Rất nhiều điểm bất cập, thậm chí mâu thuẫn giữa các luật về đầu tư, kinh doanh đã được các chuyên gia phân tích tại hội thảo “Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh” do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chủ trì tổ chức hôm qua, 11-8. Đây là hội thảo mở đầu cho chuỗi hoạt động nhằm thu thập ý kiến đóng góp xây dựng Đề án Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh. Hầu hết ý kiến tại cuộc hội thảo này tập trung vào các dự án đầu tư có sử dụng đất.
Với tư cách nhà nghiên cứu, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Mạnh Hiển chỉ ra rằng thủ tục giới thiệu địa điểm xây dựng không tương thích giữa 3 luật: Xây dựng, Nhà ở và Đầu tư; thủ tục xác định nhu cần sử dụng đất không thống nhất về thời điểm thẩm định giữa các văn bản thi hành pháp luật; chế định về giấy phép quy hoạch và chủ trương đầu tư không tương thích giữa Luật Xây dựng, Luật Đầu tư và pháp luật về nhà ở...
Sơ đồ hóa “ma trận” thủ tục hành chính của các dự án có sử dụng đất, vị nguyên thứ trưởng phụ trách lĩnh vực quản lý đất đai của Bộ TN-MT tỏ ra rất thông cảm với nhà đầu tư. Theo ông Hiển, do thiếu thống nhất trong quy định pháp luật, nên trong từng khâu ở suốt vòng đời một dự án, mỗi địa phương làm một kiểu. Thậm chí, cho đến khi dự án đầu tư bị chấm dứt thì Luật Đầu tư và Luật Đất đai cũng đưa ra giải pháp xử lý rất khác nhau: Luật Đầu tư quy định chấm dứt dự án sau 12 tháng mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc có khả năng thực hiện; trong khi Luật Đất đai cho phép gia hạn sử dụng 24 tháng và nhà đầu tư phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án.
Đáng lưu ý, hiện có sự khác biệt khá lớn về hình thức sử dụng đất giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Mặc dù doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (đăng ký thành lập tại Việt Nam, hoạt động theo pháp luật Việt Nam) đã được coi là doanh nghiệp Việt Nam (theo Điều 4 của Luật Doanh nghiệp), song Luật Đất đai lại loại trừ trường hợp “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế”. Một số quyền tiếp cận đất đai của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bị hạn chế hơn so với tổ chức kinh tế, trong đó có quyền “được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của tổ chức, hộ gia đình”, nói cách khác, doanh nghiệp loại này chỉ “được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc thông qua nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu đô thị mới để thực hiện dự án đầu tư”.
Lại cũng theo Luật Đất đai, Nhà nước chỉ thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Do vậy, quỹ đất để Nhà nước giao, cho thuê bị thu hẹp lại, gây khó khăn cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài muốn thực hiện dự án đầu tư nhưng không có quỹ đất để thực hiện, kể cả khi doanh nghiệp có thể có nguồn lực tài chính để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của tổ chức, hộ gia đình. Để tháo gỡ vướng mắc này, cần mở rộng quyền cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong tiếp cận đất đai bằng một trong 2 hình thức. Một là, cho phép nhà đầu tư nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án đầu tư. Hai là, mở rộng diện Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Có cùng mối quan tâm này, đại diện Câu lạc bộ Luật sư thương mại quốc tế nhận xét thêm, việc bên nước ngoài không thể nhận thế chấp bất động sản ở Việt Nam là một rào cản rất lớn, làm hạn chế khả năng mua bán, xử lý nợ xấu. Đại biểu đề nghị cho tổ chức nước ngoài có thể trực tiếp nhận thế chấp đối với bất động sản hoặc ủy thác cho một ngân hàng tại Việt Nam nhận bảo đảm tài sản cho nhà đầu tư nước ngoài...
Lẽ dĩ nhiên, bên cạnh lĩnh vực sử dụng đất đai còn có rất nhiều vướng mắc trong hàng loạt lĩnh vực khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh... cần được tháo gỡ. Thế nhưng chỉ nhìn vào một lĩnh vực đó đã có thể thấy giữa mục tiêu tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp cùng hoạt động, cùng đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế - xã hội thực sự còn có khoảng cách rất lớn và khoảng cách khâu đầu tiên là thể chế pháp luật. Trong khi đó, nói như ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc sửa đổi, bổ sung những quy định bất cập đang diễn ra với... “tốc độ rùa”.
“Tôi nhấn mạnh là sự ổn định của luật chỉ là tương đối, thay đổi những quy định trong luật cho phù hợp mới là tuyệt đối, nhằm bảo đảm một Chính phủ kiến tạo, một Chính phủ phục vụ, chứ không phải là Chính phủ kiểm soát. Luật cũng phải “động” theo yêu cầu của thực tiễn, chứ không phải ổn định, bất biến; miễn là tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp”, ông Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm.
ANH THƯ