Nghề nuôi hàu đã làm cho xã đảo heo hút này đổi thay đến không ngờ.
Đến thăm “mỏ hàu”
Còn nhớ năm 1997, cách đây đúng 10 năm, khi đó tôi và vài người bạn đến xã đảo này để làm đề tài nghiên cứu thì phải dùng thuyền thúng từ đất liền qua. Còn bây giờ xe chạy “cái vèo” qua chiếc cầu Rạng (cây cầu nối đảo và quốc lộ 51 – đường từ TPHCM đi Vũng Tàu) bắc qua con sông Rạng.

Phân loại hàu chờ thương lái đến mua
Tôi nhờ Bảy Thuận – một ngư dân nuôi hàu thuộc hàng “cựu trào” ở đây dùng ghe chở ra thăm vùng nuôi hàu của anh. Thú thật, tôi đã từng thưởng thức nhiều món đặc sản từ hàu như: hàu đút lò, hàu sống chấm mù tạc, cháo hàu… trong các nhà hàng hải sản ở Sài Gòn chứ chưa biết con hàu sinh sống ra sao và được nuôi như thế nào. Dừng ở một bè, Bảy Thuận dùng tay kéo lên một mảng tôn, cơ man nào là hàu lớn, hàu bé bám vào. Bảy Thuận lấy tay gỡ một con hàu và tách nó ra, đưa cho xem bên trong con hàu trắng nõn. Bảy Thuận nói: “Đây là loại hàu sữa, dân ở đây chỉ nuôi loại hàu này vì thị trường rất “ăn”. Sở dĩ gọi hàu sữa vì nó chỉ được nuôi khoảng 12 tháng là thu hoạch. Đây là giai đoạn thịt hàu mềm, ngon, thơm và ngọt nhất”.
Hiện nay, ở Long Sơn có gần 300 hộ nuôi hàu, với tổng diện tích hơn 20ha, sản lượng đạt khoảng 2.000 tấn/ha. Hàu được thả nhiều đợt, nuôi được một năm tuổi là thu hoạch nên hàu ở đây có quanh năm. Khác với loại hàu đá ở nhiều bãi biển, thân nhỏ, hàu nuôi ở Long Sơn to hơn nhiều, có con nặng tới gần 300 gram (tính luôn vỏ). Ở Long Sơn người ta nuôi chủ yếu 3 dạng: nuôi bè, nuôi giàn và nuôi lồng. Mỗi hình thức nuôi có ưu, nhược điểm khác nhau. Nuôi lồng và bè mang lại hiệu quả cao nhưng đầu tư vật liệu để làm bè, lồng tốn kém. Còn nuôi giàn thì ít tốn kém nên người dân chọn giải pháp này, tuy nhiên năng suất không cao.
Theo các nhà khoa học, Long Sơn là vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhiệt độ quanh năm ấm áp, dao động từ 24 – 340C, độ mặn thích hợp, mật độ sinh vật phù du phong phú nên được xem là vùng nước lý tưởng để hàu phát triển.
Tỷ phú hàu
Ông Tư Khang, 62 tuổi, nhà ở thôn 10, cho biết, hồi xưa cuộc sống người dân nơi đây rất bấp bênh, chủ yếu làm muối. Gần như những người trước đây đi biển bây giờ ở nhà chuyển sang nuôi hàu, nhàn, an toàn, có tiền hơn. Nghề nuôi hàu ở đây xuất hiện cũng tình cờ. Lúc đầu, những người đóng cừ làm bè nuôi tôm, thấy hàu đóng nhiều, con to nên gỡ ra chế biến món ăn thấy ngon, vài người bèn nghĩ cách khai thác. Ban đầu người ta nuôi tự phát, dần dần “nhà nhà nuôi hàu” và nở rộ nhất từ năm 1999. Thật ra trước đó vùng biển Cần Giờ (gần Long Sơn) đã có nuôi hàu nhưng không thành công do môi trường nước không phù hợp. Ở Long Sơn, ông Tám Khẩn được xem là người tiên phong nuôi hàu quy mô, bài bản. Bây giờ nghề nuôi hàu là nguồn kinh tế chính của toàn xã đảo.
Nuôi hàu không tốn nhiều tiền, công đầu tư. Người ta chọn khúc sông rồi thả dụng cụ như cây gỗ xà cừ, xi măng, tôn cũ, vỏ xe xuống cho hàu bám. Còn thức ăn của hàu là các phiêu sinh tự nhiên. Bình quân mỗi một bè nuôi hàu trừ hết chi phí còn lãi khoảng 10 triệu/năm. Một hộ nuôi chừng 10 bè thì mỗi năm kiếm được cả trăm triệu đồng. Hiện nay, 1kg hàu vỏ mua tại chỗ giá 12.000đ, hàu thịt (đã bỏ vỏ) giá dao động từ 80.000đ – 100.000đ/kg. Những người nuôi hàu cho biết: “Hàu thu hoạch không đủ cung cấp vì có bao nhiêu đều được các thương lái đến thu mua hết về bỏ mối lại cho các nhà hàng hải sản ở Vũng Tàu, Biên Hòa, TPHCM… hoặc xuất khẩu”.
Ở Long Sơn có “quán nổi” (làm bằng bè) nổi tiếng của một “đại gia” nuôi hàu nằm giữa sông – muốn ra phải đi bằng ghe. Khách đến đây tham quan nghề nuôi hàu, sau đó lên quán nổi nhậu đặc sản “30 món hàu”. “Dân thành phố xuống không hà, nhất là những ngày cuối tuần đông nghẹt”, ông Tư Khang cho biết thêm. Nhờ nuôi hàu mà hiện nay ở Long Sơn có nhiều “tỷ phú hàu”. Không ít người ở Sài Gòn cũng xuống đây kết hợp với người dân địa phương cùng nuôi hàu để xuất khẩu. Có công ty đã xây dựng ở đây một trung tâm nghiên cứu để cung cấp nguồn hàu giống. Đời sống của người dân xã đảo bây giờ thay đổi hẳn. Nhiều nhà cửa được xây kiên cố, đẹp. Chợ búa, người mua kẻ bán hàu sầm uất. Người dân ở đây nói rằng, khi hàu Long Sơn nổi tiếng, cây cầu được xây dựng thì Long Sơn như thức dậy.
CHÂU PHONG