Hậu Giang

Mở rộng hợp tác để phát triển

LÊ BÌNH (thực hiện)
Mở rộng hợp tác để phát triển

Tỉnh Hậu Giang được thành lập đến nay vừa tròn 2 năm. Hai năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hậu Giang đã có nhiều nỗ lực, khai thác tiềm năng, thúc đẩy tiến trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, nâng dần đời sống nhân dân. Tuy nhiên, trên bước đường phát triển, Hậu Giang vẫn còn nhiều việc phải làm. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Huỳnh Phong Tranh, Phó ban chỉ đạo Tây Nam bộ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

Mở rộng hợp tác để phát triển ảnh 1

Một góc thị xã Vị Thanh hôm nay.

* PV: Xin ông cho biết đôi điều về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng trong 2 năm qua của Hậu Giang?

- Ông Huỳnh Phong Tranh: Khi mới thành lập tỉnh, Hậu Giang đứng trước 5 thử thách lớn: Mặt bằng dân trí, nền kinh tế có điểm xuất phát thấp; trình độ khoa học công nghệ lạc hậu; cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội yếu kém; khả năng thu hút đầu tư hạn chế, vốn đầu tư hạn hẹp; chất lượng tăng trưởng chưa cao, hàm lượng lao động chất xám ít và nguy cơ tụt hậu.

Hậu Giang là tỉnh thuần nông, 85% dân số sống ở nông thôn. Ngay sau ngày thành lập tỉnh, Hậu Giang đã lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020; quy hoạch ngành giao thông vận tải, thương mại- du lịch, quy hoạch chung xây dựng tỉnh lỵ Vị Thanh, các phân khu chức năng, các khu cụm công nghiệp và kế hoạch sử dụng đất. Hậu Giang còn sớm ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, thu hút nguồn nhân lực.

Dấu ấn đáng mừng nhất là tăng trưởng kinh tế đạt gần 11%/ năm. Các ngành công nghiệp, dịch vụ đạt trên 16%/ năm. Thương mại cũng tăng gần 14%/ năm. Điều đó cho thấy cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng theo quy hoạch tổng thể phát triển 2006- 2020.

Các nhà máy đường Vị Thanh, Phụng Hiệp, nhà máy chế biến thủy sản CAFATEX ngày càng tăng công suất và phát huy hiệu quả. Tỉnh lỵ Vị Thanh nhiều năm không được đầu tư, xuống cấp trầm trọng thì 2 năm qua đã được tu sửa và làm mới rất nhiều. Các tuyến đường trung tâm được mở rộng, trải nhựa. Nhà lầu 2-3 tầng được xây mới rất nhanh. Nhiều công viên được xây dựng làm tỉnh lỵ sáng sủa hẳn lên.

Năm 2005, Hậu Giang đón nhận thêm một tin vui là thị trấn Phụng Hiệp lên thị xã đặt tên là Tân Hiệp. Trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, Hậu Giang đang phát huy ưu thế các loại cây con có giá trị kinh tế cao, tạo thương hiệu cho riêng mình như: Bưởi Năm Roi Phú Hữu, cá Thác Lác Hậu Giang, khóm Cầu Đúc, gạo thơm,… Nhiều lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt chuẩn quốc gia.

* Như vậy, không phải Hậu Giang không có những lợi thế?

- Hậu Giang đang phát huy lợi thế trung tâm gắn kết tiểu vùng Tây Sông Hậu và bán đảo Cà Mau, cầu nối giữa Thành phố Cần Thơ - Kiên Giang - Sóc Trăng - Bạc Liêu, tạo thành trục phát triển mới cho cả vùng Tây sông Hậu. Ưu thế của các vùng thuộc huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phú Hữu, Tân Phú Thạnh… đựơc coi là ngoại ô Thành phố Cần Thơ, rất thuận lợi phát triển các khu Công nghiệp, khu đô thị mới. Giá đất ở đây còn rẻ, lại thuận tiện giao thông nên các nhà đầu tư rất thích.

Thị xã Tân Hiệp (trước là thị trấn Phụng hiệp) là trung tâm du lịch sông nước miệt vườn của cả đồng bằng vì có sông Ngã Bảy. Nhiều năm qua, khách quốc tế và trong nước đến đây nhiều. Phụng Hiệp, Vị Thanh, Long Mỹ là vùng nguyên liệu mía và khóm lớn nhất đồng bằng với chất lượng cao. Vườn cây trái của Hậu Giang với nhiều loại trái cây đặc sản như bưởi Năm Roi Phú Hữu, quýt đường Long Trị… Chúng tôi đã tiến hành đăng ký thương hiệu hàng hóa cho bưởi Năm Roi Phú Hữu, Khóm cầu Đúc và cá thác lác Hậu Giang.

* Được biết Hậu Giang đã có mối quan hệ hợp tác khá tốt với TPHCM - một trung tâm lớn về mọi mặt của cả nước. Xin ông cho biết thêm về mối quan hệ này?

- Tỉnh Hậu Giang và TPHCM đã có mối quan hệ gắn bó lâu đời về mọi mặt. TPHCM với vai trò trung tâm của Nam bộ và cả nước. Hậu Giang là tiểu trung tâm vùng Tây sông Hậu có nguồn nguyên liệu dồi dào, thị trường tiêu thụ hàng hóa và cung ứng lao động lớn. Tuy nhiên, mức độ hợp tác, quy mô đầu tư thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Việc thỏa thuận, hợp tác toàn diện, lâu dài và bình đẳng cùng có lợi giữa hai bên là hết sức cần thiết. Về kinh tế, Hậu Giang cần TPHCM hỗ trợ nhiều mặt, đặc biệt trong các lĩnh vực: Công nông nghiệp, thương mại, dịch vụ- du lịch, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường và quản lý đô thị.

Trong lĩnh vực công nghiệp, Hậu Giang kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đóng trên địa bàn TPHCM đầu tư vào các khu cụm công nghiệp của Hậu Giang (chỉ cách trung tâm TP. Cần Thơ 10km). Hậu Giang sẽ cung cấp nguồn nhân lực và nguyên liệu tại chỗ. Đặc biệt, Hậu Giang sẽ quy hoạch một cụm riêng cho các doanh nghiệp TPHCM. Hậu Giang và TPHCM sẽ trao đổi kinh nghiệm về xây dựng và các chính sách thu hút đầu tư, quản lý và xây dựng các khu, cụm công nghiệp…

Trong phát triển nông nghiệp, Hậu Giang cần TPHCM cung cấp giống cây con có năng suất chất lượng cao; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh. Phối hợp nghiên cứu phát triển vùng nguyên liệu; cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, tiêu dùng… Chúng tôi cũng mong được TPHCM hỗ trợ các lĩnh vực văn hóa xã hội như: Y tế, giáo dục - đào tạo và các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác.

* Trên bước đường phát triển, Hậu Giang cần tiếp tục làm gì trong những năm trước mắt và lâu dài, thư ông?

- Hậu Giang mới thành lập được 2 năm, khó khăn còn nhiều. Đành rằng phát huy nội lực là chủ yếu nhưng tỉnh cần sự chi viện của Trung ương để giải quyết những khó khăn trước mắt. Hiện chúng tôi đang tiếp xúc và làm việc với một số nhà đầu tư của Trung ương như Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam để đầu tư dự án đóng tàu khu công nghiệp sông Hậu…

Từ nay đến 2010, Hậu Giang phải xây dựng bằng được các khu cụm công nghiệp; đặc biệt là các khu cụm công nghiệp giáp TP. Cần Thơ. Xây dựng tỉnh lỵ Vị Thanh đủ điều kiện lên thành phố loại III trực thuộc tỉnh trong tương lai gần. Mở rộng vùng trọng điểm du lịch sông nước miệt vườn, sinh thái, đặc biệt là Ngã Bảy Phụng Hiệp. Đến 2010, Hậu Giang sẽ thoát ra được tình trạng thuần nông tạo bước đột phá mới theo hướng phát triển: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

LÊ BÌNH (thực hiện)