Theo Ủy ban Bầu cử Thái Lan, PPRP ủng hộ giới quân nhân giành được 7,9 triệu phiếu và 97 ghế Hạ nghị sĩ; Pheu Thai thân cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra giành được 7,4 triệu phiếu và 137 ghế Hạ nghị sĩ; Tương lai mới (FFP), đảng bất ngờ cán đích ở vị trí thứ 3, giành được 5,8 triệu phiếu và 30 ghế Hạ nghị sĩ. Giới quan sát cho rằng kết quả sơ bộ đã phản ánh sự phân cực chính trị rõ nét tại Thái Lan vào thời điểm hiện nay giữa lực lượng ủng hộ giới quân nhân, thân cựu Thủ tướng Thaksin và ủng hộ dân chủ, yêu cầu đổi mới, cải cách.
Sự căng thẳng được thể hiện thông qua tuyên bố của lãnh đạo các đảng ngay sau khi có kết quả sơ bộ. Bà Sudarat Keyuraphan, lãnh đạo Pheu Thai, cho biết “sẽ hợp tác với những ai phản đối chính phủ quân đội kéo dài quyền lực”. Thậm chí, một lãnh đạo chủ chốt khác của đảng này còn tuyên bố sẵn sàng hợp tác với đối thủ truyền kiếp là đảng Dân chủ để ngăn không cho giới quân nhân tiếp tục nắm giữ quyền lực. Trong khi đó, FFP nỗ lực cô lập PPRP khi kêu gọi các đảng phái không “ưa” giới quân nhân cùng bắt tay hợp tác.
Các nhà phân tích cho rằng dù Pheu Thai và PPRP có thể thành lập chính phủ liên minh nhưng quá trình này không hề dễ dàng bởi hiện chưa đảng nào có thể lập được liên minh đủ 250 ghế ở Hạ viện và điều này có thể dẫn đến bế tắc. Theo luật, Pheu Thai phải tập hợp được một liên minh với 251 ghế ở Hạ viện để thành lập chính phủ và đủ 376 ghế để bầu thủ tướng tại lưỡng viện. Điều này chỉ xảy ra khi tất cả các đảng còn lại (trừ PPRP) ủng hộ Pheu Thai. Ngược lại, do đã có 250 Thượng nghị sĩ do Hội đồng Hòa bình và Trật tự (NCPO) chỉ định, PPRP sẽ dễ dàng hơn trong cuộc đua với Pheu Thai. Tuy nhiên, ngay cả khi PPRP giành phần thắng cuối cùng, đó cũng không phải là “chiến thắng hoàn toàn” của đảng này trước Pheu Thai. Kết quả sơ bộ vừa qua cho thấy một thỏa hiệp chính trị là điều không thể tránh khỏi. Các tướng lĩnh hoặc cựu tướng lĩnh cần có sự hợp tác của phe dân sự để đảm bảo bất kỳ chính phủ mới nào có thể vận hành. Lịch sử chính trị Thái Lan đã từng chứng kiến những chính phủ đổ vỡ vì không thể kiểm soát nổi nghị viện.
Trong trường hợp PPRP thành lập chính phủ liên minh, cử tri ủng hộ Pheu Thai liệu có xuống đường, như họ đã làm trong năm 2010, vì cho rằng đảng của họ bị tước mất chiến thắng hay không? Dù các cuộc biểu tình đường phố sẽ bị cấm, ít nhất là cho đến sau lễ đăng quang của Nhà vua Thái Lan Vajiralongkorn vào đầu tháng 5 tới, nhưng không ai biết sau đó sẽ ra sao. Chưa kể PPRP không thể bỏ qua nguyện vọng của cử tri về sự thay đổi, cải cách về chính trị và phải đáp ứng bằng được yêu cầu đó.
Có thể nói, sự phân cực sâu sắc của giữa các đảng phái Thái Lan sau cuộc bầu cử lần này tiềm ẩn nguy cơ không ổn định tại chính trường đất nước Chùa Vàng. Viễn cảnh một Thái Lan rối ren như từng xảy ra trong lịch sử chính trường nước này đang khiến nhiều người lo ngại.