Mỗi năm gần 700 người chết vì tai nạn lao động

Mỗi năm gần 700 người chết vì tai nạn lao động

(SGGPO).- Sáng nay, 12-11, Bộ trưởng Bộ lao động - thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình về dự án Luật an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) Quốc hội.

Bà Phạm Thị Hải Chuyền. Ảnh: Lã Anh

Theo Tờ trình của Chính phủ , trong giai đoạn 2006 - 2013, chỉ tính riêng khu vực tham gia bảo hiểm xã hội, số người chết do tai nạn lao động là trên 5.300 người (gần 700 người chết mỗi năm), trên 40.000 người bị thương tật với mức suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên. Tính đến cuối năm 2013, số người được hưởng trợ cấp hàng tháng từ cơ quan bảo hiểm xã hội do bị tai nạn lao động là trên 37.000 người. Vì vậy, cần thiết phải có luật ATVSLĐ để bảo đảm an toàn và sức khỏe người lao động trong quá trình lao động sản xuất, đồng thời, bảo vệ sự phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp.

Dự án Luật ATVSLĐ có 7 chương, với 94 điều. Trình  luật này, Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về vấn đề lực lượng thanh tra chuyên ngành về ATVSLĐ vì còn nhiều ý kiến khác nhau.

Nhóm ý kiến thứ nhất cho rằng, cần phải có quy định thanh tra ATVSLĐ là lực lượng thanh tra chuyên ngành, do cơ quan thực hiện quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương thực hiện, gồm ba cấp trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện. Với phương án này, lực lượng thanh tra chuyên ngành cấp huyện dự kiến là các thanh tra viên thuộc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội của Ủy ban nhân dân cấp huyện (không thành lập phòng riêng), ước tính cần tăng thêm khoảng 1.000 biên chế (mỗi huyện tăng thêm 1-2 người). 

Nhóm ý kiến thứ hai cho rằng, chỉ thành lập thanh tra chuyên ngành an toàn, vệ sinh lao động ở cấp trung ương và cấp tỉnh, vì Luật thanh tra chưa quy định lực lượng thanh tra chuyên ngành cấp huyện.

Chính phủ nghiêng về ý kiến thứ nhất. Tuy nhiên, vẫn còn có ý kiến đề nghị theo phương án 2 để thống nhất và đồng bộ với Luật thanh tra.

Thẩm tra luật này, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tán thành với dự thảo Luật về việc mở rộng đối tượng áp dụng Luật ATVSLĐ cho tất cả người lao động. 
   
Về thanh tra chuyên ngành ATVSLĐ, Ủy ban tán thành với nhóm ý kiến đề nghị chỉ quy định thanh tra chuyên ngành về ATVSLĐ ở cấp bộ và cấp tỉnh như Luật thanh tra.

 Về chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo hình thức tự nguyện đối với người lao động không có quan hệ lao động. Ủy ban cho rằng, hiện nay, việc tổ chức chính sách này đối với đối tượng không có quan hệ lao động tính khả thi không cao, để được chăm sóc sức khỏe nhóm lao động này sẽ tham gia BHYT bắt buộc theo Luật bảo hiểm y tế. Do vậy, cần cân nhắc việc quy định chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo hình thức tự nguyện đối với nhóm lao động này trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, do đây là vấn đề còn có ý kiến khác nhau, Ủy ban xin trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến. 

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục