Ở Việt Nam hiện có hơn 4.000 con gấu đang bị nuôi nhốt trong các ổ cũi, lồng sắt thuộc các trang trại, nhà hàng, khách sạn không khác gì cảnh “cầm tù” và bị rút mật để phục vụ khách. Vì thế, có một trung tâm cứu hộ đặc biệt ra đời để giải thoát những con gấu không may mắn, đưa chúng trở lại thiên nhiên, nhằm bảo tồn loài gấu đã được liệt vào Sách đỏ trước nguy cơ bị săn bắn, nuôi nhốt và tận diệt.
Giải thoát khỏi “ngục tù”
Từ Hà Nội, chúng tôi lên Vườn quốc gia Tam Đảo, nơi đặt trung tâm cứu hộ gấu hiện đại nhất Việt Nam. Tấm biển “Trung tâm Cứu hộ gấu Tam Đảo” to lớn hiện ra bên con đường dẫn từ TP Vĩnh Yên lên Khu du lịch Tam Đảo, ngay bên dưới dãy Tam Đảo hoang dã. Lê Đức Chính, một chàng trai còn khá trẻ, cán bộ của trung tâm hướng dẫn chúng tôi vào thăm trại gấu. Chính nói, đây là dự án của Tổ chức Động vật châu Á (AAF) lập ra để cứu hộ, bảo tồn loài gấu trước nguy cơ bị săn bắt và nuôi nhốt tràn lan để lấy mật.
Từ cổng vườn quốc gia, đi hơn 1km mới tới khu đang cứu hộ gấu, nơi đây hiện ra khung cảnh thanh bình, yên ả trong một thung lũng có tên Chắt Dậu. Trung tâm được chia 2 khu riêng biệt. Một khu được gọi “nơi cách ly ban đầu”. Toàn bộ ngôi nhà, hàng lưới thép và cả bảo vệ trực canh nghiêm ngặt như một doanh trại. Khu thứ hai rộng rãi hơn, nơi nuôi thả hoang dã, sau khi gấu đã phục hồi, với môi trường bán tự nhiên nhưng không khác giữa núi rừng.
Đầu tiên, Chính dẫn chúng tôi vào khu cách ly, phục hồi. Để vào bên trong, mỗi người phải mang thêm một đôi ủng và bước lần lượt qua 3 thùng nước dung dịch tẩy rửa, sát trùng ở cửa.
Chúng tôi đi về phía khu “nhà vàng”, nơi hơn 20 con gấu đang trong thời kỳ “dưỡng bệnh”. Hai dãy nhà dài, được chia nhiều ô rộng rãi. Ngó vào bên trong, mỗi chuồng gấu đẹp và đầy đủ tiện nghi, chẳng khác nào một “khách sạn” cho động vật. Các nhân viên chăm sóc gấu còn bố trí cả võng, xích đu để khi hứng chí, các chú gấu tự trèo lên làm một giấc nồng, hoặc đung đưa như leo cành cây ở trong rừng. Bên dưới, chuồng trại được lau chùi, quét dọn sạch suốt cả ngày. Chính cho biết, đây là tiêu chuẩn chung của thế giới về các trung tâm chăm sóc và phục hồi sức khỏe gấu.
Chính nói: “Trước khi về đây, những chú gấu đã phải trải qua những tháng năm giam cầm, bị chích hút mật và thậm chí bị đối xử tệ, mang nhiều bệnh tật”. Chẳng hạn, một con gấu được cứu hộ ở Huế, từng bị chủ giam cầm tới 14 năm trong cũi sắt. Toàn bộ hàm răng bên trên “móm” sạch, giờ các nhân viên phải xay nhuyễn thức ăn nó mới ăn được. Rất nhiều con đã bị teo cơ, teo cả chân tay, sưng khớp chỉ vì hơn chục năm trời bị nhốt trong các cũi sắt chật chội, điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Đặc biệt, vụ cứu hộ gấu quy mô nhất từ trước tới nay ở Việt Nam, do trung tâm thực hiện vào năm 2010, khi 19 con gấu được đưa từ một chủ trại người Đài Loan (Trung Quốc), nuôi ở Bình Dương đem ra. Tại hiện trường, các nhân viên phát hiện 25 con gấu (6 con đã được chuyển cho một trung tâm khác chăm sóc), bị giam nhốt trong 3 container. Chủ đã ngăn mỗi container thành 7 ô chuồng cũi, đặt trong nhà xưởng nóng bức, ngột ngạt, để thường xuyên hút chích mật. Nhiều con gấu có biểu hiện rất căng thẳng. Các nhân viên của trung tâm đã huy động, cẩu cả 3 container lên xe, chở 3 ngày đêm ra Tam Đảo - Vĩnh Phúc. Về tới trung tâm, các bác sĩ thú y phải gây mê ngay cho gấu để đưa vào phòng điều trị và phát hiện, hầu hết đều bị nhiễm bệnh. Đặc biệt có một con bị áp-xe, cục mủ to tới cả cân trong túi mật, hậu quả của việc chích hút mật quá nhiều lần nhưng không đảm bảo an toàn vệ sinh. Mặc dù nỗ lực cứu chữa, nhưng sau đó nó vẫn chết.
Chăm như con mọn
Để cứu chữa và phục hồi cho từng con gấu, các bác sĩ và điều dưỡng ở trung tâm phải làm việc một cách miệt mài, chăm bẵm cho chúng từng ngày một. Điều thú vị ở chỗ, khi trở về đây, mỗi chú gấu đều được đặt tên và ghi hẳn vào hồ sơ theo dõi sức khỏe, lai lịch. Hiện tại, trung tâm đang có tất cả 70 con gấu, với 70 cái tên khác nhau. Có con mang tên Việt Nam, chẳng hạn Yên Bái, Chiến Thắng. Lại có con mang tên nước ngoài, như Olly, Mausi, Mara...
Chúng tôi đi vào khu nhà điều dưỡng gặp chị Mai, người chuyên lo khẩu phần ăn cho gấu. Chị Mai cũng như các chị Thúy, Lan đều ở ngay xã Hồ Sơn, dưới chân dãy núi Tam Đảo. Mỗi ngày, cứ sáng sớm các chị lại vội vã vào trung tâm, để bắt đầu công việc.
Theo chị Mai, một ngày phải chuẩn bị 2 bữa ăn chính cho gấu: sáng và chiều và 4 bữa ăn “làm giàu”. Trong đó, 2 bữa chính gồm đủ loại củ, quả như cà chua, cà rốt, khoai lang, cải bắp, táo… được trung tâm mua ở quanh vùng.
Khi nông dân chở tới, họ ra nhận, rồi đẩy xe vào trong, phân loại từng món một, để cất vào tủ bảo quản. “Gần tấn củ quả nhưng 70 con gấu chỉ ăn có 2 - 3 ngày là hết” - chị Mai nói. Tỉ mỉ nhất là khâu chế biến thức ăn “làm giàu” cho gấu. Đó là loại thức ăn tinh (khô), có cả một danh sách dài các loại “thực đơn” như vậy, mỗi ngày đổi một khẩu phần khác. Chẳng hạn như nước mật ong ướp đá, yến mạch chứa trong hồ lô, sữa chua trộn lẫn quả khô, kem phết, dầu mẻ xịt… Sau khi pha chế, các chị thả vào trong các ống tre, hộp nhựa, thậm chí cả gáo dừa do chính họ tự đẽo gọt, thiết kế rồi cho vào tủ đông lạnh. Tới bữa, các ống tre, gáo dừa trong đựng kem đá, sữa chua, mật ong sẽ được treo cao trong chuồng để gấu trèo lên nhâm nhi, liếm láp. Chị bảo: “Đó là món ăn khoái nhất của chúng”.
Mỗi ngày 4 lượt, các chị phải chế biến hàng chục món ăn “làm giàu” như thế. Chỉ vào một chú gấu con trông lanh lợi, chị Mai bảo: Trước khi đưa về Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn - Hà Nội, nó từng bị săn bắn và nuôi nhốt cùng với bố mẹ, sau đó cơ quan chức năng “tóm” được khi chúng đang bị chủ vận chuyển đi nơi khác, lúc đó nó mới 2,5kg.
Để đảm bảo điều kiện chăm sóc tốt hơn, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn đã chuyển sang cho Trung tâm Cứu hộ gấu Tam Đảo nuôi dưỡng. Lúc đầu nuôi nó, chúng tôi phải bỏ sữa vào bình cho bú, như chăm sóc một đứa trẻ. Giờ nó đã nặng 20kg rồi. Chị kể thêm, lúc mới đưa về, cán bộ, điều dưỡng của trung tâm có thể ẵm nó trên tay, chơi đùa thỏa thích nhưng bây giờ nó đã trở nên hung dữ, không thể lại gần được nữa. Tên của nó là Chiến Thắng.
TS Tuấn Bendixsen, người Mỹ gốc Việt, Trưởng đại diện AAF tại Việt Nam, cho biết, mục tiêu của dự án cứu hộ những con gấu bị đối xử tàn bạo trong các trang trại và là nạn nhân của việc buôn bán lén lút, săn bắt gấu trong thiên nhiên. Nhưng so với khoảng 4.349 con còn ở bên ngoài mặc dù đã được gắn chíp và ngành kiểm lâm quản lý theo dõi, nhưng thực ra vẫn đang tiếp tục bị cầm tù trong những cũi, chuồng chật hẹp, bị tước đoạt hoàn toàn tập tính leo trèo, nghịch ngợm vốn có, và vẫn bị hút lấy mật bán, dù giá chỉ còn 30.000 – 50.000 đồng/cc. Sắp tới, AAF dự kiến xây dựng thêm những trung tâm mới ở Củ Chi (TPHCM), Cát Tiên (Lâm Đồng), Kiên Giang… dành riêng cho gấu. |
VĂN PHÚC HẬU