Mọi vấn đề liên quan đến người ứng cử phải được xử lý trước khi đưa vào danh sách chính thức

Mọi vấn đề liên quan đến người ứng cử phải được xử lý trước khi đưa vào danh sách chính thức

Ngày 3-2, bên lề hội nghị triển khai công tác bầu cử của MTTQ, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha cho biết, việc hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đang được chuẩn bị hết sức khẩn trương. Từ nay đến Tết Nguyên đán các cơ quan hữu quan phải hết sức gấp rút chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện theo quy định để đến mùng 8 tết, những nơi chuẩn bị tốt có thể tiến hành hiệp thương.

* Phóng viên:
Thưa ông, công tác hiệp thương giới thiệu người ứng cử sẽ đổi mới thế nào?

Mọi vấn đề liên quan đến người ứng cử phải được xử lý trước khi đưa vào danh sách chính thức ảnh 1

* Ông NGUYỄN VĂN PHA: Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015, lần này Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội. Hiểu theo cách này thì có nghĩa là UBTVQH sẽ giới thiệu cả “số dư” (ví dụ một tỉnh được phân bổ để bầu 5 đại biểu Quốc hội ở địa phương thì UBTVQH sẽ dự kiến cho địa phương đó giới thiệu 10 người). Tuy nhiên qua trao đổi, được biết UBTVQH sẽ vẫn chỉ dự kiến số lượng đại biểu được bầu cho mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và chỉ giới thiệu số dư về phụ nữ và người dân tộc thiểu số mà thôi. Phần còn lại sẽ do MTTQ cấp tỉnh hiệp thương để giới thiệu cho đủ “số dư” theo quy định.

Tương tự như vậy, Thường trực HĐND các cấp cũng chỉ nên giới thiệu cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu được bầu vào HĐND cùng cấp. Phần còn lại sẽ do mặt trận hiệp thương giới thiệu cho đủ số người ứng cử theo quy định. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đang kiến nghị Hội đồng bầu cử quốc gia hướng dẫn kỹ vấn đề này để áp dụng thống nhất trong cả nước. Chúng tôi cũng đã đề nghị có hướng dẫn các địa phương tuân thủ đúng quy dịnh của Điều 8 của Luật Bầu cử làm sao số người ứng cử chính thức là phụ nữ đạt tối thiểu 35%, số người ứng cử chính thức là người dân tộc thiểu số ít nhất là 18%.

Tôi cho rằng dù cách hiểu có thể chưa thật thống nhất thì theo Điều 9 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp vẫn phải chủ động trao đổi, thống nhất với Thường trực HĐND cùng cấp để dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử tại địa phương mình.

* Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII nhấn mạnh công tác nhân sự là làm sao chọn được cán bộ có đức, có tài không tham vọng quyền lực, không tham nhũng, vi phạm. MTTQ góp phần như thế nào để chọn lựa được cán bộ, đáp ứng mong mỏi của nhân dân?

* Việc giới thiệu người ứng cử là cả quy trình chặt chẽ, không riêng MTTQ làm được. Suy cho cùng, MTTQ chỉ làm bước sau cùng, cho nên hội nghị hiệp thương phân bổ cho cơ quan, tổ chức, đơn vị nào thì cơ quan tổ chức, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm về người được mình giới thiệu và theo quy trình chặt chẽ, để làm sao khi người đó đến mặt trận đủ quy trình theo luật định. Với người ứng cử dự kiến làm đại biểu chuyên trách, là đảng viên thì còn phải bảo đảm yêu cầu theo hướng dẫn của Đảng. Với danh sách như vậy, MTTQ là cơ quan cuối cùng xem xét để làm sao lựa chọn đúng như quy định pháp luật về người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND trong nhiệm kỳ này.

* Để thể hiện rõ vai trò của mặt trận, tránh được những trường hợp ĐBQH “có vấn đề” như nhiệm kỳ qua (đơn cử bà Châu Thị Thu Nga, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội), MTTQ rút ra kinh nghiệm gì?

* MTTQ sẽ phải làm đúng theo luật, đúng trách nhiệm của mặt trận trong cuộc bầu cử. Chúng tôi cũng nhấn mạnh ngoài trách nhiệm của mình theo luật, mặt trận cần phải phối hợp chủ động và chặt chẽ với cơ quan có liên quan để bất kỳ trường hợp phát sinh nào liên quan đến người ứng cử đều được xem xét, xử lý rõ ràng trước khi đưa vào danh sách chính thức.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục