Mơ xa nhưng nghĩ gần

Một đội bóng như Iceland còn lọt được vào VCK Euro thì chuyện Việt Nam dự Asian Cup có gì khó không? Đương nhiên là không. Thực tế thì Việt Nam từng vào đến tứ kết giải đấu châu lục, nhưng đó là khi chúng ta đăng cai Asian Cup 2007.

Từ Sài Gòn đến Paris

Một đội bóng như Iceland còn lọt được vào VCK Euro thì chuyện Việt Nam dự Asian Cup có gì khó không? Đương nhiên là không. Thực tế thì Việt Nam từng vào đến tứ kết giải đấu châu lục, nhưng đó là khi chúng ta đăng cai Asian Cup 2007.

Câu hỏi đặt ra: Tại sao khó đến vậy mà một quốc gia với hơn 330.000 dân, không có giải vô địch chuyên nghiệp còn làm được, nhưng dù đã ở rất gần, bóng đá Việt vẫn cứ “chầu rìa” ở Asian Cup? Sắp đến đây, khi Asian Cup học theo Euro mở lên 24 đội, việc tham gia của Việt Nam sẽ đơn giản hơn nhưng nếu chúng ta không có sự chuẩn bị tốt, cái việc tham dự ấy cũng chẳng khác gì “cởi ngựa xem hoa”.

Bóng đá Iceland chẳng là gì trên bản đồ bóng đá thế giới trước vài năm gần đây. Hạng FIFA thấp nhất của họ là 128 (vào năm 1973), tức là cũng sàn sàn như Việt Nam. Cách đây 4 năm, họ cũng chỉ dao động trên dưới hạng 100 FIFA. Mọi thứ chỉ thay đổi khi LĐBĐ nước này quyết tâm cải tổ và mời hẳn chuyên gia Lagerback về đóng vai trò GĐKT nhưng kiêm luôn HLV khi mà nhà cầm quân người Iceland Hallgrimsson chưa có bằng HLV chuyên nghiệp do UEFA chứng nhận.

Điều gì đã xảy ra? Chẳng có gì đặc biệt cả. HLV Lagerback áp dụng một hệ thống khoa học vào huấn luyện. Ông yêu cầu sự đầu tư từ phòng vật lý trị liệu cho đến căn-tin, từ chiếc vé máy bay cho đến những chuyến chuyên cơ phục vụ thi đấu xa và quan trọng nhất, ông yêu cầu các cầu thủ phải thật sự tin tưởng vào hệ thống khoa học đó để xây dựng niềm tin cho chính mình. Tóm lại, mọi thứ phải được tiến hành theo những phương pháp tốt nhất, suốt một thời gian dài và khi đã có sẵn niềm đam mê bóng đá thì dù chỉ cần có hơn 25.000 cầu thủ chơi bóng thường xuyên, Iceland vẫn có một đội tuyển đủ chất lượng để dự Euro.

Câu chuyện về tính khoa học và việc áp dụng các phương pháp tân tiến vào sự phát triển trình độ của một đội tuyển không hề mới mẻ gì. Hơn 10 năm trước, chuyên gia người Đức Rainer Willfeld cũng từng trình cho VFF bản kế hoạch đấy trong tư cách của một GĐKT được FIFA cử đến giúp đỡ. Ấy vậy mà cho đến nay, việc áp dụng khoa học vào tập luyện, thi đấu của bóng đá Việt Nam cứ như ở những ngày đầu. Những chuyên gia ngoại đến, rồi đi mà chẳng thấy ai tiếp thu được gì mới mẻ khi mà “căn bệnh thành tích” chiếm hết suy nghĩ. Cần phải nhớ rằng, bóng đá Việt Nam đã từng đón những ông thầy bóng đá theo đúng nghĩa đen của từ này như Calisto, F.Goetz hay Weigang, Miura...

Tóm lại, có học từ Euro hay cụ thể là Iceland thì chỉ nên học 1 điều: Có mơ xa đến đâu thì tốt nhất nên nghĩ gần.  


VIỆT LONG

Tin cùng chuyên mục