Ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trước đây trên các tuyến phố chính khu vực nội thành tồn tại 18 điểm úng ngập cục bộ. Tuy nhiên năm 2017, thành phố đã xóa bỏ được 2/18 điểm ngập tại đường Yên Nghĩa (bến xe Yên Nghĩa, ngã ba Ba La - quận Hà Đông) và đường Cổ Linh (quận Long Biên). Năm 2018, thành phố tiếp tục xóa được 2/16 điểm úng ngập tại đường Giải Phóng, đoạn bến xe phía Nam và phố Nguyễn Chính nhưng 2 điểm này vẫn cần theo dõi, đánh giá trong mùa mưa 2019. Hiện nay, với cường độ mưa khoảng từ 50-100mm/2giờ, các tuyến phố chính của Hà Nội vẫn còn 16 điểm úng ngập. Cùng với đó là nhiều điểm úng ngập cục bộ tại một số ngõ, ngách khu dân cư ở 12 quận nội thành, các tuyến đường ngoài khu đô thị.
Lý giải về tình trạng úng ngập trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn ra phức tạp dù lượng mưa không lớn, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hệ thống thoát nước mới chỉ thực hiện đầu tư xây dựng hoàn chỉnh ở khu vực nội thành thuộc khu vực sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu với diện tích 77,5 km² (chiếm khoảng 35%), còn các khu vực khác chưa được đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước đồng bộ theo quy hoạch được phê duyệt nên tồn tại úng ngập khi xảy ra mưa lũ lớn.
Để khắc phục tình trạng ngập úng tại nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội, ông Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, ngoài việc thực hiện theo kế hoạch thoát nước đã được phê duyệt, đơn vị sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra chặt chẽ các công trình xây dựng đang thi công nhằm kiểm soát tốt thỏa thuận thoát nước...
Liên quan tới việc Công ty CP Cải thiện môi trường Nhật - Việt (JVE) cùng một số chuyên gia Nhật Bản đang thử nghiệm phương pháp xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor cho kết quả khả quan, ông Võ Tiến Hùng cho biết, hiện nay việc xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor vẫn trong giai đoạn thử nghiệm, chưa có báo cáo kết quả cuối cùng, cũng như chưa có giá thành về việc áp dụng thực hiện phương pháp này nên không thể so sánh với phương pháp xử lý ô nhiễm ao, hồ bằng hóa chất Redoxy-3C của Đức mà Hà Nội thực hiện trong thời gian qua. |