Mơ về một thế hệ “nói không với tham nhũng”

Ngày 12-6-2013, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng (PCTN) vào giảng dạy tại các cơ sở GD-ĐT từ năm học 2013 -2014. Ngay sau khi có chỉ thị này, Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục nội dung chương trình về PCTN, theo đó bắt đầu từ năm học này, đối với THPT, nội dung PCTN được tích hợp, lồng ghép vào môn học giáo dục công dân. Cùng với đó, nội dung giảng dạy về PCTN cũng được đưa vào chương trình của các trường TCCN, ĐH-CĐ với liều lượng phù hợp, lồng ghép trong các môn học liên quan.

Cần nhắc lại, Singapore vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước tình hình tham nhũng tương tự Việt Nam hiện nay. Để đẩy lùi tham nhũng, quốc gia này đã phải dùng nhiều biện pháp PCTN. Từ những năm 70, họ đưa chương trình giáo dục về PCTN vào giáo dục ngay từ bậc tiểu học, phổ thông, mục đích nhằm hình thành những lớp người mới với tư duy mới, coi tham nhũng như một kẻ thù, một hành động xấu xa mà con người phải tránh.

Tại Việt Nam hiện nay, PCTN vẫn đang là công cuộc trường kỳ, đầy gian nan của Đảng, Nhà nước, còn nhân dân thì vẫn chưa thực sự hài lòng với hiệu quả PCTN.

Trong nhiều giải pháp tổng hợp để đạt tới mục đích cuối cùng về PCTN, giáo dục nhận thức của giới trẻ về PCTN cũng được coi là một trọng điểm. Vì vậy, khi Chính phủ quyết định đưa nội dung PCTN vào giảng dạy ở trường học, nhiều người kỳ vọng trong tương lai chúng ta sẽ có những thế hệ công dân Việt Nam “nói không với tham nhũng” như ở đảo quốc Singapore đã làm được.

Việc Thủ tướng có chỉ thị đưa giáo dục về PCTN vào chương trình giáo dục bắt đầu từ bậc phổ thông được đánh giá rất cao. Nhưng để giảng dạy PCTN có hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng phải đưa những người có thực tiễn PCTN vào trong nội dung giảng dạy ở nhà trường. Hành vi tham nhũng trước hết cần được lên án về mặt đạo đức. Những tấm gương dũng cảm, kiên trì PCTN, những bài học đắt giá của tội phạm tham nhũng; những đối tượng tham nhũng hại dân… cần được đưa vào nội dung giảng dạy một cách thực tiễn, sinh động chứ không dừng ở giảng dạy về chủ trương PCTN. Vừa nêu gương, vừa lên án về mặt đạo đức trong giảng dạy PCTN, như thế mới ăn sâu vào tiềm thức của HS-SV. Chỉ khi ăn sâu vào tiềm thức thì các em mới hình thành nên nhận thức căm ghét loại tội phạm này, xa lánh các hành vi tham nhũng.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực PCTN cho rằng, quan trọng nhất là nội dung giảng dạy PCTN phải thiết thực. Thiết thực bắt đầu từ vấn đề nêu gương PCTN, phê phán tội phạm tham nhũng và đặc biệt, người giảng dạy các em về PCTN phải là những giáo viên, cá nhân có uy tín, trong sạch, được HS-SV yêu quý, trân trọng về nhân cách. Giảng dạy PCTN nhất định không được chung chung, khô cứng, rao giảng đường lối một cách giáo điều. Chủ trương, chính sách PCTN phải được lồng với thực tiễn của công cuộc đấu tranh PCTN đang rất gian nan hiện nay.

Tương lai của một quốc gia, một xã hội ít có tội phạm tham nhũng phải được “vẽ” một cách chân thực, chạm đến trái tim HS-SV, như thế việc giảng dạy về PCTN trong trường học mới đạt tới mục tiêu mà Chính phủ, ngành giáo dục trông đợi. Việc giảng dạy PCTN không thể khoán trắng cho nhà trường, các giáo viên, mà nhất định phải có sự tham gia của những người đang dành nhiều tâm huyết cho công cuộc PCTN. Vì hơn ai hết, họ sẽ là những người “truyền lửa” PCTN cho giới trẻ.

PCTN là công việc tối quan trọng, cần phải kiên trì thực hiện “mưa dầm thấm lâu”. Để mưa nhanh thấm, cùng với việc giảng dạy PCTN hiệu quả trong nhà trường thì thực tiễn công tác PCTN phải thực sự tạo được chuyển biến, “lý thuyết phải đi đôi với thực hành”.

Điều quan trọng nữa, như GS Phạm Thị Trân Châu, quyền Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về giáo dục của Ủy ban MTTQ Việt Nam, chia sẻ, để giảng dạy PCTN hiệu quả, phải xây dựng nhà trường là nơi có văn hóa nhất, nơi không có tham nhũng.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục