“Món ngon” cho doanh nghiệp ngoại

Theo đánh giá của Bộ Thông tin - Truyền thông, những năm qua công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) đã trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, doanh thu cao, giá trị xuất khẩu lớn. Việt Nam đủ khả năng phát triển, sản xuất các sản phẩm, dịch vụ CNTT đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, tạo nền tảng để phát triển kinh tế tri thức. Trong 6 năm, từ 2010 - 2015, ngành công nghiệp CNTT Việt Nam đã có bước phát triển nhanh chóng. Từ mốc 7,6 tỷ USD doanh thu năm 2010, đến năm 2015 tổng doanh thu của ngành tăng gần 7 lần, ước đạt 49,5 tỷ USD.

Theo ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ TT-TT) với tổng doanh thu ước đạt 49,5 tỷ USD, năm 2015 công nghiệp CNTT đã tăng trưởng gần 15% so với doanh thu năm 2014. Cụ thể, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản, lĩnh vực phần cứng điện tử của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng với doanh thu ước đạt trên 46 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 16%; xuất khẩu điện thoại di động đạt gần 35,2 tỷ USD, tăng trưởng gần 30%; xuất khẩu máy tính và linh kiện đạt trên 15 tỷ USD, tăng hơn 38%; xuất siêu lĩnh vực phần cứng điện tử là hơn 12 tỷ USD. Đặc biệt, năm 2015, ngành CNTT-TT đã trở thành ngành đóng góp nhiều nhất cho ngân sách Nhà nước; trong đó riêng các doanh nghiệp CNTT-TT nằm trong nhóm V1000 (những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam) đã đóng góp tới 82.344 tỷ đồng, chiếm 10% ngân sách.

Một điều dễ thấy, những năm qua trong điều kiện nền kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn và phục hồi chậm, nhưng nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam như Samsung, LG, Panasonic, Canon, Intel... Tính đến nay, riêng lĩnh vực công nghiệp điện tử Việt Nam đã thu hút hơn 10 tỷ USD vốn FDI với các tên tuổi lớn như Samsung, Foxconn, LG, Panasonic, Intel…

Sức hấp dẫn của công nghiệp điện tử Việt Nam hiện nay thể hiện bằng các nhà máy sản xuất điện thoại di động quy mô lớn, trong đó Samsung lớn nhất với nhà máy 2,5 tỷ USD ở Bắc Ninh và nhà máy 2 tỷ USD tại Thái Nguyên. Hai nhà máy này đang cung cấp khoảng 33% tổng sản lượng điện thoại toàn cầu của Samsung. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì quy mô phát triển của ngành công nghiệp CNTT của Việt Nam còn nhỏ, năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh so với các nước trong khu vực và trên thế giới còn yếu.

Doanh thu và giá trị xuất khẩu lớn đều nằm trong tay những công ty FDI như Samsung, LG, Panasonic, Canon, Intel… Các công ty Việt Nam vẫn chưa tạo được vị thế, thương hiệu lớn trong lĩnh vực phần cứng cũng như công nghiệp điện tử. Thậm chí tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất của những tên tuổi lớn còn khó khăn. Ví dụ, hiện có 63 doanh nghiệp Việt đang tham gia cung ứng linh kiện cho Tổ hợp Samsung Điện tử Việt Nam, gồm 11 nhà cung ứng cấp 1 và 52 nhà cung ứng cấp 2. Tuy nhiên chủ yếu là cung ứng in ấn và bao bì, phụ kiện về nhôm và cáp điện… tức là những phần có giá trị gia tăng thấp nhất, không tiếp thu được công nghệ cao, cũng như không có sức lan tỏa tới nền kinh tế.

Theo đánh giá của Bộ TT-TT, công nghiệp phần cứng, điện tử nặng về lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng giá trị gia tăng đem lại không cao, chỉ chiếm khoảng 10% tổng doanh thu. Ngay những doanh nghiệp CNTT lớn như FPT, Viettel, VNPT cũng chưa thoát được điều đó và chưa tạo được những sản phẩm CNTT thỏa mãn người dùng và thị trường nội địa.

Chương trình quốc gia phát triển công nghiệp CNTT của Việt Nam đến năm 2020 có 6 trụ cột chính: Môi trường chính sách; Phát triển nhân lực CNTT; Phát triển doanh nghiệp, thương hiệu; Phát triển sản phẩm, thị trường; Thu hút đầu tư và phát triển các khu CNTT tập trung; Phát triển phần mềm mã nguồn mở. Chương trình này được đưa ra 2013 và cho đến nay, có vẻ cả 6 trụ cột đó, chưa có một nội dung nào thực sự phát triển đúng như kỳ vọng. Để rồi công nghiệp CNTT Việt Nam chỉ xướng tên các doanh nghiệp FDI, còn với doanh nghiệp, thương hiệu nội địa luôn chỉ là có tiềm năng lớn.

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục