
Khi sử dụng một số dược phẩm, yếu tố giới tính có ảnh hưởng đến hiệu quả trị liệu cũng như tính an toàn của thuốc. Các nội tiết tố hay hormone sinh dục khác nhau của phái nam và nữ như estrogen, progesteron, testosteron… có ảnh hưởng khi dùng thuốc.

Ở phụ nữ có nhiều giai đoạn trong cuộc sống như tuổi dậy thì, các thời kỳ kinh nguyệt, mang thai, tiền mãn kinh, mãn kinh đều có thể ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc. So với nam giới, lượng mỡ trong cơ thể của phụ nữ nhiều hơn, khi dùng các thuốc có tính ưa lipid như các thuốc an thần hoặc thuốc ngủ, thuốc sẽ gắn nhiều vào các mô mỡ, do đó sẽ không đủ nồng độ thuốc trong máu để gây tác dụng, vì vậy phụ nữ hoặc người béo phì cần phải tăng các liều thuốc này.
Phụ nữ khi dùng một số thuốc tránh thai cũng ảnh hưởng đến tác dụng của các thuốc khác, thí dụ khi dùng chung chất ethinylestradiol với các thuốc thông dụng như kháng sinh rifampicin, tetracyclin, thuốc kháng nấm griséofulvin sẽ có nguy cơ bị xuất huyết bất thường và có thể làm thay đổi hiệu quả của thuốc.
Đặc biệt trong thời kỳ mang thai, thuốc có tác động khác nhau ở các giai đoạn mang thai và giai đoạn hình thành giới tính. Phụ nữ mang thai khi dùng các kháng sinh như ampicillin, cefalosporin, erythromycin, streptomycin, nồng độ thuốc trong máu thường bị thấp hơn so với bình thường.
Ở nam giới, một số nghiên cứu cho thấy hormone androgen làm tăng hoạt tính của loại men quan trọng ở gan thường được nhắc đến trong việc chuyển hóa thuốc, giải độc thuốc đó là men cytochrom P450, trong khi đó hormone estrogen ở phụ nữ giúp sự chuyển hóa, giải độc thuốc bằng các kiểu khác như tăng các phản ứng khử hydrogen tại gan.
Đa số nam giới có thói quen thường uống rượu bia, sự giải độc rượu chủ yếu là nhờ quá trình oxy hóa của các men tại gan, vì vậy rượu cũng có ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa thuốc. Khi dùng một số thuốc chống trầm cảm cùng với uống rượu sẽ làm tăng huyết áp, tăng tác dụng ức chế của rượu lên hệ thần kinh trung ương cũng như làm tăng độc tính của rượu.
Thanh niên khi dùng cùng lúc rượu và trà hoặc cà phê thì chất cafein sẽ lưu lại trong máu lâu và bị thải ra rất chậm, lâu khoảng 20 lần so với bình thường. Bệnh nhân nam đang dùng thuốc chống đông máu nếu uống rượu, sau khi rượu thải trừ ra khỏi cơ thể, máu sẽ giảm đông và gây hiện tượng chảy máu nặng. Tóm lại, cần phải lưu ý thêm về đặc điểm sinh hoạt của giới tính trong việc dùng thuốc.
PGS-TS TRƯƠNG VĂN TUẤN
(Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM)