Môi trường văn hóa cho người lao động

Không ngừng nâng cao phúc lợi văn hóa cho công nhân và người lao động luôn là chủ trương lớn của Đảng, nhà nước và tổ chức công đoàn. Đây là một quá trình thực hiện thường xuyên, lâu dài ở tất cả các xí nghiệp, nhà máy, bệnh viện, trường học, cơ quan, doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất… góp phần vào chiến lược xây dựng lớp người lao động chuyên nghiệp, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới.

Nghị quyết của Đảng về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước khẳng định chủ trương “Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, quan tâm giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, cấp bách của giai cấp công nhân”. Chính phủ cũng đã yêu cầu các bộ, ngành lên quan nghiên cứu đề án xây dựng đời sống văn hóa cho công nhân lao động ở khu công nghiệp, khu chế xuất.

Việc đầu tư nâng cao phúc lợi văn hóa cho công nhân và người lao động trước hết cần sự quan tâm của các tập thể đang sử dụng lao động. Các đơn vị, địa phương phải xem đây là trách nhiệm cao cả của mình, vì việc này cũng chính là góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ắt sẽ mang lại hiệu quả tăng năng suất lao động, ổn định trật tự cộng đồng, thực hiện nếp sống văn minh trên địa bàn dân cư.

Như vậy, việc xây dựng đời sống văn hóa trong khu vực này cần gắn chặt với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động gắn bó với cộng đồng, chủ động tham gia các hoạt động văn hóa, vừa hưởng thụ vừa sáng tạo văn hóa. Mặt khác, cũng phải tăng cường xây dựng các thiết chế văn hóa phù hợp, gầy dựng phong trào vui chơi giải trí lành mạnh, không để xảy ra tình trạng nhà văn hóa và nơi sinh hoạt văn hóa trống vắng, thậm chí bỏ không!

Lễ kỷ niệm 125 năm ngày Quốc tế Lao động 1-5 năm nay gắn với phát động “Tháng công nhân’’ trên quy mô cả nước từ ngày 1-5 đến 31-5 nên chúng ta càng có thêm thuận lợi trong việc chăm lo đời sống văn hóa cho công nhân, lao động. Riêng tại TPHCM vừa triển khai kế hoạch xây dựng đời sống văn hóa trong công nhân viên chức lao động (CNVC-LĐ), giai đoạn 2011 - 2015.

Các cấp công đoàn sẽ chủ động tham gia cùng chính quyền đồng cấp và phối hợp với doanh nghiệp xây dựng hoặc nâng cấp cơ sở vật chất và các thiết chế văn hóa, đào tạo cán bộ lành nghề để tổ chức tốt các hoạt động văn hóa cho người lao động ở cơ sở, xây dựng các khu tập thể - khu nhà trọ công nhân văn minh, sạch đẹp, an toàn. Tại Hà Nội, triển khai kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp” trong CNVC-LĐ thủ đô giai đoạn 2011 - 2015.

Tuy nhiên, hiện nay, trên bình diện chung vẫn còn không ít doanh nghiệp chểnh mảng việc chăm lo đời sống văn hóa cho công nhân, lao động. Một số khu công nghiệp chưa xây dựng nhà ở và công trình phúc lợi về văn hóa - xã hội phục vụ công nhân. Nhiều công nhân phải thuê nhà trọ trong những khu vực phức tạp, thiếu vệ sinh, giờ rảnh lại không có nơi sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí.

Để góp phần cải thiện, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của CNVC-LĐ, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: Xây dựng các thiết chế văn hóa cần thiết như câu lạc bộ, trung tâm sinh hoạt văn hóa, cơ sở nuôi dạy trẻ, nhà truyền thống, thư viện, rạp hát tại các khu công nghiệp, xóm phố có đông công nhân và người lao động sinh sống. Nhà nước đầu tư và có chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng nhà văn hóa lao động, câu lạc bộ công nhân, phát triển nơi học tập, sinh hoạt văn nghệ, thể thao, đọc sách báo dành cho công nhân, lao động ở các khu nhà trọ, khu công nghiệp tập trung. Tổ chức các sinh hoạt vì cộng đồng vui khỏe, lồng ghép với giáo dục truyền thống, đề cao ý thức và trách nhiệm công dân của người lao động.

X. THÁI

Tin cùng chuyên mục