Gần 40 năm kể từ Đại thắng mùa xuân 1975, chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng. Nhưng trong tâm thức của nhiều nhà văn thuộc thế hệ chống Pháp, chống Mỹ và cả những cây viết trẻ sinh sau thì dường như chiến tranh vẫn luôn hiện diện trong ký ức, thôi thúc phải trả cho bằng được “món nợ” văn chương. Một nhà văn từng vào sinh ra tử qua các chiến trường khói lửa ở miền Đông và Tây Nam bộ tâm sự rằng một thời không tiếc tuổi xanh, sống hết mình, viết hết mình vì sự nghiệp lớn, nhưng đến giờ được sống và viết dưới ánh điện hòa bình mới thấy viết quá khó và không đủ sức viết những dòng chữ cho xứng với tầm cỡ hiện thực, với xương máu của đồng bào, đồng chí, đồng nghiệp đã đổ máu vì Tổ quốc.
Và quả thật khó lắm khi chúng ta có một khoảng lùi để nhìn nhận cho thấu đáo, nhìn ra toàn cục lẫn chi tiết, khắc họa có nét “bộ mặt thật” của hai cuộc chiến kéo dài trong gần trọn 30 năm (1946 - 1975). Ngay như nhà văn Nguyễn Quang Sáng sau năm 1975 dù đã viết 2 bộ tiểu thuyết Mùa gió chướng và Cánh đồng hoang về sau được dựng phim khá thành công cả về nghệ thuật lẫn tính tư tưởng nhưng vẫn thấy chới với… khi đụng chạm đến thực tế chiến tranh “gai góc, bi kịch lắm”, nhất là phải lý giải thấu đáo những gì đã xảy ra ở hai bên chiến tuyến.
Thậm chí, nhà văn gạo cội về đề tài chiến tranh Lê Văn Thảo cũng thành thật nói rằng viết như cũ thì không được rồi, nhưng đổi mới thì cần phải bao quát hơn, rộng lớn hơn. Chung quy, sự hòa nhập đang đặt ra những thách thức, những tiêu chuẩn mới cho dòng văn học nghệ thuật về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính, từng là chủ đạo trong suốt nửa sau thế kỷ 20 với những nhà văn - chiến sĩ tài năng nhất. Ở đây cũng cần nói độ “thoáng” của cơ chế thị trường đã cho phép chúng ta thưởng thức những tác phẩm về chiến tranh và thân phận con người trong cuộc chiến mà trước đây rất khó ra mắt bạn đọc như tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh. Có người cho rằng nó có “vấn đề về tư tưởng” với cách nhìn méo mó, xuyên tạc bản chất của người lính cách mạng, nhưng nhiều người lại nhận định đó là một tác phẩm “để đời, tái hiện chân thực chiến tranh với tất cả thảm trạng nghiệt ngã của nó”. Và đúng hay sai thì như chúng ta hay nói: để hồi sau phân giải, nhưng Nỗi buồn chiến tranh với lượng phát hành khá lớn, đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và được dịch ra tiếng Anh ở Mỹ, rõ ràng là một thành công trong thời buổi dường như đề tài muôn thuở này bị “lép vế” trước đủ loại văn học “đương đại” ngon ăn hơn. Tất nhiên, đề tài chiến tranh và người lính cũng chỉ là một đề tài trong muôn vàn những đề tài nảy sinh trong cuộc sống phức tạp hiện nay. Và đương nhiên, phải thừa nhận tuy không thể giữ vai trò thống soái trên văn đàn như “một thời đạn bom”, song nó vẫn là món ăn tinh thần quan trọng nhất để nuôi dưỡng hồn dân tộc trong “một thời hòa bình” cũng khó khăn, cam go không kém. Cái chính vẫn là tài năng quyết định để có một tác phẩm hay vì không có đề tài dở mà chỉ có người viết không hay.
Cuộc chiến đã lùi xa gần 40 năm, những người trực tiếp tham gia chiến tranh phần đông đã nghỉ hưu cùng với sự hao vắng dần các cây bút hàng đầu chuyên viết về đề tài này. Câu hỏi đặt ra là phải làm gì để bổ khuyết sự thiếu hụt lực lượng này? Về nhận thức đã rõ: không thể xóa nhòa khái niệm chính nghĩa và phi nghĩa, không thể mơ hồ giữa “địch” và “ta”, giữa kẻ xâm lược và người bị xâm lược…, song cũng không thể cứ mô tả theo kiểu một chiều “ta nhất định thắng, địch nhất định thua” nhàm chán mà phải sáng tạo những tác phẩm hay, đúng, trúng, vừa chân thật vừa hấp dẫn bạn đọc.
Ở đây, cách tháo gỡ nút thắt là phải “dựa vào cơ sở” là những nhà văn mặc áo lính, những người “nắm vững địa bàn” hơn ai hết. Và với sự quan tâm, đầu tư đúng mức của Bộ Quốc phòng, mà trực tiếp là Tổng cục Chính trị, thật mừng là đến giờ đã hình thành một thế hệ nhà văn - chiến sĩ trẻ, tuy chưa trải qua trận mạc và kinh nghiệm chiến trường nhưng đầy nhiệt huyết, được đào tạo chính quy, bài bản, yêu nghề, có khát vọng sáng tạo, có cách nhìn mới về thời cuộc.
Có thể kể tên các cây bút trẻ đang sinh hoạt trong Chi hội Nhà văn quân đội như Thái Nam Anh, Đoàn Minh Tâm, Uông Triều..., nghĩa là đang có cuộc chuyển giao thế hệ trong khi vẫn giữ nguyên vẹn màu áo lính. Ngoài ra cũng có thể kể đến một loạt các nhà văn không đứng trong quân ngũ - nhờ hàng loạt các cuộc thi về đề tài chiến tranh cách mạng - đã tạo dựng các tác phẩm có dấu ấn riêng như Hoàng Hải Lâm, Vũ Thanh Lịch, Võ Diệu Thanh… Trẻ đồng nghĩa với mới mẻ, sáng tạo vì thế chúng ta tin rằng nếu được đầu tư bài bản và nỗ lực cá nhân, chắc chắn chúng ta sẽ có những tác phẩm của các nhà văn trẻ xứng tầm với cuộc chiến vĩ đại của dân tộc. Như ai đã nói chiến tranh đến rồi đi, chỉ có người lính là còn lại mãi mãi. Và viết về họ vẫn luôn là đề tài trăn trở với các thế hệ nhà văn, đúng hơn là một món nợ văn chương phải trả trước vong linh của hàng triệu người lính đã ngã xuống vì Tổ quốc.
BÍCH AN