
Suốt 62 năm, Akira Makino không hề cho ai biết về quá khứ của mình: một bác sĩ từng “mổ sống” các tù binh của quân phiệt Nhật thời Thế chiến 2. Nhưng những ai biết ông lão 84 tuổi này đều bảo ông ta đang bị lương tâm tra tấn.
- “Kẻ khùng chiến tranh!”

Mổ sống tù binh
Hồi cuối năm 2006, Makino trở thành cựu bác sĩ quân phiệt Nhật đầu tiên thừa nhận với hãng tin Kyodo rằng ông ta từng mổ sống và chặt tay chân hàng chục tù binh Philippines trước khi họ bị xử tử.
Ông kể chuyện chặt bỏ tay chân tù binh còn sống là mệnh lệnh phải thực hiện bằng được để “luyện tay nghề y tế”. Ông ta còn mổ bụng cũng như thực hiện nhiều “biện pháp thử nghiệm” khác trên những tù nhân gồm cả phụ nữ và trẻ em. Trung bình cứ ba ngày diễn ra một vụ “thử nghiệm” như thế.
“Tôi nghĩ đó là một điều khủng khiếp tôi làm với người vô tội, dù tôi bị ra lệnh phải làm thế. Nhưng tôi sẽ bị giết nếu tôi không tuân lệnh”, Makino nói. Các tù nhân sống sót sau những “ca mổ sống” đều bị xử tử bằng cách treo cổ bằng dây thừng. Đã có nhiều cựu binh thú nhận từng mổ sống người ở miền Bắc Trung Hoa trong một chương trình thử nghiệm vũ khí sinh hóa của phát xít Nhật nhưng các chuyên gia nói Makino là cựu bác sĩ đầu tiên của hải quân Nhật làm chứng về sự tàn ác tương tự đã diễn ra ở Đông Nam Á.
Makino kể, ở tuổi 22 (ông ta sinh năm 1922), ông ta đã mổ sống khoảng 30 tù nhân, từ tháng 12-1944 đến tháng 2-1945, khi hành nghề bác sĩ ở đảo Mindanao, thuộc một đơn vị hải quân Nhật. Ngay khi trở về Nhật, ông bắt đầu cảm thấy ăn năn. Ông lấy vợ, có hai con, làm việc trong một bệnh viện rồi là thủ quỹ phát lương cho một công ty xây dựng…
Makino trong những năm cuối đời liên tục vận động lập những tượng đài kỷ niệm chiến tranh, cho trẻ em nghèo quần áo và mua trang phục cho một CLB bóng chày địa phương.
Hồi năm ngoái, ở tuổi 83, ông quyết định thực hiện cuộc hành hương qua 80 ngôi chùa ở Nhật. Nhưng sau chuyến thứ 40, ông kiệt sức vì thời tiết nóng và đầu gối đau nhức. Vợ ông cũng không cho phép ông quay lại Philippines và gọi chồng là “kẻ khùng chiến tranh”. Makino hiện sống cô đơn tại một thị trấn gần thành phố Nhật Osaka, sau khi người vợ qua đời cách đây 3 năm.
- Một sự thật không được phép tái diễn
Makino là một trong những cựu binh quyết định tiết lộ sự thật trước khi qua đời, về chuyện đất nước họ đối xử với loài người như là với thú vật. Đơn vị 731 được xem là đơn vị chiến tranh sinh hóa nổi tiếng nhất quân phiệt Nhật, đã giết hàng ngàn dân thường Trung Hoa và tù binh đồng minh tại Hắc Long Giang (Bắc Trung Quốc) từ cuối những năm 1930 cho đến khi Thế chiến 2 kết thúc. Nạn nhân bị những tay tra tấn tiêm virus gây bệnh dịch tả, sốt phát ban cùng nhiều loại bệnh khác. Họ chết do những cuộc thử nghiệm này hoặc bị giết để “diệt khẩu”.
Khi Thế chiến 2 gần kết thúc, để xóa bỏ mọi chứng cứ họ đổ hóa chất và súc vật nhiễm bệnh xuống các dòng sông. Hoạt động của họ chỉ được làm sáng tỏ qua lời khai của những bác sĩ, cựu binh và y tá cắn rứt lương tâm. Hal Gold, tác giả cuốn sách Đơn vị 731: Lời khai, nói Makino là một ví dụ điển hình về chuyện sinh viên y khoa và các bác sĩ Nhật bị cấp trên cử ra nước ngoài “làm việc”, không còn lựa chọn nào khác là phải tuân lệnh nếu không muốn phải kết thúc sự nghiệp.
Gold cho biết, nhiều người trong số họ đang ở tuổi 80 - 90 nên Makino có thể là người cuối cùng công bố về những hành động tàn ác này. Makino nói ông vẫn còn bị quá khứ ám ảnh nên không thể nghe theo lời bạn bè khuyên để đem theo những bí mật ấy xuống mồ: “Chúng ta không được phép tái diễn những điều ấy. Tôi muốn nói ra sự thật về cuộc chiến ấy”.
Mỹ từng bí mật cho nhiều sĩ quan chỉ huy 731 hưởng quyền miễn trừ truy tố để đổi lại việc tiếp cận những thông tin về cuộc nghiên cứu vũ khí sinh hóa của Nhật.
Anh Thao (theo Times)