Sáng nay, PV báo SGGP 12 Giờ tường trình từ vùng ma túy Tây Bắc

Mộc Châu “be bờ”chống ma túy

Bán chịu, “thưởng”… súng!
Mộc Châu “be bờ”chống ma túy

Hôm nay 10-4, ông Sềnh A Thào không lên nương làm rẫy. Gặp chúng tôi, ông khoe được xã mời lên dự họp bàn cách ngăn chặn buôn bán ma túy. Kể lại việc công an xã đã bắt đầu bắt được ma túy (trước đây, chuyện này rất ít xảy ra), đôi mắt người đàn ông ở xã Loóng Luông, huyện Mộc Châu, Sơn La này ánh lên niềm hy vọng: rồi đây, ma túy ở Lóng Luông sẽ giảm.

Bán chịu, “thưởng”… súng!

Mộc Châu “be bờ”chống ma túy ảnh 1

Nếu như Tây Bắc là khu vực nhức nhối nhất cả nước về tội phạm vận chuyển, buôn bán ma túy, thì Sơn La là tỉnh “nóng” nhất ở Tây Bắc và huyện Mộc Châu là “điểm đen” nhất ở Sơn La về ma túy (vì thế nên được mệnh danh là “rốn lũ ma túy”). Xã Lóng Luông lại đứng hàng đầu trong số 12 xã nhức nhối về ma túy ở huyện Mộc Châu.

Xã có 550 hộ dân thì có tới 104 đối tượng đã và đang chấp hành án phạt tù. Trong đó, có 13 đối tượng bị kết án chung thân, 12 án tử hình. Đội phó đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an huyện Mộc Châu Nguyễn Đình Hàm cho biết, năm 2006, số ma túy thu giữ được ở xã Lóng Luông tương đương với tổng số ma túy do Công an tỉnh Hòa Bình thu giữ được cùng năm! Ông Thào từng có thời gian nghĩ rằng ma túy sẽ bám chặt không buông tha người dân Lóng Luông. Bởi ngay cả người nhà của cán bộ xã vẫn tham gia vận chuyển, buôn bán ma túy.

Ở cái huyện có diện tích tự nhiên tương đương tỉnh Thái Bình này còn có hàng loạt xã khác cũng thuộc loại trọng điểm về ma túy. Đó là Vân Hồ, Trường Sơn, Lóng Sập, Tân Lập… Với 35km đường biên giới, hàng trăm đường mòn, hàng ngàn lối sang biên giới, Mộc Châu được ví như nút thắt và là túi chứa ma túy khổng lồ từ bên kia biên giới đổ về.

Dẫn chúng tôi len lỏi trên những mỏm núi cheo leo ở xã biên giới Lóng Sập, cán bộ trinh sát của Công an huyện Mộc Châu chỉ tay: bên kia núi (bên kia biên giới) trong những ngôi nhà lúp xúp, ma túy được tập kết ở đó. Có tiền, sang đó đặt vấn đề là muốn mua bao nhiêu cũng được.

Nếu là người dân sống ở 4 xã dọc biên giới thì do có quan hệ thân thiết như gia đình, hàng xóm nên có thể mua chịu vài chục bánh, khi nào lấy được tiền của khách mới phải trả. Hơn thế, mua từ 7 bánh/lần trở lên là được tặng… một khẩu súng K54 và một lựu đạn. Mua từ 10 bánh trở lên sẽ được bố trí từ 5 đến 15 tay súng đi theo bảo vệ. Vì thế mới có chuyện dân vận chuyển ma túy ở các xã “nóng” của Mộc Châu đều có súng, trong khi công an xã, thậm chí một số trường hợp công an huyện thì không được trang bị!

 Bắt những tên vận chuyển lớn lại sẵn máu liều là một kỳ công. Nhiều trường hợp, sau khi xả đạn vào lực lượng chức năng, bọn vận chuyển ma túy chạy tọt sang biên kia biên giới là… thoát. “Bắt ma túy dọc biên, anh em luôn luôn phải chuẩn bị phương án đấu súng với tội phạm. Những tiếng súng vẫn thường vang lên giữa thời bình”, anh nói. 

Ngăn dòng chảy của “cái chết trắng”

Theo một số người dân xã Lóng Sập, ở bên kia biên giới, mỗi bánh hêrôin có giá khoảng 5.000 USD nhưng mang qua biên giới là có giá 6.000 USD và khi về đến Hà Nội, giá lên tới trên 10.000 USD/bánh. Lóng Sập có một trạm biên phòng, một cửa khẩu và trạm hải quan nhưng việc mang hêrôin về Việt Nam không vì thế mà khó khăn hơn vì đường mòn có quá nhiều, mà cán bộ Việt Nam lại ít.

Những người dân sống dọc biên giới vốn cùng dòng tộc, lại quan hệ thân thiết, qua lại nhà nhau thường xuyên nên thường mỗi lần lại mang về “một ít” hêrôin. Lâu lâu điểm lại mới giật mình, vì tổng cộng người này người kia đã vận chuyển vài chục, thậm chí vài trăm bánh. Lạ ở chỗ địa bàn phức tạp thế nhưng ngó qua sổ công tác của trưởng công an các xã, tần suất phát hiện các vụ… trộm cắp gà lại lớn hơn hẳn đối tượng hiềm nghi, buôn ma túy (?!)…  

Trung tá Phạm Đình Trực, Phó phòng PC17, Công an Sơn La, cho hay, khi anh còn trực tiếp đấu tranh chống tội phạm ma túy ở Mộc Châu, có thời gian huyện, tỉnh đã tập trung bám trụ, ngăn chặn ma túy. Thế nhưng, “cứ tập trung triệt phá ở nơi này thì đối tượng lại chuyển địa bàn sang xã khác. Thậm chí, trước kia xã Na Ư (huyện Điện Biên Đông), Thôm Mòn (xã Thuận Châu, huyện Sơn La, đều thuộc tỉnh Điện Biên) mới là địa bàn nóng nhất Tây Bắc nhưng do đấu tranh mạnh và quốc lộ 6 nâng cấp xong, giới buôn bán, vận chuyển ma túy lại dịch chuyển về 4 xã biên giới của Mộc Châu, tỉnh Sơn La”.

Đến năm  2006, khi  Tỉnh ủy Sơn La ban hành Nghị quyết 03, huyện Mộc Châu có bước chuyển động. Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cử những “phi đội mạnh” về Sơn La; Bộ đội biên phòng, Hải quan đồng loạt ra quân với ý thức trách nhiệm cao hơn; một số chính quyền cùng với hệ thống chính trị của mình đã không còn “3 không” thờ ơ, đồng lõa với ma túy. Sự gia tăng của loại tội phạm này bắt đầu được kiềm chế.

Nhưng, nói như Sềnh A Thào thì tín hiệu vui nhất là từ phía công an huyện, xã. Được bổ sung trinh sát chống tội phạm ma túy, công an xã cũng đã bắt đầu biết… bắt ma túy (có xã công an xã bắt được vụ vận chuyển 12 bánh hêrôin - PV). Trung tá Trực bổ sung: Chúng tôi cũng đã thẳng tay loại ngũ những cán bộ, chiến sĩ tiếp tay cho ma túy. Lực lượng công an đang cùng người dân Mộc Châu, Sơn La be bờ, ngăn dòng ma túy, không cho “cái chết trắng” tiếp tục đổ vào Việt Nam.

Nam Quốc

Tin cùng chuyên mục