Cổ nhân bảo “Ôn cố, tri tân”, xem lại chuyện cũ để gẫm chuyện mới. Bởi thế có lẽ cũng không thừa khi nhìn lại một năm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TPHCM trong năm Giáp Ngọ 2014 vừa trôi qua vốn dĩ có những điểm sáng nhưng cũng còn nhiều lấn cấn.
1. Siết chặt kiểm tra, kiểm soát tải trọng dường như là một chủ đề “nóng” suốt thời gian qua. Chủ trương tầm soát tải trọng phương tiện vận tải là một hướng đi cần thiết nhằm bảo vệ tốt hơn cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, hạn chế sự xuống cấp của cầu đường do xe quá tải gây ra. Trong cả năm 2014, Thanh tra GTVT và lực lượng chức năng hữu quan đã phát hiện, xử lý 22.812 trường hợp vi phạm hành chính về chở hàng vượt quá tải trọng. Tổng mức tiền phạt thu về từ các trường hợp vi phạm này là gần 100 tỷ đồng, đi kèm với đó là 12.064 giấy phép lái xe tải bị tước có thời hạn, 12.064 người điều khiển phương tiện bị xử phạt với số tiền phạt hơn 51,8 tỷ đồng; 10.748 chủ phương tiện bị xử phạt với số tiền phạt là hơn 48 tỷ đồng.
Các trạm cân, chốt cân xe trên địa bàn TP cũng đã kiểm tra 22.493 lượt xe, phát hiện và xử lý 5.992 trường hợp vi phạm, chiếm tỷ lệ 26,6% với số tiền phạt thu về là hơn 26,4 tỷ đồng (trong đó xử phạt người điều khiển phương tiện là 3.178 trường hợp và xử phạt chủ phương tiện 2.814 trường hợp). Thế nhưng, nói đi thì cũng phải nói lại, bởi vì tình trạng xe quá tải cũng đã phần nào cho thấy một sự bức xúc có thật vẫn đã và đang tồn tại lâu nay: sự bất cập, bất tương xứng giữa cơ sở hạ tầng và nhu cầu hoạt động trong đời sống kinh tế của giới vận tải.
Có bến cảng, thậm chí bến cảng lớn hoạt động sôi nổi nhưng hạ tầng đường sá chung quanh hoặc dẫn vào đấy lại có tải trọng “khiêm tốn”, tức là hạn chế. Giới doanh nghiệp vận tải hoặc có sử dụng phương tiện vận tải bức xúc nói rằng họ đã đóng góp phần của mình thông qua các khoản thuế và lệ phí như thuế doanh thu, lệ phí cầu đường… thì về nguyên tắc họ cũng cần phải được thụ hưởng cơ sở hạ tầng một cách cân xứng.
2. Trật tự an toàn lòng lề đường trên hầu khắp địa bàn thành phố trong năm 2014 tiếp tục xảy ra những hình ảnh ngổn ngang, bởi tình trạng lần chiếm nơi công cộng làm điểm buôn bán, kinh doanh. Tình trạng lấn chiếm kinh doanh buôn bán xô bồ, hoặc tụ tập xe ôm, xe khách lâu nay vẫn chưa thực sự chuyển biến, mất trật tự an toàn giao thông xảy ra lâu nay ở khắp nơi. Có một hình ảnh quen thuộc đáng buồn, đặc biệt mỗi khi màn đêm buông xuống, đó là tình trạng các “tiểu thương” đồng loạt ùa ra lấn chiếm biến lòng lề đường thành mặt bằng giao dịch mua bán trông rất hỗn độn, bát nháo. Tình trạng tái lấn chiếm lòng lề đường về đêm để kinh doanh hàng quán, vui chơi giải trí không phải là hiếm hoi, cá biệt. Sự tái lấn chiếm này một mặt choán hết lối đi dành cho khách bộ hành, mặt khác gây mất trật tự an toàn giao thông khu vực.
3. Đầu tháng 11-2014, lần đầu tiên các tài xế xe buýt trên địa bàn thành phố được trang trọng xướng danh vì thành tích đảm bảo an toàn giao thông lúc hành nghề. Đó là buổi tuyên dương “Gương người tốt việc tốt - lái xe an toàn năm 2014”. Tổng cộng có 82 tài xế thuộc nhiều độ tuổi khác nhau, công tác ở nhiều đơn vị xe buýt khác nhau đã được tuyên dương khen thưởng. Việc Sở GTVT và Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM lần đầu tiên trang trọng tổ chức biểu dương, khen thưởng các tài xế xe buýt gương mẫu, đạt chuẩn, đảm bảo an toàn giao thông khi hành nghề rõ ràng là một sự khích lệ cần thiết. Bởi dù có thế nào thì với thời gian lao động bình quân 10 tiếng/ngày của tài xế xe buýt và sự phức tạp đặc trưng của giao thông thành phố, vẫn xuất hiện những tấm gương sáng về sự nghiêm túc, hết lòng với nghề nghiệp, biết đặt sự an toàn của hành khách và người dân lên trên hết. Đó là điều đáng khen và đáng được ghi nhận, nhất là khi Sở GTVT có kế hoạch tổ chức thường niên những buổi tôn vinh các gương tài xế xe buýt điển hình.
THIỆN NHÂN