Hơn bao giờ hết, hiện nay môi trường đã trở thành vấn đề “nóng”, thu hút sự quan tâm của nhiều người, nhiều giới trong xã hội, bởi đó là một trong những thành tố quan trọng tạo nên chất lượng cuộc sống. Vấn đề này cũng đã từng được thảo luận sôi nổi tại các phiên họp HĐND TPHCM khóa VII. Chúng ta không thể vì 1 đồng thu được hôm nay mà khiến các thế hệ mai sau phải bỏ ra 10, thậm chí 100 đồng để khắc phục nạn ô nhiễm môi trường. Bảo vệ môi trường là vấn đề cực kỳ quan trọng, đó không chỉ là trách nhiệm của riêng ai mà phải là của cả cộng đồng. Trong đó, mối quan hệ chặt chẽ giữa Nhà nước - người dân và doanh nghiệp phải luôn luôn được duy trì và phát huy.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường trong những năm qua là do trong quá trình sản xuất, một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, thậm chí có doanh nghiệp không chút ngại ngần khi sử dụng nhiều thủ đoạn che giấu các hành vi phá hoại môi trường, gây bức xúc cho người dân và công luận. Trong đó, điển hình là một số doanh nghiệp như Vedan và Tung Kuang.
Phát hiện bệnh là điều cần thiết, nhưng quan trọng hơn là phải làm sao chữa trị được căn bệnh ấy. Một số doanh nghiệp vì lợi nhuận mà xao lãng trách nhiệm bảo vệ môi trường. Những trường hợp ấy rất đáng phê phán và cần xử lý nghiêm khắc. Nhưng bên cạnh đó còn có nhiều doanh nghiệp ý thức rõ trách nhiệm bảo vệ môi trường nhưng điều kiện triển khai thực hiện hạn chế.
Trên địa bàn TPHCM nói riêng và cả nước nói chung, hiện nay số lượng doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ chiếm tỷ lệ rất lớn. Đối với phần lớn những doanh nghiệp này, việc đầu tư hệ thống xử lý chất thải và dây chuyền sản xuất hiện đại, đảm bảo các yếu tố an toàn vệ sinh môi trường luôn đòi hỏi nguồn vốn không nhỏ. Với một số doanh nghiệp, việc đầu tư vốn để xây dựng hệ thống này sẽ khiến giá thành sản phẩm tăng vọt, mất khả năng cạnh tranh về giá và giảm nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất. Đó là một trong các nguyên nhân khiến một số doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm và thiếu kiên quyết thực hiện trong thời gian qua.
Để giải quyết triệt để vấn đề này, Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận với nguồn quỹ để xây dựng hệ thống xử lý chất thải. Đối với những doanh nghiệp vừa sản xuất, kinh doanh hiệu quả, vừa làm tốt công tác bảo vệ môi trường, cần khen thưởng, động viên xứng đáng, kịp thời. Trong thời gian qua, một số giải thưởng về môi trường do chính quyền, các cơ quan truyền thông đại chúng và một số doanh nghiệp tổ chức đã góp phần tích cực vào việc hạn chế tình trạng ô nhiễm, bảo vệ môi trường sống của cộng đồng. Đặc biệt, người tiêu dùng đã thể hiện trách nhiệm và quyền của mình khi “nói không” với một số sản phẩm của những doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường.
Vấn đề bảo vệ môi trường ngày càng trở nên cấp bách và mở rộng phạm vi ảnh hưởng. Hiện nay, tình trạng ô nhiễm nước sông đã vượt quá mức báo động do một số doanh nghiệp có nhà máy đóng trên địa bàn các tỉnh lân cận xả chất thải chưa qua xử lý. Trước thực trạng này, TPHCM nên tiếp tục đẩy mạnh sự phối hợp với các tỉnh lân cận để giải quyết triệt để nạn ô nhiễm nguồn nước. Ngoài ra, cần đẩy mạnh hơn nữa việc di dời, tập trung các doanh nghiệp sản xuất có đặc trưng sản xuất dễ gây ô nhiễm môi trường.
Trương Gia