Mua “hàng nóng” trên mạng quá khó khăn, nhưng hàng nóng không phải không có. Bằng chứng là vụ án bắt 500 bánh ma túy ở Sơn La; đánh nhau ở Đồng Nai; hay gần đây nhất là vụ Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Sơn Nhất đã phát hiện 94 súng ngắn, 472 băng đạn vận chuyển bằng đường hàng không… Nghe nói vũ khí được mua bán công khai ở vùng biên giới, chúng tôi đã đến vùng biên của các tỉnh Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang để tìm hiểu thực hư...
Mua roi điện... dễ như mua rau
Chúng bắt liên lạc với một số người hay qua biên giới đánh bạc. Mối quan hệ của những người này với sòng bạc khá uy tín. Khi chúng tôi còn cách đường biên của các tỉnh Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang cả chục cây số đã “bắt được tín hiệu” với người ra đón để đưa chúng tôi qua các casino và chợ vùng biên bên Campuchia.
Chúng tôi đến gò Tà Mâu (ấp Tà Mâu, xã Pung Xăng, huyện Brây Chusa, tỉnh Tà Keo, Vương quốc Campuchia) - địa bàn giáp ranh với xã Vĩnh Ngươn, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Con đường mòn dẫn qua chợ gò Tà Mâu nhiều ổ gà, ổ trâu. Đoạn đường gần 100m này khi xưa là con mương, nay đã được lấp đầy và trải đá dăm. Dù trời nắng hầm hập trên cánh đồng Vĩnh Ngươn, nhưng lượng người qua lại nơi đây vẫn đông (để đánh bài, đá gà và tiện thể ghé chợ mua hàng...). Thủ tục qua biên giới coi như không có. Ngay khi chúng tôi đến trạm kiểm soát biên phòng (phía Việt Nam), hai anh cán bộ kiểm soát ở đây quay mặt đi nơi khác, như không thấy ai. Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên, tay “cò” dẫn đường cười bảo: “Mấy anh khỏi lo, tụi này đã “lo” trước hết rồi!” Qua đây, chỉ phải nộp 5.000 đồng cho tay thu tiền mãi lộ ngồi ngay đường biên - gọi là chi phí để làm con lộ trải đá dăm cho dân qua bên kia biên giới.
Gò Tà Mâu vẫn vậy. Bên trái là chợ, bên phải là sòng bài. Hầu như từ lúc xây dựng đến nay, sòng bài ở gò Tà Mâu không được sửa chữa. Đường vào sòng bạc vẫn chỉ là lối mòn đầy cỏ và phân bò. Các bậc tam cấp vẫn chưa lót gạch, nham nhở xi măng, vôi vữa. Chú Ba Tum, người đưa chúng tôi qua chợ, nói nhỏ: “Chợ Gò Tà Mâu bán đủ thứ hàng, trong đó có loại hàng mấy chú cần. Cứ lựa chọn, hỏi han tự nhiên, giá cả thỏa thuận, tôi sẽ đưa hàng về cho. Còn căng quá thì có mấy người bên đây đưa hàng về. Mấy chú yên tâm”. Chợ vẫn yên ắng, không nhiều người mua bán. Thời nào, hàng đó. Ngoài các mặt hàng xưa nay như: loa, đầu máy, mỹ phẩm, máy ảnh, đồng hồ… nhiều căn nhà ở quanh chợ gò Tà Mâu bày bán xe đạp thể thao, xe đạp điện - mặt hàng được ưa chuộng hiện nay. Xe cũ, xe mới bày xen kẽ với nhau, treo tòn ten trên trần nhà… đủ loại nhãn hiệu danh tiếng. Chúng tôi ghé vào một cửa hàng bán đồng hồ, mắt kính, ti vi… Trong tủ kiếng ở giữa nhà, ngoài dãy đồng hồ, la bàn, mắt kính là một số đèn pin. Chúng tôi ngắm nghía một hồi rồi hỏi: “Đèn pin roi điện, phải không?”. Anh Thạch Sên, chủ tiệm không ngần ngại gật đầu và lấy một cây đèn pin cho chúng tôi xem. Anh Thạch Sên nói tiếng Việt rất rành: “Cây này xài pin rời và pin sạc, khá tiện dụng. Điện phát ra cũng khá mạnh”. Nói rồi anh bấm. Chúng tôi hết hồn, điện phát ra từ phía đầu đèn pin nghe tạch tạch. Tôi chỉ vào cây đèn pin nhỏ hơn. Anh Thạch Sên cho biết: “Cây này chỉ có pin sạc nên giá rẻ hơn”. Anh Thạch Sên lấy cây đèn pin ra bấm, tiếng điện phát nghe cũng khá lớn. “Điện phát ra khoảng bao nhiêu volt?”. Anh Thạch Sên săm soi cây đèn, rồi lấy cái hộp ra xem, lắc đầu. “Cũng không biết bao nhiêu volt, nhưng ở bển (ý nói bên Việt Nam) qua mua nhiều lắm”. Chúng tôi đặt vấn đề mua “hàng nóng”. Anh Sên thật thà nói: “Trước cũng có, nhưng sau này bị kiểm tra quá nên thôi. Nếu mấy anh có yêu cầu thì tôi giới thiệu cho người bán. Cũng hên xui. Nhiều khi bị người bán báo để cảnh sát bắt khi mấy anh chưa kịp qua biên giới!”.
Cây súng Beretta cùng bộ đồ nghề được kêu bán giá 3.500USD.
“Hàng nóng”, có ngay !
Chúng tôi nghĩ tìm “hàng nóng” chắc là khó, nhưng thật bất ngờ - cần là có ngay, chỉ có điều phải dò “trúng hệ” và tùy địa bàn mới kết nối được. Thực tế, ở các địa bàn như An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, thì khó kết nối được mối đi tìm hàng nóng, còn ở Long An, Tây Ninh, cần thì có ngay. Tại Long An, sau mấy ngày “rà tín hiệu” cuối cùng chúng tôi cũng bắt được một mối. Tay “cò” này sau khi nhìn “giò cẳng”, kiểm tra lý lịch... thấy tạm tin nên đồng ý dắt chúng tôi qua Campuchia săn “hàng nóng”. Theo tay cò này giới thiệu, mấy năm trước, khi Campuchia chưa siết vụ mua bán súng, thì dọc theo tuyến biên giới các huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng của Long An, phía bên nước bạn có nhiều “ổ” bán súng. Nhưng khi bạn siết thì các “ổ” này rút về thủ đô Phnom Penh, do vậy việc kiếm mua “hàng nóng” cũng khó khăn hơn, tuy nhiên, nếu biết mối quen thì cũng dễ.
Quả thật, tay “cò” này nói chẳng sai. Sau khi qua bên kia biên giới, chúng tôi được một thanh niên tên H. chở một mạch đi Phnom Penh. Tại nơi coi hàng, hầu như các loại súng ngắn mà chúng tôi biết điều có. Như K54 cũ, giá 4 triệu đồng, còn mới giá 6 triệu đồng. Súng K59 cũng tương tự. Súng ru lô nòng ngắn giá 6 triệu đồng, nòng dài 9 triệu đồng... Đạn thì vô tư, bao nhiêu cũng có, trung bình từ 25.000 đến 30.000 đồng/viên. Nếu giao hàng tại chỗ thì giá như trên, còn đem về sát biên giới tăng thêm từ 500.000 đến 1.000.000 đồng, tùy theo loại súng. Qua khỏi biên giới phía Việt Nam tăng thêm 2 triệu đồng/cây. Phương thức là trao hàng - giao tiền. Sở dĩ có “phí vận chuyển” tăng thêm như thế là để phòng bị bắt, vì có không ít trường hợp khi mới mua súng xong, đi chưa được bao xa thì bị quân cảnh bắt lại. Hay giao hàng sát biên giới cũng thường bị bắt do chủ cửa hàng “mọt” cho quân cảnh. Còn trường hợp giao hàng phía bên Việt Nam, hầu hết giao hàng trên địa bàn tuyến biên giới Tây Ninh, do tuyến này qua lại dễ dàng hơn. Hàng thường được “nhờ” các con bạc sau khi cháy túi ở sòng bài, trường gà vận chuyển. Nếu trót lọt, con bạc sẽ được thưởng 2 triệu đồng. Hoặc hàng được giao cho các tay “nài” thuốc lá lậu, đường cát lậu vận chuyển qua, bằng cách nhét hàng vào thùng thuốc lá hoặc bao đường.
Khi chúng tôi hỏi mua cây sút ngắn Beretta do Itaia sản xuất, cũng được trả lời giống như thế. Sau khi xem hàng một hồi, thấy chúng tôi có vẻ chưa ưng ý lắm, tay chủ cửa hàng liền “tiếp thị” ngay một loại hàng cao cấp hơn, nhưng bảo giá sẽ cao đấy. Đó là khẩu súng ngắn Beretta giá 4.500USD. Nhưng tay chủ cửa hàng bảo rằng nếu chúng tôi muốn chơi hàng xịn này, để “giữ mối” sẽ bớt 1.000USD và còn khuyến mãi thêm một vỏ hộp đạn (giá 200USD) với 10 viên đạn. Chúng tôi đồng ý, nhưng với điều kiện là giao hàng bên Việt Nam. Tay chủ cửa hàng bảo rằng chỉ giao hàng sát biên giới, còn muốn giao hàng bên Việt Nam thì phải chờ 1 tháng sau mới giao được, chi phí cũng tăng thêm 2.000USD (phòng rủi ro bị bắt giữ). Cuối cùng hai bên thống nhất giao hàng ở sát biên giới, ngay cửa khẩu tiểu ngạch Phước Chỉ thuộc địa bàn huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Thế là tay tài xế H. chở chúng tôi một mạch về của khẩu Phước Chỉ. Cách sòng bài 168 chừng 200m, xe dừng lại, chúng tôi giả bộ gọi điện về nhà để kêu đem thêm tiền vì hiện tại không đủ. Gọi mãi nhưng tín hiệu điện thoại không kết nối được, chúng tôi nói với tay H.: “Anh đem tiền theo không đủ, gọi cho sếp để lấy thêm nhưng không liên hệ được. Em thông cảm đem cây súng này trả lại cho chủ cửa hàng, khi nào có tiền anh qua đó lấy”. Trước khi tay tài xế chạy về Phnom Penh, chúng tôi cho hắn 1 triệu đồng gọi là tiền công đưa rước, đồng thời cũng xin hắn cho chụp mấy tấm hình cây súng này để đem về trình với sếp, để sếp thấy mới chịu chi tiền. Tay tài xế lấy 1 triệu đồng rồi quay đầu dông tuốt về Phnom Penh, còn chúng tôi thì ghé vào sòng bài 168 xem thử. Con bạc ở đây chỉ toàn là dân Việt Nam. Sau đó chúng tôi quay về qua trạm kiểm soát của biên phòng. Các anh này kiểm tra chiếu lệ. Cứ tưởng qua Campuchia săn “hàng nóng” sẽ khó, thật bất ngờ là quá dễ! Có lẽ vậy, nên thời gian gần đây, hầu hết các vụ án lớn trong nước, hung thủ đều có xài “hàng nóng”.
ĐOÀN HIỆP - ĐĂNG NGUYÊN
>> Bài 2: Hàng “ảo” lừa đảo trên mạng