Món quà tri ân

Nhằm tôn vinh các thầy, cô giáo đã có nhiều đóng góp xuất sắc, tiêu biểu nhất trong ngành giáo dục TPHCM, từ năm 1998, Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp Sở GD-ĐT, với sự tài trợ của Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam tổ chức giải thưởng Võ Trường Toản. Đây là giải thưởng được tổ chức hàng năm nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Năm 2012, toàn ngành giáo dục TP có 30 giáo viên đoạt giải thưởng cao quý này, nâng tổng số nhà giáo được trao tặng giải thưởng Võ Trường Toản lên con số 450 người, tính trong 15 năm qua. Từ số báo hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu một số chân dung tiêu biểu trong số các nhà giáo đoạt giải thưởng năm 2012.
Món quà tri ân

Nhằm tôn vinh các thầy, cô giáo đã có nhiều đóng góp xuất sắc, tiêu biểu nhất trong ngành giáo dục TPHCM, từ năm 1998, Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp Sở GD-ĐT, với sự tài trợ của Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam tổ chức giải thưởng Võ Trường Toản. Đây là giải thưởng được tổ chức hàng năm nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Năm 2012, toàn ngành giáo dục TP có 30 giáo viên đoạt giải thưởng cao quý này, nâng tổng số nhà giáo được trao tặng giải thưởng Võ Trường Toản lên con số 450 người, tính trong 15 năm qua. Từ số báo hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu một số chân dung tiêu biểu trong số các nhà giáo đoạt giải thưởng năm 2012.

Học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Tân Phú chúc mừng cô Khúc Thị Quỳnh Hoa tại lễ trao giải thưởng Võ Trường Toản năm 2010. Ảnh: MAI HẢI

Học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Tân Phú chúc mừng cô Khúc Thị Quỳnh Hoa tại lễ trao giải thưởng Võ Trường Toản năm 2010. Ảnh: MAI HẢI


Cô Lê Thị Ngọc Lưu, giáo viên toán Trường THCS Mạch Kiếm Hùng, quận 5: Hết lòng vì học sinh

Đó là điều tâm niệm giản dị nhưng chứa đựng ý nghĩa vô cùng lớn lao mà cô Lê Thị Ngọc Lưu đã dốc hết tâm huyết đeo đuổi trong suốt chặng đường 30 năm đứng trên bục giảng.

  • Tâm huyết với nghề

Lễ trao giải thưởng Võ Trường Toản sẽ được tổ chức trọng thể vào lúc 9 giờ ngày 18-11-2012 tại Hội trường Thành phố, số 111 Bà Huyện Thanh Quan, quận 3 và truyền hình trực tiếp trên kênh HTV9 Đài Truyền hình TPHCM.

Cũng như mọi giáo viên trẻ khác, những năm tháng vừa chân ướt chân ráo vào nghề, cô Lưu gặp không ít bỡ ngỡ.

Do Trường Mạch Kiếm Hùng vốn có nhiều con em người Hoa sinh sống tại khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn theo học nên rất nhiều lần cô trò bất đồng ngôn ngữ. Mặc dù học sinh cũng biết nói tiếng Việt nhưng lúc gặp tình huống “bí” không biết diễn tả thế nào, các em đột ngột chuyển sang dùng tiếng Hoa. Và điều này gây không ít bối rối cho cô giáo trẻ. Không lùi bước trước khó khăn, sau giờ lên lớp, ngoài việc dành thời gian tiếp cận với học sinh người Hoa nhằm cải thiện khả năng giao tiếp, cô Lưu còn dành thời gian tự học và nghiên cứu ít nhiều tiếng Hoa. Cô Lưu cũng tận tình chỉ dạy học sinh cách diễn đạt điều các em chưa hiểu bằng tiếng Việt. Và chỉ ít tháng sau đó, thầy trò đã có thể hiểu nhau. 

Cô giáo Lê Thị Ngọc Lưu bên học trò thương yêu của mình.

Cô giáo Lê Thị Ngọc Lưu bên học trò thương yêu của mình.

Một kỷ niệm sâu sắc mà đến nay mỗi khi nhắc đến cô vẫn bồi hồi xúc động. Đó là buổi dạy phụ đạo cho 5 học sinh sát ngày thi tốt nghiệp. Đây là những học sinh học lực yếu nhất lớp do cô chủ nhiệm mà còn được liệt vào hàng tệ nhất khối 9. Cô Lưu cất giọng nhẹ nhàng: “Nếu ngày ấy bỏ mặc các em thi rớt tốt nghiệp, tương lai sẽ ra sao? Và tôi quyết tâm làm hết sức để giúp các em”. Những ngày gần sát kỳ thi tốt nghiệp, theo quy định nhà trường phải đóng cửa để làm công tác chuẩn bị nhưng cô Lưu năn nỉ ban giám hiệu sắp cho mình một góc nhỏ trong trường để làm nơi ôn bài cho học sinh. Xúc động trước tấm lòng hết mình vì học sinh của cô giáo trẻ, nhà trường đã đồng ý.

Bắt đầu từ 1-2 giờ trưa đến tối mịt, cô Lưu nhẫn nại đứng bên cạnh học sinh, hết giảng giải, sửa lỗi từng phép tính lại khảo bài các môn học thuộc lòng. Các buổi học sau cũng vào những chiều mưa tầm tã đó, tuy ngắn ngủi nhưng thấm đậm tình cảm thầy trò đã mang lại kết quả ít ai ngờ tới: Tất cả 5 học sinh được coi là “bỏ đi” ấy đã đậu kỳ thi tốt nghiệp năm 1989. “Ngày biết kết quả các em thi đậu tôi mừng đến phát khóc. Hai mươi mấy năm qua rồi nhưng tưởng như mới ngày hôm qua” - cô Lưu xúc động nói.

  • Cải tiến phương pháp dạy học

Trường Mạch Kiếm Hùng là trường công lập tự chủ tài chính, chất lượng học sinh đầu vào thấp nên việc làm thế nào để việc dạy học đạt kết quả tốt luôn là điều trăn trở của tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường. Từ năm 2002 đến nay, suốt 10 năm trên cương vị là tổ trưởng chuyên môn, cô Ngọc Lưu cùng các đồng nghiệp trẻ của mình đã tổ chức nhiều buổi thảo luận nhằm đề ra sáng kiến kinh nghiệm trong việc soạn giáo án, nâng chất lượng bài giảng trên lớp. Bằng các hình thức như sử dụng học cụ trực quan trong việc dạy toán; hệ thống các câu hỏi trắc nghiệm được nghiên cứu, biên soạn công phu cùng với ứng dụng giáo trình điện tử... đã giúp học sinh phát huy hết khả năng tư duy, sáng tạo của mình trong từng môn học.

Tháng 8-2009, sau thời gian dài nghiên cứu, tìm tòi trên cơ sở phân tích, tổng hợp kiến thức từ thực tiễn, cô Lê Thị Ngọc Lưu vào thực hiện đề tài sáng kiến kinh nghiệm có tên “Dạy khái niệm hình học trong chương trình toán trung học cơ sở”. Nội dung đề tài xoáy sâu vào việc dạy khái niệm hình học như thế nào để học sinh dễ dàng nắm bắt và làm được bài tập đạt kết quả cao nhất. Đề tài tâm huyết này ngay sau khi đưa vào ứng dụng thí điểm đã mang lại kết quả tốt, được nhà trường và phòng giáo dục đánh giá cao.

Cô Ngọc Lưu chia sẻ: “Dạy khái niệm hình học cùng với sử dụng trên máy tính và kết hợp sử dụng đồ dùng dạy học ở một số tiết giúp giáo viên thực hiện được các ý tưởng của mình trong tiết dạy, hệ thống hóa các kiến thức của bài học; giúp lớp học trở nên sinh động hơn, gây hứng thú, thu hút sự chú ý của học sinh, giúp học sinh hiểu bài nhanh hơn”.

Năm 2012, cô vinh dự được đề cử nhận giải thưởng Võ Trường Toản. Tâm sự về niềm vui lớn suốt một đời đi dạy học, cô không giấu được xúc động: “Đây là điều mà cả đời đứng trên bục giảng tôi không hề nghĩ tới. Những việc tôi đã làm chỉ là cố gắng hết sức để hoàn thành thiên chức của một người kỹ sư tâm hồn, mở ra con đường tương lai tươi sáng cho học sinh thân yêu. Nhiều đồng nghiệp khác còn có những đóng góp lớn cho sự phát triển đi lên của nhà trường như hôm nay. Họ cũng rất xứng đáng được tôn vinh. Tôi chân thành cảm ơn Báo SGGP và các đơn vị tổ chức và mong rằng giải thưởng Võ Trường Toản sẽ mãi phát triển bền vững vinh danh những nhà giáo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp trồng người”. 

MAI NGUYỄN


Cô Kiều Nguyệt Hồng Liên, giáo viên văn Trường THPT An Lạc, quận Bình Tân
Nghề giáo như một phần cuộc sống

Đó là lời bộc bạch chân tình của cô Kiều Nguyệt Hồng Liên, giáo viên văn Trường THPT An Lạc, quận Bình Tân (TPHCM). Cô không những là giáo viên có năng lực chuyên môn giỏi, cán bộ công đoàn xuất sắc mà còn được rất nhiều thế hệ học sinh thương mến và xem như người mẹ thứ hai của mình.

  • Kỷ niệm không quên

Hôm chúng tôi đến thăm nhà cô Hồng Liên tại tầng 1 chung cư An Lạc, tình cờ vào đúng ngày các em học sinh đến nhà để cô chủ nhiệm hướng dẫn làm đặc san chào mừng kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Vừa mới qua đợt phẫu thuật hơn 10 ngày, sức khỏe chưa bình phục hẳn, nhưng trông diện mạo cô Liên rất tươi tỉnh. “Điều tôi hạnh phúc nhất trong cuộc đời đi dạy là thấy được các em học sinh trưởng thành khi bước vào đời. Tôi thường đặt mình vào hoàn cảnh, tâm trạng của các em để hiểu các em, từ đó chọn ra cách giúp các em tự nhận ra giá trị của bản thân, khắc phục những sai lầm và phát huy những mặt mạnh để tiến bộ. Mình dạy học trò làm sao để sau khi ra trường các em vẫn nhớ đến cô giáo, vẫn cần có sự quan tâm dìu dắt của cô trên mọi nẻo đường đời. Người thầy bên cạnh việc truyền đạt kiến thức còn là người giúp các em về kinh nghiệm sống” - cô Liên chia sẻ với chúng tôi về nghề nghiệp của mình.

Cô Hồng Liên trong một giờ lên lớp.

Cô Hồng Liên trong một giờ lên lớp.

Rồi bao ký ức vui, buồn mà “mẹ” Liên nhớ nhất về những học sinh mà mình xem như con lại quay về. Năm học 2003 - 2004, tại lớp 12A12 có cậu học trò tên An và cô học trò tên Yến gắn bó với nhau trên mức tình cảm. Biết chuyện, thay vì động viên, phân tích cho con hiểu, gia đình em Yến lại gây áp lực tâm lý nặng nề cho cô gái nhỏ. Kết quả, đôi bạn trẻ này đã đi đến quyết định thiếu suy nghĩ là bỏ nhà ra đi. Gắn bó với An và Yến qua việc dạy dỗ hàng ngày, phần nào hiểu được tâm lý của các em, bằng kinh nghiệm của bản thân, ngay trong ngày xảy ra chuyện, cô Liên đã tìm ra hai bạn trẻ tại nhà một người bạn thân chỉ trong vài giờ đồng hồ. Bằng lời khuyên nhủ ân cần xuất phát từ tình cảm yêu thương tận đáy lòng như một người mẹ, cả hai cô cậu đã bật khóc ôm chặt lấy cô chủ nhiệm và hứa sẽ không làm chuyện nông nổi nữa.

Những ngày gần kề kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố năm học 2008 - 2009, đang tất bật lo phụ đạo cho đội tuyển của trường thì tin dữ ập đến với cô Liên. Cậu học trò có cái tên hiền hậu Lê Trọng Nhân, gặp tai nạn trên đường đi học. Vừa nghe báo, cô gác lại mọi việc, tức tốc đến hiện trường. Mọi người có mặt không khỏi xúc động khi chứng kiến cảnh cô giáo chủ nhiệm vẻ mặt trĩu nặng lo âu bên cạnh chiếc băng ca trên đường đưa học trò đi cấp cứu. Và những ngày cuối cùng của cậu học sinh bất hạnh tại bệnh viện đều có mặt cô Liên. “Hôm em Nhân qua đời, cả lớp bàng hoàng, tôi đau lòng như mất đi người thân của mình” - giọng cô Hồng Liên trầm xuống.

  • Xem học sinh như những viên ngọc

Đề tài sáng kiến kinh nghiệm trong việc giảng dạy bộ môn văn mà cô Hồng Liên dày công biên soạn là những dòng chữ đầy tâm huyết: “Hãy xem học sinh như những viên ngọc!”. Bằng kinh nghiệm hơn 20 năm dạy văn, cô đúc kết, muốn có một giờ dạy thành công, “giáo viên phải chú ý đến giọng điệu diễn cảm khi đọc tác phẩm và giọng điệu truyền cảm khi giảng bài để khơi gợi hứng thú cho học sinh. Liên hệ thực tế, rút ra bài học thiết thực trong cuộc sống qua từng bài học. Gợi mở, dẫn dắt học sinh chủ động trong học tập qua việc giới thiệu cho các em tìm đọc nhiều tác phẩm văn học có nội dung liên quan đến bài học...”.

Chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp trẻ của mình, cô cho rằng: “các thầy cô trẻ tuổi tràn đầy nhiệt huyết, sức khỏe dồi dào, vốn kiến thức hiện đại như tin học, ngoại ngữ được trang bị đầy đủ là những lợi thế cần phát huy để công việc dạy học thuận lợi hơn. Khi đã chọn nghề dạy học, điều cần thiết nhất là các thầy cô phải thật sự yêu nghề, yêu học trò, vượt qua khó khăn trong cuộc sống thì mới có thể gắn bó bền lâu với sự nghiệp trồng người được. Hãy đặt mình vào tuổi học trò lúc còn đi học để hiểu học sinh. Hãy xem học sinh như những viên ngọc cần có đôi bàn tay khéo léo, nâng niu của một người mài ngọc để giúp mỗi viên ngọc ấy tỏa sáng theo cách riêng của nó”.

Nói về việc cô được đề cử nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm nay, mắt cô ánh lên niềm vui, xen lẫn sự xúc động: “Khi được đề cử nhận giải thưởng Võ Trường Toản - giải thưởng được xem là thành tựu trọn đời trong sự nghiệp giáo dục của một người thầy, tôi cảm thấy rất hạnh phúc và tự hào. Để có được vinh dự cao quý ngày hôm nay, tôi rất biết ơn những người thân yêu đó là ba mẹ, chồng và hai con gái của tôi.  Tôi cảm ơn thầy cô đồng nghiệp Trường THPT An Lạc suốt hơn 20 năm qua luôn quý trọng, tin tưởng và tín nhiệm đề cử mình. Tôi xem giải thưởng cao quý này là động lực để mình tiếp tục dành trọn tâm huyết góp phần vào sự nghiệp trồng người của đất nước”.

MAI NGUYỄN


Cô Nguyễn Khoa Diệu Hà, giáo viên văn Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 12
Khơi dậy niềm đam mê văn học cho học sinh

Từ ngày bắt đầu bước chân lên bục giảng, điều mà cô Nguyễn Khoa Diệu Hà, giáo viên văn Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 12 TPHCM, người đoạt giải thưởng Võ Trường Toản năm học này luôn trăn trở là làm sao nâng cao kết quả, chất lượng học tập môn văn của các em, làm sao để các em học tốt, yêu thích môn văn... Và những biện pháp cô thực hiện đã đem lại kết quả.

  • Những nỗ lực không ngừng

Rời khoa văn Trường Đại học Sư phạm TPHCM năm 1998, “cho dù không được dạy tại các trường công lập tại thành phố mà phải dạy ở trường dân lập tít tận ở Biên Hòa nhưng lúc ấy có được việc làm theo đúng ngành đã đào tạo, dạy đúng môn mà mình yêu thích thì hạnh phúc, vui lắm rồi” - cô Nguyễn Khoa Diệu Hà bồi hồi nhớ lại tâm trạng ngày đầu mới ra trường. Sau đó, cô chuyển về dạy văn tại Trường THPT Tam Phú (Thủ Đức) và năm 2004, cô chuyển về dạy tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 12. Từ đó đến nay, ngày ngày, từ Thủ Đức, cô trải qua quãng đường hơn 40km đi, về để đến với các em.

Do được tiếp xúc với nhiều môi trường giáo dục dân lập, phổ thông, giáo dục thường xuyên… nên điều mà cô Nguyễn Khoa Diệu Hà luôn trăn trở là làm sao nâng cao kết quả, chất lượng học tập môn văn của các em. Làm sao để các em học tốt, yêu thích môn văn? Bản thân cô dưới sự hỗ trợ, động viên của ban giám đốc trung tâm, đồng nghiệp đã tiến hành nhiều biện pháp như: tăng tiết môn văn để thầy và trò có nhiều thời gian tiếp xúc với môn văn hơn; trong tiết dạy người thầy cần phối hợp nhuần nhuyễn giữa phương pháp thuyết giảng truyền thống và phương pháp dạy học theo cá thể, không để học sinh học thụ động theo kiểu nghe - chép…

Món quà tri ân ảnh 4

Cô Diệu Hà cùng học trò chia sẻ cảm xúc từ những dòng văn hay trong các tác phẩm…

Qua thời gian, sáng kiến kinh nghiệm “Một số giải pháp tạo hứng thú cho học sinh học tập môn văn tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên” của cô được hội đồng nhà trường đánh giá cao. Trong sáng kiến kinh nghiệm này, có những biện pháp tưởng chừng “nhỏ nhặt” nhưng rất có hiệu quả. Chẳng hạn như giờ học văn vào những buổi trưa, khí trời nóng bức, học sinh buồn ngủ hoặc vào những tiết cuối, cả thầy và trò đều trong tâm trạng uể oải, thấm mệt sau mấy tiết học… những lúc này mà giáo viên lại nghiêm khắc, giọng giảng cứ đều đều thì tiết học trôi qua một cách nặng nhọc, học sinh chắc chắn chẳng tiếp thu gì được. Để hóa giải, thầy và trò khởi động bằng những bài tập vui, hoặc giáo viên kể một câu chuyện vui (dĩ nhiên là chuẩn bị sẵn) nhưng sẽ có trong nội dung bài học hoặc lấy ngay một tình huống vừa xảy ra tại lớp để làm đề tài vui… chắc chắn sẽ làm không khí học tập hào hứng hơn.

Qua 2 năm thực hiện những biện pháp trên, chất lượng học tập môn văn của học sinh được nâng lên rõ rệt, các em hào hứng hơn khi đến tiết văn. Năm học vừa qua, tỷ lệ học sinh đạt điểm cao trong môn văn chiếm trên 70%, tăng hẳn so với những năm học trước.

Chẳng thế mà khi nhắc đến cô giáo Nguyễn Khoa Diệu Hà, em Nguyễn Hoàng Long, học sinh lớp 12A6 ca ngợi: “Cô Diệu Hà dạy giỏi và rất nghiêm khắc. Tiết học văn do cô dạy lúc nào cũng vui, lôi kéo chúng em hào hứng học tập. Trong bài giảng, cô đã đem nhiều câu chuyện thực tế trong đời sống để giảng giải cho chúng em hiểu. Cũng trong giờ văn, cô không chỉ cung cấp cho chúng em những kiến thức bó gọn trong sách vở mà đó còn là những bài học, những kiến thức mà chúng em có thể áp dụng ngay vào trong cuộc sống thực tế hàng ngày. Nguyện vọng của em là sẽ trở thành giáo viên dạy văn như cô Hà”.

  • Phía sau thành công

Bên cạnh giải thưởng Võ Trường Toản vừa đoạt được, nhiều năm liền cô Diệu Hà luôn là giáo viên dạy giỏi, có học trò đoạt học sinh giỏi các cấp. Đánh giá về cô giáo Nguyễn Khoa Diệu Hà, thầy Lâm Sơn Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 12, cho biết: “Cô Diệu Hà là giáo viên giỏi nhiều năm liền. Làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, ban giám đốc rất tin tưởng khi giao bất cứ một công việc gì cho cô Hà. Cô có uy tín với đồng nghiệp, phụ huynh học sinh và cũng rất khiêm tốn học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước và đồng nghiệp”.

Trả lời câu hỏi tại sao cô không xin chuyển về Thủ Đức, dạy gần nhà mà hàng ngày cứ phải lặn lội gần 40km đi về, không chút đắn đo, cô bảo: “Mảnh đất này, môi trường làm việc này, rồi tình cảm con người ở đây giữ tôi ở lại. Không được gặp những đồng nghiệp, học trò nơi đây, tôi nhớ lắm. Tôi không thể rời xa”.

Với giải thưởng Võ Trường Toản vừa đoạt được, cô Diệu Hà xúc động nói: “Giải thưởng Võ Trường Toản là giải thưởng rất cao quý dành cho nhà giáo chúng tôi. Để đoạt được giải thưởng này cũng rất khó khăn, đòi hỏi rất nhiều tiêu chí. Bên cạnh những thành quả, lòng yêu nghề… của bản thân thì ban giám đốc và đồng nghiệp đã giúp đỡ, động viên tôi rất nhiều. Xin cảm ơn Báo SGGP, tất cả đồng nghiệp, gia đình, quý phụ huynh, học sinh đã tạo nên thành quả cho cá nhân tôi hôm nay”.

Tâm sự về hoàn cảnh gia đình, với nét mặt đầy tự hào, cô tiết lộ: “May mắn là tôi có người chồng rất hiểu và chia sẻ với công việc của tôi. Anh ấy là giám đốc một doanh nghiệp tư nhân nên chẳng hề quan tâm đến đồng lương ba cọc ba đồng của vợ. Các con tôi đều rất ngoan, học giỏi… Chính vì vậy tôi có nhiều thuận lợi để đầu tư hơn cho thiên chức giảng dạy của mình”.

KIM ĐÍNH

Tin cùng chuyên mục