Xong nhiệm vụ đầu tiên, tức là đến nay thể thao Việt Nam đã giành được 15 suất chính thức tham dự Olympic Rio de Janeiro 2016. Những nhà quản lý thở phào và thậm chí đang trông mong có thêm vài gương mặt nữa của điền kinh, bơi lội, judo… kịp điền tên mình vào cuộc hành trình trước lúc lên đường.
Ý chí thi đấu kiên cường của các tuyển thủ quốc gia đã giúp thể thao Việt Nam giữ gìn danh phận ở đấu trường lớn, trong đó thành công của những Phan Thị Hà Thanh, Phạm Phước Hưng (TDDC), Nguyễn Thành Ngưng (điền kinh) hay bộ ba Lệ Dung, Thành An, Như Hoa (đấu kiếm)… là rất đáng trân trọng. Không phải ai cũng thuộc diện đủ khả năng vượt qua được vòng loại châu lục để đến với ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh. Nhưng tất cả đã cùng quyết tâm, phô diễn hết tài năng, sở học của mình đã được tôi luyện suốt nhiều năm để hoàn thành giấc mơ cuộc đời, cũng là giấc mơ của thể thao nước nhà.
So với kỳ Thế vận hội diễn ra 4 năm trước, kỳ này thể thao Việt Nam đang hụt mất 3 suất chính thức (18 VĐV đã dự Olympic London 2012), nhưng từ nay đến khi chốt lại danh sách tham dự cuối cùng từ Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), vẫn còn chút thời gian để chúng ta phấn đấu, nỗ lực. Trách nhiệm đó đang dồn lên vai của nhóm môn trọng điểm như điền kinh, bơi lội, judo hay rowing, bóng bàn.
Hai trong số những môn được kỳ vọng lớn là điền kinh và bơi lội trên thực tế vẫn chưa làm hài lòng giới quản lý. Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên đã lấy vé từ lâu, nhưng các đồng đội của cô ở môn bơi lội lại đang chật vật tìm cách lách qua khe cửa hẹp để đến với Rio de Janeiro. Trong khi đó, thành công bất ngờ của Nguyễn Thành Ngưng đã nằm ngoài dự tính, khi những gương mặt xuất sắc hơn anh là Nguyễn Thị Huyền, Quách Thị Lan, Quách Công Lịch hay Nguyễn Thị Thanh Phúc vẫn tay trắng và đang hồi hộp chờ một cơ hội cuối cùng.
Gian khổ thì vô kể nếu miêu tả về cuộc chạy đua giành suất chính thức của các VĐV Việt Nam đến đấu trường Olympic, bởi có những người đã bước vào sàn đấu với chấn thương khá nặng, với cái đầu gối và khoảng lưng phải băng kín, liên tục xức thuốc giảm đau. Ý chí của họ thật kiên cường.
Nhưng, đấy là câu chuyện của bề nổi. Chiều sâu thì sao? Ở đây, chiều sâu tức là khả năng tranh chấp huy chương, thậm chí là HCV của thể thao Việt Nam ở Olympic và điều đó không hề dễ dàng như khi chúng ta dự tranh SEA Games hay Asiad.
4 năm trước, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh - một trong những vị trưởng đoàn thành công nhất của thể thao Việt Nam - đã cảnh báo rằng chính thể thao đã không xác định đúng mục tiêu giành huy chương Olympic, mà chỉ tập trung giành càng nhiều suất chính thức càng tốt. Vì đã xác định như thế, nên nhiều VĐV có khả năng giành huy chương đã không được đầu tư chu đáo, liên tục phải chia sức để thi đấu ở những sân chơi cấp thấp, thay vì tập trung toàn lực cho một cuộc đột phá ở đỉnh cao Olympic.
Thế cho nên, về cơ bản Olympic luôn phản ánh rất chính xác thực lực và sự chuẩn bị của thể thao Việt Nam. Để có 1 VĐV đoạt huy chương, những quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia… đã đầu tư chuyên biệt cho VĐV từ 10-15 năm, hơn rất nhiều so với cách chuẩn bị chỉ vài tháng của thể thao Việt Nam. Và nên nhớ, một nửa sự thật thì không thể là sự thật được.
Thành thử, sau giây phút hào hứng với những suất chính thức mà mình có được, thể thao Việt Nam lại tiếp tục trăn trở. Vốn liếng cho chuyến xuất ngoại đến Brazil 2016 chỉ là thất bại nặng nề ở Olympic London 2012 vài năm trước, là sự hoài niệm về chiến thắng của các tài năng Trần Hiếu Ngân (HCB taekwondo năm 2000) và Hoàng Anh Tuấn (HCB cử tạ năm 2008). Vẫn chưa có gì chắc chắn về thành công được dự báo của những Nguyễn Thị Ánh Viên, Thạch Kim Tuấn và Hoàng Xuân Vinh, nhất là khi cách thức đầu tư và chuẩn bị cho họ khá chênh lệch và không tuân theo bất cứ nguyên tắc nào cả.
LÊ QUANG