Lần đầu tiên, một kỳ thi quốc gia (trước đây là thi đại học, thi trung học phổ thông quốc gia) trong lịch sử thi cử của nước ta có tính “sạch” nhất từ trước đến nay. Mọi thứ đều phải sạch sẽ trước khi bước vào điểm thi, phòng thi; và tất cả từ thí sinh, cán bộ coi thi, kể cả trưởng, phó ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT quốc gia… cũng đều phải “sạch”.
Có thể nói, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ đi vào lịch sử thi cử của Việt Nam vì có nhiều tính chất rất đặc biệt. Đầu tiên, quyết định cho kỳ thi diễn ra trong bối cảnh cả thế giới và quốc gia đang căng mình chống dịch Covid-19 là rất khó khăn và táo bạo. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho rằng đây là một quyết định rất khó khăn từ khi ông làm tư lệnh ngành. Cho đến sát ngày thi, thí sinh, phụ huynh và cả xã hội vẫn hồi hộp chờ đợi từng giây từng phút về quyết định “thi hay không thi” của bộ trưởng.
Kế đến là hơn 7.000 cán bộ của các trường đại học, học viện, cao đẳng trên cả nước phụ trách công tác kiểm tra, giám sát kỳ thi cũng hồi hợp chờ đợi sự điều động của Bộ GD-ĐT để lên đường làm nhiệm vụ. Rồi đến sát ngày thi, các thầy cô giáo nhận chỉ đạo khẩn phải thay đổi kế hoạch, thay đổi địa điểm… để làm nhiệm vụ ở một địa phương khác. Dù việc thay đổi rất bất ngờ, đột ngột, nhưng với nhiệm vụ quốc gia được giao, tất thảy đều vui vẻ, phấn khởi, gác lại mọi lo toan để lên đường thực thi nhiệm vụ. Trước đây, những cán bộ của trường đại học tham gia phục vụ cho kỳ thi quốc gia đều chưa gặp tiền lệ đối với việc điều động khẩn sát ngày thi như năm nay.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 diễn ra từng giờ, từng ngày, Ban Chỉ đạo thi quốc gia cũng như địa phương liên tục họp và chỉ đạo công tác tổ chức. Phải nói rằng cả hệ thống chính trị đã vào cuộc và làm việc căng mình, túc trực 24/24 để đảm bảo cho kỳ thi đạt 2 mục tiêu: vừa diễn ra nghiêm túc, khách quan, công bằng; vừa đảm bảo an toàn về phòng chống dịch cho thí sinh và tất cả cán bộ, thầy cô tham gia. Đơn cử như TPHCM, một trong hai địa phương có đông thí sinh dự thi nhất cả nước, với gần 11.000 cán bộ coi thi, gần 2.000 người chấm thi…, đều phải được kiểm tra y tế trước khi làm nhiệm vụ. Nhiều cán bộ tham gia kỳ thi đi từ vùng dịch về đều được cách ly và có người thay thế. Gần 75.000 thí sinh dự thi phải khai báo y tế, trong đó có 1 thí sinh đã được cách ly quá 14 ngày và phải trải qua xét nghiệm nhiều lần âm tính mới được cho dự thi. Hay như tỉnh Long An, một trong những địa phương có đường biên giới khá dài với Campuchia, cũng phải căng mình rà soát từ thí sinh đến phụ huynh để đảm bảo không “lọt” bất cứ nguy cơ một mầm bệnh nào vào hội đồng thi. Tại Bình Dương, sau khi rà soát, 70 giáo viên của một trường THPT tham gia công tác phục vụ kỳ thi của tỉnh đi du lịch từ vùng dịch về đã phải gấp rút cách ly; và hơn 70 cán bộ khác được điều động hay thế ngay trước ngày thi. Tỉnh Quảng Trị cũng phải thay khẩn cấp 178 cán bộ coi thi và 58 cán bộ phục vụ kỳ thi vì có liên quan đến 2 ca dương tính… Các địa phương như Đắk Lắk, Đà Nẵng và 6 huyện, thị xã, thành phố của Quảng Nam… đã quyết định dừng, để thí sinh thi vào đợt 2.
Và kỳ thi khó khăn nhất trong lịch sử cuối cùng cũng đã về đích an toàn với tỷ lệ thí sinh dự thi trên 96%. Kỳ thi có tính lịch sử đã đáp ứng được mục tiêu kép vừa đảm bảo chống dịch, đồng thời đáp ứng được yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, công bằng với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng, quyết tâm của Bộ GD-ĐT và sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương trong cả nước, sự hỗ trợ của các bộ ngành, tinh thần cộng đồng trách nhiệm cao và sự phối kết hợp, chia sẻ của các sở GD-ĐT, trường đại học, cao đẳng… Điều trông chờ tiếp theo và quan trọng nhất của kỳ thi năm nay cũng cần phải “sạch”, là ở khâu chấm thi. Chúng ta hẳn vẫn chưa thể quên những sự cố về chấm thi của năm 2018. Với những giải pháp kỹ thuật, với nỗ lực của toàn ngành, những cán bộ tham gia chấm thi, các ban chỉ đạo thi, ban chấm thi của các địa phương trên cả nước hãy “sạch” để kỳ thi thật sự “sạch” đúng nghĩa, đảm bảo sự công bằng, khách quan và trên hết là xây dựng vững chắc niềm tin của xã hội vào giáo dục, thi cử.