10 năm xuôi ngược với những chuyến cắt rừng ở Tây Nguyên và những chuyến vượt biển khơi đến những đảo vùng biển cực Nam Tổ quốc, năm nay, chương trình Mùa xuân biên giới đến với lính biên phòng và những bà con dân tộc nghèo tỉnh Hà Giang. Đặc biệt hơn, năm nay, lần đầu tiên, tỉnh Cà Mau cùng tham gia chương trình Mùa xuân biên giới và tạo một cuộc trùng phùng đặc biệt của những người dân Việt từ hai đầu đất nước tại chân cột cờ Lũng Cú, cực Bắc Tổ quốc, trong thời khắc đất trời giao mùa.
Cuộc hẹn hò từ hai đầu đất nước
Năm nay, chương trình Mùa xuân biên giới 11 là chuyến hội ngộ của địa phương hai đầu đất nước. Bên cột cờ Lũng Cú, những người trẻ đến từ thành phố mang tên Bác đã rất xúc động khi ngắm nhìn Tổ quốc từ trên cao. Ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau khi ngắm lá cờ Việt Nam tung bay trong gió, trên mỏm đất xa nhất nước, đối với quê ông đã không che được cảm xúc lòng mình “Nhìn cờ Việt Nam bay đỏ rực trên ngọn kỳ đài, thiêng liêng quá”.
Thật khó diễn tả bằng lời cảm xúc tự hào khi ngắm nhìn quê hương gấm hoa của mình khi đứng trên kỳ đài Lũng Cú trong thời khắc chuyển mùa. “Đây là cuộc hẹn hò đặc biệt của người dân từ hai đầu đất nước lúc xuân về, xúc động thật”, ông Sèn Chỉn Ly, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, thổ lộ cảm xúc mình.
Hà Giang những ngày cuối đông lạnh cắt da, cắt thịt. Những con đường ngoằn ngoèo ẩn hiện trong sương mù dày đặc như thách thức sức khỏe những người tình nguyện đang ấp ủ ước vọng tuổi trẻ mang xuân đến những người dân nghèo sống giữa vùng cực Bắc Tổ quốc. Vượt qua hơn 600 khúc cua khuỷu tay từ Hà Nội chúng tôi đến Đồn biên phòng Thàng Tín (huyện Hoàng Su Phì) ở độ cao 2.000m so với mặt nước biển, điểm cao nhất của dãy núi Tây Phong Lĩnh bên phần đất Việt Nam. Đồn biên phòng Thàng Tín là điểm đến đầu tiên của đoàn Mùa xuân biên giới. Trời đất mù mịt sương, thời tiết càng lạnh và bắt đầu có mưa nhẹ. Thiếu tá Kỷ, Đồn trưởng biên phòng Thàng Tín hỏi tôi: “Chị nghe câu quá mù ra mưa chưa? Bây giờ, ở đây là thế”.
Chở xuân lên non cao
11 giờ trưa mà nhiệt độ ngoài trời đã xuống đến 30C. Bác sĩ Nguyễn Thanh Huy, Bí thư Đoàn TNCS Viện Tim TPHCM hỏi, giọng lo lắng: “Trời lạnh quá, lại mưa có bao nhiêu bà con có thể vượt núi đến với chúng ta?”. Hơn 100 người đến khám bệnh trong bộ dạng co ro. Bà con được làm nóng bằng những ổ bánh mì thịt trước khi vào khám bệnh. Cầm những gói thuốc to được phát miễn phí, nhiều người dân rất ngạc nhiên.
Chị Sẻn Lìu xoay xoay bịch thuốc và hai ổ bánh mì thịt trong tay nói với tôi: “Cán bộ phụ nữ à, người mình cảm ơn người dưới xuôi tặng thuốc uống chống đau ốm, tặng bánh mì thịt nhé. Nhưng mí Sần ở cuối thôn, già quá rồi không trèo núi được nữa, bị ho nhiều lắm, thằng Vừ Mí Lá bị tật cái chân không đi được mà đang bị sốt, cán bộ xin bác sĩ thuốc cho mí, cho nó được không, tội lắm à”.
Đại úy Xín Mạnh Thắng (dân tộc Nùng), Đội trưởng Đội vận động quần chúng của đồn Thàng Tín được đồn trưởng giao nhiệm vụ mang thuốc của đoàn tặng đến nhà mí Sần và Vừ Mí Lá chỉ dẫn rõ cách dùng. Trẻ em vùng cao là những đối tượng đặc biệt được nhận quà tết từ đoàn Mùa xuân biên giới. Đó là những gói bánh, kẹo đường sữa và áo len đủ màu sắc cùng những đôi giày giúp các em ấm đôi bàn chân hơn trong những ngày rét buốt này. Tự tay chọn lựa và mặc cho các em chiếc áo ấm tình người, gương mặt tái mét những đứa trẻ nhem nhuốc đã ấm hồng hơn chúng tôi cảm thấy mọi mệt nhọc, giá lạnh như tan đi.
Chị Khoàn Thị Sủng khám và nhận thuốc đã xong nhưng cứ loay hoay mãi, chưa về, Hỏi, qua phiên dịch của Trí, trinh sát đồn biên phòng chị nói muốn xin thêm mấy ổ bánh mì thịt, mấy cái áo len nhỏ và vớ giày mới mang về thôn cho người già và trẻ nhỏ không đến được vì “chúng nó ở cách 7 cây số, vượt mấy ngọn núi, xa lắm mà”. Ôm trong tay những ổ bánh mì, áo len mới chị nói gì đó bằng tiếng dân tộc thiểu số, giọng rất vui với chúng tôi trước khi lẫn vào đám sương mù xám xịt ở đầu dốc.
Cán bộ chiến sĩ đang công tác tại Đồn biên phòng Thàng Tín cũng có dịp khám sức khỏe và nhiều người trong số họ cũng gặp vấn đề về đường hô hấp và đau dạ dày khá nặng. Trời càng lúc càng lạnh. Mới 2 giờ chiều mà sương mù đã phủ dày đặc, chỉ cách vài bước chân cũng khó nhìn rõ mặt nhau. Ban chỉ huy Biên phòng Hà Giang lệnh đoàn phải quay về huyện gấp, nếu không sẽ phải ngủ lại đây vì sương mù rất dày khiến trời xám xịt và mưa lớn hơn dễ khiến xe tuột dốc. Thấy tôi nôn nao đợi các thầy, cô giáo của 3 trường tiểu học bán trú dân nuôi xã Pố Lồ, Thèn Chu Phìn và Thàng Tín lên nhận chăn bông, áo len, giày vớ, gạo, mì, đường, muối và quà tết, đồn phó Đỗ Xuân Hùng hứa sẽ chuyển giúp số quà tặng đến các cháu.
Ấn tượng quân hàm xanh
Nhóm hậu cần hối hả dọn đồ lên xe tải, các bác sĩ cũng nhanh tay thu dọn bàn khám, giường bệnh. Giữa lúc ấy, đại úy Xín Mạnh Thắng dẫn vào phòng khám người phụ nữ trẻ và hai đứa con nhỏ đề nghị được khám bệnh. Nhìn mẹ con chị phụ nữ người Mông ấy, đại úy Thắng kể: Chồng chị là liệt sĩ đại úy Vừ Mí Lúa, Đội trưởng Đội vận động quần chúng của đồn Thàng Tín, hy sinh ngày 27-7-2011 trên đường công tác. Đại úy Thắng nói, đại úy Lúa được bà con các dân tộc vùng biên giới nhạy cảm này yêu quý, tin cậy lắm. Nhờ thế, “nhất cử nhất động” của những người lạ xâm nhập vùng lãnh thổ Việt Nam, đại úy Lúa đều biết rất nhanh.
Hôm ấy, nghe tin có nhóm người lạ xuất hiện trong thôn sát biên giới, đại úy Lúa vội vã lên đường. Sau khi xử lý xong công việc, trên đường trở về đồn, do trời sụp tối nhanh lại sương mù dày đặc đại úy Lúa đã trượt chân rơi xuống vực sâu để lại vợ và hai con nhỏ. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình liệt sĩ, đoàn chúng tôi đã tặng chị phần quà tết đặc biệt, trong đó BS Chí Thành góp tặng vợ liệt sĩ Lúa 1 triệu đồng.
Vừ Mí Hầu, 5 tuổi, con trai liệt sĩ Lúa đã đưa tay chào chúng tôi theo cách của bộ đội, trước khi ra về và nói dõng dạc: “Bố mình là cán bộ biên phòng chết vì công tác, lớn lên mình sẽ làm lính biên phòng tốt như bố”. Ấn tượng đẹp về người bố mang quân hàm xanh mãi là niềm kiêu hãnh của cậu bé người Mông. 10 năm qua, đến với các chiến sĩ quân hàm xanh dọc theo hàng ngàn cây số đường biên giới bộ, chúng tôi hiểu cụm từ “yêu nước, yêu dân” không phải là khẩu hiệu mà đó là thái độ biểu hiện tự tâm hàng ngày của mỗi người lính biên phòng.
PHẠM THỤC