Mới vào đầu mùa mưa nhưng thời tiết ở ĐBSCL diễn biến hết sức thất thường, mưa dông kéo dài liên tục khoảng một tuần nay không dứt làm hàng chục ngàn hécta lúa hè thu ở Cần Thơ, Kiên Giang, Vĩnh Long, Long An… bị đổ ngã, ẩm ướt không thu hoạch được. Trước đó vào cuối tháng 5-2013, một cơn mưa lớn kèm dông, lốc làm nhiều nơi ở ĐBSCL thiệt hại nặng nề. Chỉ tính riêng địa bàn tỉnh Đồng Tháp, đợt dông lốc mới đây làm sập và tốc mái 784 nhà dân, 2 trụ sở cơ quan, trường học bị sập, hàng trăm cây xanh đổ ngã, nhiều công trình điện bị hư hại… Đáng lo ngại là 3 người bị tử vong do sét đánh và 4 người bị thương.
Tại huyện cù lao Chợ Mới (An Giang), lốc xoáy kèm mưa đá đã làm sập và tốc mái 611 căn nhà, hàng chục bè cá bị nhấn chìm, nhiều diện tích rau màu mất trắng, thiệt hại hàng tỷ đồng. Nhiều người dân ở vùng biên giới huyện Giang Thành (Kiên Giang) cho biết, lần đầu tiên chứng kiến cơn dông, lốc dữ dội làm hàng trăm căn nhà đổ sập và tốc mái; gió mạnh làm mái tôn, cành cây bị gãy bay ào ạt vướng vào các đường dây điện nguy hiểm, rất may mắn không thiệt hại về người...
Các nhà chuyên môn cảnh báo, mưa gió, bão, lũ… đã bắt đầu, kèm theo những thiệt hại về người và của là vấn đề mà các ngành chức năng phải toan tính để đối phó.
Có thể thấy, diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan và đối với một vùng đất phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp như ĐBSCL rất dễ tổn thương. Thời gian qua ĐBSCL tự hào là vựa lúa, vựa trái cây, vựa thủy sản… của cả nước; thế nhưng hiệu quả của sản xuất nông nghiệp ngày càng giảm mạnh bởi một phần do thời tiết bất thường gây ra. Mùa khô nắng nóng gay gắt, xâm nhập mặn sâu vào đất liền từ 60 - 80km. Ai cũng xót xa khi chứng kiến hơn 100.000ha tôm chết la liệt trong vụ nuôi năm 2012, làm thiệt hại hơn 4.000 tỷ đồng; đối với vụ tôm 2013 này tình hình thiệt hại cũng không giảm bởi thời tiết bất lợi. Nuôi tôm - tôm chết, lúa xuân hè mất trắng vì xâm mặn, đến lúa hè thu cũng thua luôn vì bị mưa dầm… Nông dân đang mất phương hướng, không biết ứng phó ra sao bởi càng làm càng lỗ.
Ứng phó với thời tiết diễn biến bất thường là một trong những nhiệm vụ hàng đầu được các tỉnh ĐBSCL quan tâm. Song, vấn đề đặt ra là ứng phó thế nào cho hiệu quả để bảo vệ an toàn sản xuất và tính mạng người dân.
Ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho rằng, về dân cư sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả của chương trình cụm tuyến dân cư vượt lũ; trong đó giai đoạn 2 này sẽ bố trí cơ bản các hộ nằm trong vùng sạt lở nguy hiểm, nơi không an toàn… có được chỗ ở ổn định; thực tế cho thấy cụm tuyến dân cư đã giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người do lũ gây ra. Về sản xuất, sẽ cơ cấu lại mùa vụ một cách hợp lý; đối với lúa vụ 3 không làm nhiều như trước mà sản xuất phải “ăn chắc”, những nơi có đê bao chống lũ an toàn mới làm. Phát triển nông nghiệp tới đây không theo số lượng, mà phải chất lượng, chú trọng vào lợi nhuận của nông dân.
ĐBSCL nằm ở cuối nguồn sông Mekong và được dự báo là chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Mà những thiệt hại vừa qua đối với sản xuất nông nghiệp là hồi chuông cảnh báo về những biến động bất thường của thời tiết gây ra. Các nhà khoa học lo ngại, nếu như cư dân vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên thích nghi được với mùa nước nổi, thì cư dân vùng ven biển ĐBSCL còn thiếu kinh nghiệm và chủ quan trong đối phó với bão lớn. Việc bảo vệ đê biển, bố trí dân cư, xây nhà trú bão… còn những bất cập; đây là thách thức không nhỏ trong việc ứng phó với mùa mưa bão năm 2013 đang bắt đầu.
NGUYỄN THANH