Đúng là “nhất nghệ tinh…”, nhưng công tác dạy nghề, hướng nghiệp và truyền đạt những kỹ năng cần thiết cho một nghề tương lai ở chúng ta vẫn còn quá nhiều bất cập, khiến cho sự “nhất thân vinh” đối với thế hệ trẻ vẫn xa vời vợi. Người ta quy lỗi cho khiếm khuyết của nền văn hóa dựa trên nhận thức “quan trường” rằng cuộc đời chỉ có một cánh cửa duy nhất là đại học tinh hoa, nhưng thật ra cách lý giải như thế chưa thật đầy đủ. Và bởi vậy không có gì lạ khi đến giờ chúng ta vẫn day dứt với câu hỏi muôn thuở: tại sao trường nghề, giống như miếng da lừa của Banzac, lại ngày càng teo tóp?
Mọi chuyện thật ra không hề đơn giản. Về “lượng”, có thể nói, chúng ta quá dư dật với đủ loại hình đào tạo, đủ loại trường lớp, đủ loại công – tư chen chúc và nhất là đủ loại cơ quan quản lý cùng chăm bẵm lãnh vực dạy nghề. Và dĩ nhiên số tiền đổ vào đó cũng không nhỏ: Tổng cục Dạy nghề Bộ LĐ-TBXH nhận mỗi năm khoảng 7.000 tỷ đồng, còn Vụ Giáo dục nghề nghiệp Bộ GD-ĐT khoảng 3.000 tỷ đồng chi thường xuyên, đấy là còn chưa kể những khoản tiền “khủng” rót cho các chương trình mục tiêu quốc gia.
Thế nhưng, những kết quả đạt được còn quá khiêm tốn, “cung” vẫn né “cầu”, không đáp ứng được đòi hỏi của thị trường nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Một dẫn chứng nhỏ về “lợi thế” nhân công rẻ vẫn thường được chúng ta quảng bá: Một số dịch vụ ngân hàng, y tế có tới 40% tổng số lao động có thu nhập cao từ 14.000 USD/năm trở lên thuộc về người nước ngoài. Tại một nhà máy gia công giày ở Đồng Nai, tổng số lương mà doanh nghiệp phải trả cho 70 chuyên gia nước ngoài tương đương với tổng tiền lương trả cho 20.000 lao động Việt Nam. Hay như tại Nhà máy xi măng Nghi Sơn (Thanh Hóa), 20 vị trí lao động chủ chốt do người Nhật nắm giữ đã chiếm một quỹ lương bằng với tổng số lương của 2.000 công nhân Việt Nam… Nói như thế để thấy “chất” đào tạo nghề ở chúng ta quả là có vấn đề thật sự!
Điều đáng nói là công tác đào tạo nghề vẫn dàn trải, chưa tạo ra mũi nhọn đột phá thực sự để thu hút lao động nhàn rỗi. Ở khối “lao động phổ thông”, chúng ta gần như “phổ cập” hệ thống các trung tâm dạy nghề đến từng huyện, thậm chí cả xã nhưng cũng chỉ đào tạo được các nghề đơn giản như ta hay nói thuộc về “công nghệ tuốc-nơ-vít”. Mà tiền đầu tư cho mỗi cơ sở cũng cỡ bạc tỷ và chục tỷ… và thật xót xa cảnh thiết bị dạy học “trùm mền”, thầy cô dài cổ đợi trò ghi tên dù đã khuyến mãi mỗi học viên 10.000 đồng/ngày nếu chịu học. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi một đất nước có 80% dân số làm nông nghiệp vẫn phải nhập từ cây tăm Trung Quốc đến con gà góc tư của Mexico với giá bán cộng cả tiền chuyên chở vạn dặm chỉ bằng phân nửa giá hàng nội.
Nói thế để thấy có quá nhiều lỗ hổng trong công tác dạy nghề mà chúng ta đang đặt mục tiêu đến năm 2020 phải có 55% số lao động được đào tạo chính quy (với số tiền đầu tư khoảng 42.000 tỷ đồng). Trong đó, lỗ hổng lớn nhất là sự chồng chéo, thiếu “liên thông” trong quản lý giữa Bộ LĐ-TBXH và Bộ GD-ĐT: Cũng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp mà một bên – là hệ trung học chuyên nghiệp do Bộ GD-ĐT quản lý, còn nửa kia – hệ dạy nghề do Bộ LĐ-TBXH đảm trách. Với cách làm “một cổ hai tròng” này, ở cấp trường, do yêu cầu của xã hội về đào tạo đa hệ từ dạy nghề ngắn hạn trở lên, họ sẽ rất khó xoay xở trong quản lý quy trình đào tạo. Và như vậy, chúng ta sẽ làm sao tạo ra “công nhân cổ cồn” chất lượng cao khi mà cơ cấu của hệ thống giáo dục nghề nghiệp bị chia cắt? Rõ ràng việc hợp nhất một đầu mối là yêu cầu chính đáng và cấp thiết.
Nhiều ý kiến cho rằng nên sáp nhập Vụ Giáo dục nghề nghiệp (Bộ GD-ĐT) và Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TBXH) thành một đơn vị với 2 phương án quản lý: một là thành lập Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trực thuộc Chính phủ và hai là đưa hẳn về một trong hai bộ. Thế nhưng phải “khai đao” bộ nào thì cũng cần phải xem xét kỹ lưỡng dưới nhiều góc độ và phải có lộ trình để tiếp thêm sinh lực mới cho thực thể dạy nghề đang quá èo uột, héo hon…
Bích An