Mở rộng phạm vi tìm kiếm trên biển và cả trên đất liền

Malaysia công bố ảnh hai người dùng hộ chiếu ăn cắp lên chuyến bay bị mất tích
Mở rộng phạm vi tìm kiếm trên biển và cả trên đất liền

Vụ máy bay Malaysia Airlines chở 239 người mất tích:

(SGGPO).-  Đây là chỉ đạo mới nhất của Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ - Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trong buổi làm việc với Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, chiều 11-3, tại Hà Nội về công tác tìm kiếm cứu nạn chiếc máy bay Boeing 777 – 200 ER, ký hiệu MAS370 của hãng hàng không Malaysia bị mất tích.

Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, trong những ngày vừa qua, với nỗ lực, trách nhiệm cao nhất, Việt Nam đã huy động các phương tiện hiện đại phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn. Trong những ngày tiếp theo, tinh thần đó được tiếp tục phát huy. “Chúng ta sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi tìm kiếm ra phía Đông đường bay dự kiến của chiếc máy bay mất tích, đồng thời mở rộng phạm vi tìm kiếm trên đất liền…”, Tổng tham mưu trưởng nhấn mạnh. Đồng thời, cần phải lưu ý có thể việc tìm kiếm cứu nạn sẽ diễn ra dài ngày nên cần chú ý việc sử dụng lực lượng phương tiện thật hiệu quả. Ngày hôm trước phải có kế hoạch cụ thể trong sử dụng lực lượng và phân vùng tìm kiếm cứu nạn cho ngày hôm sau. Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ cũng chỉ rõ, lực lượng Bộ đội Biên phòng cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa để bà con ngư dân hoạt động trên biển cùng tham gia vào quá trình tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời Quân khu 7, Quân khu 9 tổ chức lực lượng tiến hành tìm kiếm cứu nạn trên đất liền và chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, nhất là bảo đảm quân y, thực phẩm, phương tiện, sẵn sàng xử lý khi có tình huống.

Đối với việc phối hợp với các nước trong việc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ chỉ đạo cần tiếp tục liên lạc chặt chẽ với Malaysia để tiếp nhận thêm thông tin về chiếc máy bay mất tích. Đồng thời, cần lưu ý phương tiện tìm kiếm cứu nạn của nước bạn tìm kiếm ở khu vực nào, phải có lực lượng, phương tiện của ta ở đó. Quan điểm của ta là tạo điều kiện thuận lợi cho bạn và cùng bạn phối hợp tìm kiếm cứu nạn nhưng vẫn phải thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền.

Theo Ủy Ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn tính đến cuối giờ chiều ngày 11-3, Việt Nam và một số nước phối hợp tham gia tìm kiếm cứu nạn đã sử dụng 22 máy bay và 31 tàu vào quá trình tìm kiếm. Trong suốt cả ngày các lực lượng chức năng đã tập trung tìm kiếm chiếc máy bay mất tích ở khu vực giữa đất liền và Côn Đảo, kéo dài về mũi Cà Mau mở rộng về phía nước ta. Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban an ninh hàng không dân dụng quốc gia cho biết, do chưa tìm thấy được một dấu vết, manh mối nào khả thi về chiếc máy bay mất tích ở khu vực chúng ta khoanh vùng tìm kiếm nên phải mở rộng vùng tìm kiếm cả trên đất liền, vì kinh nghiệm cho thấy là tìm kiếm một nơi nhưng vị trí xảy ra tai nạn ở vị trí khác. Trong quá trình tìm kiếm, khi phát hiện các vật thể lạ phải xem xét, đánh giá kỹ, nhằm bảo đảm thông tin chính xác phục vụ quá trình tìm kiếm. Ngoài ra, cần phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn và bố trí máy bay trực thăng trực khẩn nguy, để có thể xử lý nhanh và chính xác khi có tình huống xảy ra.

Cũng trong ngày, Việt Nam đã chấp thuận cho 1 máy bay Trung Quốc từ khu vực Hải Nam vào tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia mất tích, sau khi đã cấp phép cho 3 tàu chiến Trung Quốc vào vùng biển nước ta để tìm kiếm. Bên cạnh đó, dự kiến vào tối nay Mỹ cũng sẽ điều một tàu hậu cần vào tìm kiếm trong vùng biển Việt Nam và một tàu hậu cần khác tìm kiếm trong vùng biển Malaysia. Ngoài ra  một số nước trên thế giới không có đường bay qua khu vực nhưng cũng chủ động đề nghị được hỗ trợ là Anh, Pháp, Úc.

* Lúc 17 giờ 25 ngày 11-3, cuộc họp báo dưới sự chủ trì của Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn-Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân Việt Nam tại Sở chỉ huy tiền phương Phú Quốc. Mở đầu cuộc họp báo, Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn thông báo: “Hôm nay là ngày thứ tư tìm kiếm với lực lượng huy động cao nhất, phương tiện nhiều và hiện đại nhất, làm việc tích cực trên quy mô rộng lớn hơn nhưng vẫn chưa có thông tin gì mới liên quan đến việc máy bay Malaysia mất tích hôm 8-3. Chỉ riêng các máy bay của Việt Nam đã tổ chức hơn 10 lượt tìm kiếm trong ngày 11-3. Hiện tại các tàu thuộc các lực lượng Cảnh sát biển vùng 4, Hải quân vùng 5 và Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn vẫn tiếp tục công việc tìm kiếm liên tục, suốt ngày đêm…” . Đề cập về việc Malaysia thông báo về vật thể lạ được cung cấp từ tàu vũ trụ của Mỹ (nằm trong khu vực do Campuchia quản lý), đồng thời phát hiện đốm trắng cách đảo Thổ Chu 80 km, ông Tuấn xác nhận đó không phải là vật thể từ máy bay Malaysia rơi ra.

Buổi họp báo đông nghẹt phóng viên trong và ngoài nước
Buổi họp báo đông nghẹt phóng viên trong và ngoài nước

Trả lời câu hỏi việc tìm kiếm sắp tới có gì mới hơn? Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn cho hay: Chiều hôm nay 11-3, Sư đoàn phòng không 367 thuộc Quân chủng phòng không không quân Việt Nam đã chuyển thiết bị, khí tài đến sân bay Cà Mau để thành lập Trạm ra đa. Trạm này sẽ chỉ huy dẫn đường cho trực thăng Mi 171 của Trung đoàn 917 (Sư đoàn 370) tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Trong ngày 12-3, các lực lượng tìm kiếm sẽ rà soát khu vực từ Cà Mau đến nam Côn Sơn. Về phía các nước phối hợp, ngoài việc huy đông thêm máy bay, tàu thì Singapore sẽ đưa phương tiện dò tìm dưới nước vào phục vụ công tác này. Đối với máy bay của nước ngoài tham gia vào tìm kiếm trong phạm vi của chúng ta thì sẽ cấp phép và phối hợp độ cao.

Về việc tìm kiếm sẽ đến khi nào? Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn cho rằng: Không ai có thể nói đến khi nào. Nhưng phải nói là chúng ta phải làm với trách nhiệm và nỗ lực cao nhất. Nhưng phương pháp tìm kiếm sẽ sẽ có thay đổi.

Trả lời câu hỏi chi phí tìm kiếm phía Việt Nam đến thời điểm này là bao nhiêu? Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn nói: Chưa thể thống kê được vì nhiều lực lượng tham gia nhưng chắc chắn là khá lớn.

* Malaysia công bố ảnh hai người dùng hộ chiếu ăn cắp lên chuyến bay bị mất tích

Cảnh sát Malaysia đã công bố ảnh chụp hai người sử dụng hộ chiếu giả để lên chuyến bay bị mất tích MH370 (ảnh), sau khi đã tiết lộ danh tính của một trong hai người, đồng thời bác bỏ khả năng họ là các thành viên của một nhóm khủng bố.

Một trong hai người là công dân Iran 19 tuổi có tên Pouria Nour Mohammad Mehrdad, mà theo cảnh sát thì anh này chỉ định quá cảnh tại Bắc Kinh trên hành trình tới Frankfurt, Đức tìm cách cư trú. Giám đốc cảnh sát quốc gia Malaysia Khalid Badar cho biết Mehrdad đã lên máy bay bằng hộ chiếu mang tên công dân Áo Christian Kozel, người đã thông báo rằng mình bị mất hộ chiếu tại Phuket, Thái Lan.

Ông Khalid nói rằng cảnh sát vẫn đang xác định nhân thân của nghi phạm sử dụng hộ chiếu ăn cắp thứ hai (của công dân Italy Luigi Maraldi). Người này được cho là cũng tìm cách tới Đức để xin tị nạn.

Tổng giám đốc Cục Xuất nhập cảnh Malaysia Datuk Aloyah Mamat cho biết cả hai trưởng hợp trên đều nhập cảnh vào Malaysia ngày 28-2 và được cấp visa du lịch có thời hạn 90 ngày. Hình ảnh trên hộ chiếu của cả hai đều trùng với hình ảnh trên trang dữ liệu cá nhân.

* Chiều 11-3, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, chiếc máy bay CASA 8981 (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam) đã phát hiện đốm trắng bất thường tại tọa độ 7độ 59'17"-103độ 103'44'05", về phía Đông Nam cách đảo Thổ Chu 80 hải lý. Trong khi đó, chiếc máy bay CASA số hiệu 8982 không ghi nhận bất thường sau hành trình tìm kiếm trên khu vực diện tích 6.400 km vuông.

Theo đó, chiếc CASA 8981 bay ở độ cao 300 m so với mặt biển để chụp lại hình ảnh, phân tích rồi chuyển dữ liệu về Bộ tư lệnh Cảnh sát Biển. Đây là loại máy bay được trang bị hệ thống tuần thám biển, chuyên tuần tra biên giới, quan sát, phát hiện dầu loang, dầu tràn trên biển, phòng cháy rừng... Máy bay CASA có thể hạ độ cao xuống 100 m so với mặt biển và được trang bị camera “mắt thần” quan sát ở cự ly 3000 m.

* Trước đó, từ sáng sớm 11-3, hơn 100 phóng viên trong nước và quốc tế có mặt tại Đài kiểm soát không lưu, Sân bay Phú Quốc chờ đợi cuộc họp của Sở chỉ huy tiền phương Phú Quốc về công tác tìm kiếm máy bay Malaysia gặp nạn.

8 giờ 25 phút, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu (tư lệnh Sở chỉ huy tiền phương tại Phú Quốc) và ông Đỗ Minh Tuấn - Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân Việt Nam có mặt trong bầu không khí “rất nóng” (ảnh). Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân Việt Nam Đỗ Minh Tuấn cho biết: Chúng ta đã huy động 4 máy bay AN 26, 4 trực thăng phục vụ cho việc tìm kiếm (ngày 10-3). Hiện đã tăng cường thêm 2 máy bay mở rộng phạm vi tìm trên vùng lãnh hải Việt Nam. Các máy bay AN 26 sẽ tìm kiếm ở độ cao 3000-5000m; các trực thăng bay thấp hơn; máy bay tuần thám “mắt thần” CASA-212 hoạt động phải linh hoạt hơn. Khu vực tìm kiếm cũng được mở rộng thêm 20.000 km vuông và lệch về phía biển Đông của Việt Nam… Như vậy, hôm nay, Việt Nam huy động tất cả 10 máy bay.

Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu nhấn mạnh: Hôm nay, các lực lượng hải quân, cảnh sát biển, không quân… tiếp tục thực hiện việc tìm kiếm trên khu vực được hướng dẫn đồng thời mở rộng sang phía Đông và Đông Bắc. “Đến bây giờ, còn rất ít hy vọng tốt. Chúng tôi hiểu được tâm trạng đau buồn, nóng lòng của rất nhiều người trong và ngoài nước nên cố gắng tối đa. Tôi khẳng định, trong vùng trách nhiệm của Việt Nam, chúng tôi phải làm hết mình. Đối với vùng của các nước xung quanh, chúng tôi phải phối hợp tốt với bạn", ông Tiêu nói.

Đối với tỉnh Kiên Giang, cụ thể là Phú Quốc, nơi được đặt Sở chỉ huy tiền phương, Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu nhận định: Tỉnh Kiên Giang đã tập trung kêu gọi tàu thuyền của ngư dân đánh bắt trên vùng biển hỗ trợ cung cấp thông tin, tìm kiếm. Địa phương đã sẵn sàn phương án chuẩn bị trục vớt, tiếp nhận, bảo vệ hiện trường, thi thể…

*9 giờ 40 phút ngày 11-3, tại Sân bay Phú Quốc, máy bay trực thăng MI 171 cất cánh lênh đường ra khu vực tìm kiếm máy bay Malaysia gặp nạn. Đại tá Trần Văn Quang - Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 971 (Sư đoàn Không quân 370) làm cơ trưởng chuyến bay này. Cùng đi có Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân Việt Nam Đỗ Minh Tuấn. PV Phạm Hoài Nam (Báo SGGP Online) có mặt trên chuyến bay sẽ tường thuật việc tìm kiếm.

Trước đó, 9 giờ ngày 11-3, ông Lê Văn Chiến, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu cho hay: Đêm qua có 6 tàu cứu nạn của biên phòng, dầu khí… tìm  kiếm trong bán kính 50 km vuông tại khu vực nghi là có vật thể lạ cách Vũng Tàu 60km về hướng Tây Nam nhưng không có kết quả. Việc tìm kiếm được thực hiện tiếp tục trong ngày 11-3 và phạm vi mở rộng về hướng Đông Nam.  

*Hồi 12 giờ 35 phút ngày 11-3, trực thăng Mi 171 mang số hiệu 8431 và Mi 171 mang số hiệu 04 của Trung đoàn 917 (Sư đoàn 370 – Không quân Việt Nam) đã đáp xuống Sân bay Cà Mau sau 3 giờ tìm kiếm.

Thượng tá Nguyễn Quốc Long, Cơ trưởng trực thăng 8431, Trung đoàn 917 cho biết: Quần thảo tích cực trên vùng biển phía Tây 3 giờ liên tục, dù chưa phát hiện thêm dấu vết khả nghi nào nhưng phi hành đoàn vẫn sẵn sàng chờ chỉ thị để thực hiện nhiệm vụ tiếp, quần thảo khu vực khác.

Hoài Nam-Bình Đại-Xuân Hạ-Nguyễn Quốc-Việt Lê


Lập đường dây nóng cung cấp thông tin

Sau khi thành lập Sở chỉ huy tiền phương tại Phú Quốc, hơn 100 PV trong nước và quốc tế đã đổ về đây để khai thác, chuyển tải thông tin. Địa điểm các PV tập trung đông nhất là Đài kiểm soát không lưu-Sân bay Phú Quốc, Trung tâm Chỉ huy của Sở chỉ huy tiền phương. Các hãng thông tấn lớn trên thế giới như Reuters, AFP, Bloomberg… cũng có mặt.

Chiều ngày 11-3, Sở chỉ huy tiền phương Phú Quốc công bố 2 số điện thoại nóng cung cấp thông tin tìm kiếm máy bay malaysia mất tích. Đó là 2 số máy: 0773846704 và 0773847508. Nơi đây sẵn sàng đón nhận thông tin từ các tổ chức, cá nhân phát hiện dấu vết hoặc có thông tin mới liên quan đến máy bay Malaysia mất tích ngày 8-3. 

Bình Đại


Lần ra dấu vết máy bay trên radar tới eo biển Malacca

Hãng tin Reuters dẫn lời quan chức quân đội Malaysia cho biết họ tin rằng đã lần ra dấu vết chiếc máy bay trên radar tới eo biển Malacca, rất xa kể từ nơi máy bay này có liên lạc lần cuối với cơ quan kiểm soát không lưu dân sự ngoài khơi bờ biển phía đông nước này.

Eo biển Malacca, một trong những kênh hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới, chạy dọc đường bờ biển phía tây của Malaysia. Ngày 8-3, Malaysia Airlines cho biết chiếc máy bay chở 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn có liên lạc lần cuối ở phía thị trấn Kota Bharu thuộc bờ đông. “Nó đã thay đổi đường bay sau khi tới Kota Bharu và bay với độ cao thấp hơn. Máy bay đã bay vào Eo biển Strait.”, quan chức quân đội kể trên cho biết sau khi thông báo vắnn tắt về quá trình điều tra.


Việt Lê


Hàng không Malaysia hỗ trợ 5.000USD thân nhân hành khách


Đài Truyền hình Trung Quốc sáng 11-3 cho biết Hàng không Malaysia sẽ ứng 1 khoản tiền đặc biệt là 31.000 nhân dân tệ (hơn 5.000USD) dành cho thân nhân hành khách nhằm hỗ trợ nhu cầu sinh hoạt khi họ chờ đợi tin tức người thân, khoản tiền này không phải là tiền bồi thường, phương thức nhận sẽ thông báo sau.

Cùng lúc này, Nhật báo Quân đội giải phóng Trung Quốc đưa tin, nước này đã triển khai 10 vệ tinh để phục vụ công tác tìm kiếm máy bay mất tích của Hãng hàng không Malaysia Airlines. Tin cho biết, các vệ tinh này sẽ sử dụng công nghệ ghi lại hình ảnh trái đất với độ phân giải cao, công nghệ ánh sáng rõ nét.

   Việt Lê


Quân khu 9 triển khai phương án ứng phó

Chiều 11-3, Đại tá Nguyễn Văn Loan, Trưởng Phòng Cứu hộ, cứu nạn, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 cho biết Quân khu 9 đã triển khai 2 Sở chỉ huy tiền phương tại Cà Mau và Kiên Giang, đảm bảo quân y phục vụ cho công tác cứu nạn chiếc máy bay của Malaysia trong trường hợp xấu nhất. Theo đó, có 4  tổ quân y thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự hai tỉnh Kiên Giang, Cà Mau cùng 2 tổ quân y và 2 đội phẩu thuật của Bệnh viện 121 được thành lập, đặt tại Sân bay Rạch Sỏi, Sân bay Phú Quốc (Kiên Giang) và Sân bay Cà Mau. Ngoài ra, hàng chục phương tiện gồm tàu vận tải, tàu quân y, ca nô, xe cứu thương và nhiều cơ số thuốc, thiết bị y tế được chuẩn bị, đảm bảo phục vụ cho công tác cứu nạn.

HÀM LUÔNG-HOÀI NAM-BÌNH ĐẠI        


 Thái Lan: Cảnh sát sẽ thẩm vấn 2 công ty lữ hành

Các nguồn tin từ ngành du lịch và cảnh sát Thái Lan ngày 11-3 cho biết, hai đối tượng sử dụng hộ chiếu đánh cắp (của một người Italia và một người Áo) để lên chuyến bay MH370 đã mua các vé giá rẻ nhất theo gợi ý của một công ty lữ hành Thái Lan. Phát hiện này gợi ra một khả năng lớn rằng hai đối tượng trên đã không chủ động chọn chuyến bay MH370.

Theo các nguồn tin, một người đàn ông Iran ở Malaysia đã đặt mua vé cho hai đối tượng trên tại một công ty lữ hành ở Pattaya (Thái Lan), đồng thời yêu cầu công ty này tìm các chặng bay rẻ nhất xuất phát từ thủ đô Kuala Lumpur tới Frankfurt (Đức) và Copenhagen (Đan Mạch). Sau đó, công ty này đã giới thiệu các chặng bay quá cảnh Bắc Kinh và đã bán với giá 25.500 baht/vé vào ngày 6-3. Một người đàn ông Iran khác sống ở Pattaya đã thanh toán và lấy số vé này.

Hiện cảnh sát Thái Lan và các chuyên gia điều tra nước ngoài đang thẩm vấn hai công ty lữ hành tại thành phố nghỉ dưỡng Pattaya, nơi hai đối tượng sử dụng hộ chiếu đánh cắp từng đặt mua vé qua hai người Iran. Cảnh sát trưởng Pattaya Supachai Puikaewcome nói: “Chúng tôi không loại trừ khả năng, song các bằng chứng hiện có không đủ để kết luận những người này liên quan tới khủng bố. Chỉ xét riêng việc đặt vé, nếu là khủng bố, họ sẽ chọn sẵn chặng bay cũng như chiếc máy bay họ muốn lên. Trong khi đó, họ lại chọn loại vé rẻ nhất và cũng không yêu cầu chặng bay và máy bay cụ thể”.

Cảnh sát Malaysia dự kiến sẽ thẩm vấn Hasem, một trong hai người Iran đã thanh toán vé máy bay bằng tiền mặt. Hasem là một nhân vật có tiếng tại Pattaya. Người thứ hai, có tên Kazem Ali, đã đặt vé qua điện thoại với nhân viên hãng lữ hành tại Pattaya. Ali được cho là đang ở Iran.

Việt Lê

>> Máy bay nổ ở độ cao 10,5km?

Tin cùng chuyên mục