Xây dựng và củng cố thương hiệu – một chiến lược bài bản và lâu dài đóng vai trò tối quan trọng đối với doanh nghiệp trong quá trình tự khẳng định mình trên thương trường, cả trong nước lẫn quốc tế. Làm sao để sản phẩm Việt Nam không còn loay hoay trong thị trường nội địa, làm sao để thương hiệu Việt tự tin vươn ra thế giới?... Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Tấn Phong, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.HCM về những vấn đề này.
Xin ông cho biết, làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam khẳng định được thương hiệu mang tầm quốc tế như trường hợp của Công ty Vinamilk?
Hiện nay, ở Việt Nam đã có một số doanh nghiệp tạo được thương hiệu uy tín không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài, ví dụ như công ty Vinamilk; công ty Đại Đồng Tiến, Kinh Đô… đây được xem là một bước tiến mới đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Để làm được điều này, một số doanh nghiệp đã chủ động tìm hướng đi cho riêng mình. Họ chịu khó tìm hiểu thị trường, chất lượng sản phẩm, chính sách khuyến mãi và đặc biệt là những thị hiếu của người tiêu dùng ở những thị trường mới. Có chiến lược quảng bá, phát triển phù hợp. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp này còn chủ động cải tiến những gì mình chưa bắt kịp so với các nước phát triển, nhất là về khoa học công nghệ. Từ đó có thể học hỏi, hợp tác để cải thiện cho doanh nghiệp của mình.
Theo ông, trở ngại lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam để khẳng định được thương hiệu trên trường quốc tế là gì?Để hạn chế những tình trạng này, theo ông, doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm gì?
Trở ngại lớn nhất đối với một số doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là chiến lược quảng bá sản phẩm, thương hiệu còn hạn chế. Điều này cũng xuất phát từ thực tế là các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về tài chính. Khủng hoảng kinh tế, giá cả toàn cầu tăng, nguyên vật liệu tăng và đầu ra chậm…đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình sản xuất cũng như việc nâng cao chất lượng, mẫu mã hàng hóa. Mặt khác, một số doanh nghiệp trong nước chưa chú trọng đầu tư một cách bài bản cho chiến lược xuất khẩu ra thị trường bên ngoài hay hàng hóa mà các doanh nghiệp trong nước mang đi chào bán lại không phù hợp với thị trường bên ngoài. Để thương hiệu Việt có chỗ đứng tại thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp phải tự tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu văn hóa tiêu dùng của từng thị trường khu vực, từ đó định hình chiến lược phát triển cho riêng mình.
Với cương vị là Trung tâm Xúc tiến và Đầu tư, xin ông cho biết, Trung tâm đã có những hỗ trợ nào cho các doanh nghiệp Việt Nam tạo dựng được thương hiệu?
ITPC luôn chú trọng đến việc khảo sát những thị trường mới, để các doanh nghiệp Việt nắm bắt và học hỏi. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa và thiết thực nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong và ngoài nước giao lưu, tìm hiểu hợp tác liên kết, thúc đẩy đầu tư, thương mại và trao đổi thông tin về cơ chế chính sách, giá cả, chất lượng hàng hóa. Trên thực tế, ITPC đã mở rộng các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Myanmar, Hoa Kỳ, Đài Loan, Campuchia… Đây là những thị trường trọng điểm mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể giao lưu và hợp tác. Đối với thị trường trong nước, ITPC luôn chú trọng đến chương trình “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” và “Phiên chợ Việt” để giúp các doanh nghiệp có cơ hội giới thiệu sản phẩm chất lượng, an toàn đến tận người dân không chỉ trong địa bàn thành phố mà còn cả ở ngoại thành, khu vực nông thôn, khu chế xuất, khu công nghiệp. Bởi vì, để có được uy tín trên trường quốc tế, trước hết doanh nghiệp phải tạo được lòng tin đối với người tiêu dùng trong nước.
Ngoài ra, ITPC còn thường xuyên tổ chức các hội thảo, triển lãm ở các thị trường nước ngoài cho doanh nghiệp Việt trưng bày và giới thiệu sản phẩm của mình. Đây là giải pháp hữu hiệu nhất giúp hàng Việt có mặt nhanh chóng trên các thị trường mới. Bên cạnh đó, ITPC cũng thường xuyên mở các lớp tập huấn cho doanh nghiệp, tiểu thương học cách tiếp thị, giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu.
Xin cảm ơn ông!
MINH HẢI
| |