Mức phạt và ý thức

Hôm qua 20-5, các lực lượng chức năng đã đồng loạt xuất quân trong ngày đầu tiên thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo Nghị định 34/2010/NĐ-CP. Theo nghị định này, sẽ có thêm nhiều hành vi vi phạm luật giao thông bị xử phạt. Ngoài ra, tại Hà Nội và TPHCM, hai “điểm nóng” nhất về vấn đề giao thông hiện nay, nhiều vi phạm sẽ bị phạt cao hơn 40% - 200% so với cùng loại vi phạm đó ở những khu vực khác trong cả nước.

Có thể thấy rất rõ rằng, việc ban hành và nghiêm túc thực thi Nghị định 34/2010/NĐ-CP là một nỗ lực từ phía các đơn vị quản lý nhà nước nhằm nâng cao thêm ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, việc ban hành các hình thức và mức phạt mới này chỉ có thể là một can thiệp mạnh hơn về mặt mệnh lệnh, răn đe.

Trước nay, người dân tham gia giao thông vẫn sợ bị cảnh sát xử phạt. Và nhiều người dân, để đối phó với nỗi lo ngại đó, thay vì nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, lại chọn giải pháp tìm cách “né” cảnh sát, tìm cách “chung chi” khi bị bắt để tránh một mức phạt tiền cao hơn phải đóng cho nhà nước, cũng như tránh những phiền hà khi phải đi đến kho bạc đóng tiền, chờ hết thời hạn để đến điểm quy định lấy lại xe…

Với cách hành xử này của một bộ phận người dân và một bộ phận người trực tiếp thực thi việc xử phạt, nếu chỉ trông vào một nghị định nghiêm khắc hơn, e rằng chưa đủ để trật tự giao thông và ý thức tham gia giao thông đô thị của người dân được nâng lên.

Nghị định 34/2010/NĐ-CP xuất phát từ những bức bối trong việc cố gắng kiểm soát giao thông đô thị, khi nhiều nơi giao thông đô thị vẫn được thực thi theo kiểu… thôn quê. Thế nhưng, để nghị định này thực sự đi vào cuộc sống với đầy đủ những ý nghĩa tốt đẹp mà các nhà làm luật gửi gắm vào đó, nghị định rất cần sự thực thi dài hơi, nghiêm túc từ phía những người trực tiếp triển khai. Việc chấn chỉnh giao thông không thể chỉ được thực hiện trong một vài ngày, một vài tuần cao điểm. Không phải ngẫu nhiên khi nhiều người lo ngại một mức phạt cao hơn, hoàn toàn có thể có những biến tướng thành một mức “chung chi” cao hơn, chứ chưa hẳn sẽ trở thành một nếp nghĩ, một thói quen tham gia giao thông mới.

Để thay đổi ý thức của người dân khi tham gia giao thông, một mệnh lệnh hành chính hay một mức xử phạt nghiêm hơn, cao hơn là chưa đủ. Thế nhưng, trong khi hạ tầng giao thông vẫn là bài toán khó giải thì văn hóa giao thông là một trong những giải pháp cho các đô thị, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM. Trong tiến trình rất dài để xây dựng văn hóa giao thông đó, Nghị định 34/2010/NĐ-CP có thể là một “cú hích” cần thiết để các cơ quan chức năng và đặc biệt là những người dân nỗ lực hơn nữa, giúp chính mình.

Nghị định 34/2010/NĐ-CP xuất phát từ cuộc sống. Nhưng để nghị định này thực sự đi vào cuộc sống, làm đẹp cho cuộc sống thì cần sự đồng thuận của rất nhiều người.

MINH TÚ

Tin cùng chuyên mục