Ngày 14-6-2014, HĐND TPHCM đã thông qua nghị quyết về hỗ trợ giáo dục mầm non trên địa bàn TPHCM, trong đó có nội dung bổ sung thêm chức danh nhân viên nuôi dưỡng (còn gọi là bảo mẫu - PV), đồng thời có thêm chế độ hỗ trợ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập.
Tuy nhiên, năm học 2014 - 2015 đã qua được hơn nửa chặng đường, nhưng phản ảnh từ các quận, huyện cho thấy thực tế vẫn chưa song hành cùng nghị quyết.
Tạm gỡ khó
Tại buổi gặp gỡ giữa Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam và đại diện phòng GD-ĐT 24 quận, huyện diễn cuối tuần qua, nhiều ý kiến đã bày tỏ lo ngại về tình trạng “hữu danh vô… lương” của lực lượng bảo mẫu đang làm việc tại các trường mầm non. Ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng GD-ĐT quận 6 bày tỏ, ngân sách năm 2015 giao cho các trường mầm non không có thêm khoản hỗ trợ lương cho lực lượng bảo mẫu. “Với số tiền có được, trường nhỏ nếu biết co kéo còn đủ trả lương cho bảo mẫu, nhưng trường lớn thì hầu như không đủ. Thực tế cho thấy đã có trường bù lỗ từ 150 - 200 triệu đồng/năm học, lấy từ nguồn học phí của học sinh để trả lương cho các cô bảo mẫu”, ông Uyên cho biết. Ngoài ra, định biên nhân sự ở bậc học này hai năm qua của quận 6 đều được Sở Nội vụ ấn định ở mức 2.300 người. “Mặc dù sau hai năm, quy mô trường, lớp đã tăng lên đáng kể, sĩ số học sinh tăng nhanh nhưng toàn quận chỉ tăng thêm 10 định biên nhân sự khiến chúng tôi gặp khó trong việc trả lương cho số lao động ngoài định biên”, ông Uyên bày tỏ.
Khối lượng công việc và áp lực rất nhiều, cần có thêm các khoản phụ cấp để giúp giáo viên mầm non gắn bó với nghề.
Tương tự, đại diện Phòng GD-ĐT quận 4 cho biết, nhiều năm qua quận 4 phải lấy một phần kinh phí dự phòng dùng để mua sắm, sửa chữa nhỏ trang thiết bị, cơ sở vật chất của các trường để trả thêm lương cho giáo viên. “Do cách tính định biên nhân sự hiện nay quá sát nên năm học 2013 - 2014, toàn quận phải dùng hơn 85% kinh phí từ ngân sách chi trả lương cho giáo viên”, vị này bày tỏ. Riêng cách làm của quận 6 là chia đều tổng ngân sách được cấp cho 2.300 định biên, trường nào chưa có đủ định biên sẽ lấy bù qua cho trường thiếu, trích thêm một khoản từ số tiền phụ huynh đóng học phí để hỗ trợ lương cho giáo viên. Ở khía cạnh khác, ông Lê Hùng Sen, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Củ Chi, kiến nghị Sở GD-ĐT TP nên xem xét, có thêm chế độ phụ cấp cho giáo viên dạy những lớp có sĩ số học sinh quá đông. Ông Sen bày tỏ: “Hiện nay, sĩ số học sinh/lớp ở hai bậc mầm non và tiểu học ở hầu hết các trường đều vượt quá chuẩn quy định của Bộ GD-ĐT. Thực tế này đòi hỏi giáo viên phải nỗ lực gấp đôi mức bình thường, khối lượng công việc nhiều hơn, áp lực cũng không nhỏ. Do đó về lâu dài nếu có thêm khoản phụ cấp sẽ giúp họ yên tâm công tác, gắn bó với nghề”.
Tiếp tục chờ
Giải tỏa băn khoăn của các quận, huyện, ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết, hiện nay Sở GD-ĐT TP đang làm việc với Sở Nội vụ trong việc tính toán lại định biên nhân sự giáo dục cho các quận, huyện. “Tính đến chiều 26-12-2014, đã có hai trường mầm non trên địa bàn TP là Mầm non 19-5 và Mầm non Thành phố được nhận quyết định phân bổ thêm kinh phí bổ sung phụ cấp ưu đãi cho giáo viên. Những đơn vị khác sẽ tiếp tục chờ quyết định bổ sung thêm định biên nhân sự và nguồn kinh phí tương ứng được chi cho các quận, huyện”, ông Nam cho biết. Trao đổi với chúng tôi, trưởng phòng GD-ĐT một quận ở trung tâm TPHCM thẳng thắn bày tỏ: Việc Sở GD-ĐT và Sở Nội vụ ngồi lại với nhau tính toán lại định biên nhân sự cho các quận, huyện thật sự là tin vui đối với đội ngũ những người làm nghề giáo. Tuy nhiên nếu không đẩy nhanh tiến độ thực hiện, các trường sẽ khó duy trì chất lượng hoạt động. Đó là chưa kể trước giờ mọi quy định đưa ra đều đi sau thực tế. Điều gì sẽ đảm bảo con số định biên mới đáp ứng được nhu cầu và phù hợp với ngân sách được chi cho các quận, huyện?
Không thể phủ nhận những nỗ lực của Sở GD-ĐT TPHCM trong việc tìm phương án “gỡ khó” các chính sách về lương, phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non. Tuy nhiên với hơn 2.000 cán bộ quản lý, 18.500 giáo viên và 15.500 công nhân viên đang làm việc ở các trường mầm non trên toàn TP, làm sao đảm bảo đời sống cho họ, duy trì ổn định lòng yêu nghề và tinh thần nhiệt tình cống hiến là bài toán khó đặt ra cho các cơ quan lãnh đạo. Thiết nghĩ về lâu dài, cần có thêm sự vào cuộc của Bộ GD-ĐT để những nỗ lực của TP sớm đi vào thực tế, tránh tình trạng “quy định có nhưng khó thực hiện” như hiện nay. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đề nghị Bộ GD-ĐT sửa đổi, bổ sung điều lệ trường mầm non, trong đó tạo ra hướng mở đối với quy định tỷ lệ học sinh/lớp phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội thực tế ở từng vùng miền, lấy đó làm cơ sở tính toán lại định biên bảo mẫu cho các trường mầm non.
|
MINH QUÂN