Mở hướng để khởi sắc

Đồng bằng sông Cửu Long có tới 8/13 tỉnh thành giáp biển với bờ biển dài hơn 700km, khoảng 360.000 km² khu vực đặc quyền kinh tế (chiếm trên 21% diện tích vịnh Thái Lan). Vị trí nằm ở trung tâm nhiều tuyến đường biển kết nối các nước vùng Đông Nam Á và cách không xa các trọng điểm du lịch của Campuchia, Thái Lan... Đặc biệt có dòng Mekong với hai nhánh sông Tiền, sông Hậu ôm cả dải đồng bằng oằn nặng phù sa châu thổ.

Những năm gần đây, lượng du khách đổ về Phú Quốc ngày càng tăng cho thấy du lịch biển - đảo đang là xu hướng của cả khách du lịch nội địa và quốc tế. Phú Quốc có tính cạnh tranh cao với các điểm du lịch khác trong khu vực Đông Nam Á và thế giới.

Theo quy hoạch Phú Quốc sẽ có 4 cảng biển dành cho hàng hóa, hành khách và trú bão cho tàu thuyền và 6 cầu cảng đón khách du lịch. Hai sân bay, trong đó một sân bay quốc tế sẽ đi vào hoạt động vào năm 2012 với công suất 2,5 triệu lượt khách/năm. Dự kiến, đến năm 2020, Phú Quốc đón khoảng 2 - 3 triệu lượt khách/năm và tăng lên 5 - 7 triệu lượt khách/năm vào năm 2030. ĐBSCL còn một số địa danh biển khác còn tiềm năng lớn như Hà Tiên, Hòn Chông, Hòn Trẹm (Kiên Giang), Gò Công, Tân Thành (Tiền Giang), Ba Động (Trà Vinh)… Tuy nhiên hầu hết tiềm năng biển - đảo của châu thổ sông Cửu Long chưa được khai thác hết do thiếu hạ tầng, nhân lực, dịch vụ…

Con sông Mekong vừa là con đường liên vận quốc tế vừa là một dòng sông kết nối nhiều nền văn hóa khác nhau. Du lịch đồng bằng từng mở cả festival với chủ đề “Mekong - Dòng sông kết nối các nền văn hóa” với sự tham gia của 5 nước tiểu vùng Mekong và Nhật Bản (Mekong Cần Thơ 2008) nhưng đến nay nhìn lại chúng ta chưa nối kết được nhiều nên dẫn đến lãng phí nguồn tài nguyên du lịch rất lớn. Du lịch đường thủy trong vùng nhiều năm qua chủ yếu là đường sông nhưng cũng chỉ dừng ở mức thu bạc lẻ với rất nhiều tour trùng lắp “xuống xuồng lên ghe”. Du lịch đường biển hầu như chưa có gì, nhiều cảng biển (du lịch) còn bỏ trống.

Tuy nhiên, xu hướng mở rộng kết nối với các nước tiểu vùng sông Mekong đang ngày càng trở nên bức thiết. Phú Quốc không thể phát triển du lịch riêng rẽ mà phải chủ động liên kết vùng miền, trước hết là Campuchia, Thái Lan…

Để khai thác được tiềm năng và thế mạnh của du lịch biển - đảo, Tổng cục Du lịch Việt Nam đang trình Chính phủ phê duyệt đề án phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có chiến lược thúc đẩy du lịch biển - đảo phát triển và hướng đột phá trong 10 năm tới. Sớm nắm bắt cơ hội, khai thác nguồn tài nguyên vô giá này chắc chắn sẽ tạo bước ngoặt lớn, mang tính đột phá cho du lịch đồng bằng.

Thống Nhất

Tin cùng chuyên mục