Chiều 10-6, Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) tỉnh Hà Tĩnh, cho biết, các cổ đông đóng góp vốn quá chậm, mới chỉ đạt 20% - 25% theo kế hoạch huy động vốn của hội đồng quản trị. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ triển khai dự án, đặc biệt công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), hỗ trợ tái định cư (TĐC) cho nhân dân.
Được biết, Công ty CP sắt Thạch Khê có 9 cổ đông, tổng số vốn cổ đông là 921,6 tỷ đồng (bằng 38,3% vốn điều lệ, trong đó có 678,5 tỷ bằng tiền mặt và 243,1 tỷ đồng góp bằng tài sản và tài liệu dự án), công ty có những cổ đông là các tập đoàn, công ty nhà nước lớn như: Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty thép, Tổng Công ty Khoáng sản và thương mại (Mitraco) Hà Tĩnh…
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có đơn vị nào nắm cổ đông chi phối hơn 51% cổ phần để quyết định các vấn đề chiến lược, đẩy nhanh tiến độ của dự án và không đủ điều kiện để bảo lãnh cho TIC được vay nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng và các tổ chức kinh tế trong, ngoài nước…
Đến đầu tháng 6-2011, sau hơn 4 năm hoạt động, TIC đã hoàn thành các thủ tục pháp lý cho việc triển khai thực hiện Dự án khai thác mỏ quặng sắt Thạch Khê, như báo cáo tác động môi trường, giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép khai thác mỏ do Bộ TN-MT cấp.
Tỉnh Hà Tĩnh đã bàn giao hơn 200ha đất cho TIC phục vụ bốc đất tầng phủ mỏ, 25ha đất cho BQL bồi thường, hỗ trợ TĐC để xây dựng các khu TĐC… Đã bốc đất tầng phủ được hơn 10 triệu/11,5 triệu m3 (đạt 87% kế hoạch). Vỉa quặng sắt thứ 2 đã phát lộ, đáy moong đạt -28m (hố bơm đạt -32) so với mực nước biển, giá trị thực hiện bóc đất tầng phủ đạt hơn 300 tỷ đồng, đạt 85% giá trị gói thầu.
Đặc biệt đã có quặng sẵn sàng từ mức -4 đến -28m có thể khai thác và tiêu thụ trên 500.000 tấn quặng Deluvi trong năm nay và tăng lên trên 1 triệu tấn cho năm sau. TIC cũng đã hoàn thành rà phá bom mìn trong ranh giới mỏ và các khu TĐC với diện tích 1.242ha, phục vụ thi công, chi trả bồi thường GPMB cho 725 ha, bồi thường di dời 79 hộ dân và 8.619 ngôi mộ trong ranh giới mỏ với tổng chi phí 253,2 tỷ đồng...
Ông Hồ Đức Bình, Tổng Giám đốc TIC cho biết, để giải quyết những khó khăn hiện tại, TIC đang khẩn cấp đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ưu tiên nguồn vốn ngân sách cho tỉnh để đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của khu vực dân cư chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dự án mỏ Thạch Khê, tái cơ cấu lại cổ đông TIC.
Đồng thời, cho phép TIC khai thác và tiêu thụ quặng sắt Deluvi trong quá trình bóc đất tầng phủ và bóc đất xây dựng cơ bản để có nguồn thu bù đắp chi phí hoạt động doanh nghiệp và chi phí cho GPMB -TĐC...
Dương Quang