Mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

Sáng 15-10, tiếp tục chương trình làm việc của Đại hội lần thứ X Đảng bộ TPHCM, các đại biểu đã chia thành 20 tổ, thảo luận sôi nổi về các nội dung trong Văn kiện Đại hội X Đảng bộ TPHCM.
Mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

Đại biểu thảo luận Văn kiện Đại hội X Đảng bộ TPHCM:

(SGGPO).- Sáng 15-10, tiếp tục chương trình làm việc của Đại hội lần thứ X Đảng bộ TPHCM, các đại biểu đã chia thành 20 tổ, thảo luận sôi nổi về các nội dung trong Văn kiện Đại hội X Đảng bộ TPHCM.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Võ Văn Thưởng trao đổi với các đại biểu tại Đại hội. (Ảnh: CAO THĂNG)

Mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng cuộc sống người dân ảnh 2

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thành Phong và Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm trao đổi với các đại biểu tại Đại hội. (Ảnh: CAO THĂNG)

Mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng cuộc sống người dân ảnh 3

Các đại biểu trao đổi tại Đại hội. (Ảnh: VIỆT DŨNG)

Trong phần thảo luận ở tổ, các đại biểu đã tập trung vào các vấn đề được nêu trong báo cáo chính trị và dự thảo Nghị quyết Đại hội đánh giá về những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực đạt được nhiệm kỳ qua; mục tiêu phát triển thành phố với những dự báo và mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu, những nhiệm vụ, giải pháp; về phát triển nhanh, bền vững, công tác giáo dục - đào tạo….

Theo đại biểu Thái Thị Hồng Nga, Ban Tuyên giáo Quận ủy quận Bình Thạnh, về đánh giá trên lĩnh vực tư tưởng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, có nêu những mặt được, chưa được, nhưng những mặt hạn chế chưa rõ, chưa chỉ ra được cụ thể; về diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, nhân dân và tự chuyển hóa trong nội bộ…đánh giá còn chung chung, không nêu cụ thể hạn chế ở mặt nào. Về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đề xuất thành phố cần quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho hoạt động, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ và quy hoạch để đạt được chuẩn quy định.

Đại biểu Trang Viết Thanh, Đảng bộ Công an TPHCM đánh giá: mục tiêu tổng quát xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình đã gắn với tình cảm, mong đợi của đại bộ phận người dân thành phố. Đây là điểm mới thể hiện quyết tâm cao của chính quyền thành phố. Thế nhưng, tiêu chuẩn “có chất lượng sống tốt” chưa đưa ra được các tiêu chí cụ thể về kinh tế, văn hóa, đời sống người dân, về những nhu cầu vật chất, tinh thần, quan hệ của mỗi người trong cộng đồng và để có cuộc sống an toàn, trong lành hơn phải làm gì. Để đạt được điều này không dễ. Trong khi đó, còn nhiều vấn đề về vệ sinh môi trường, tai nạn giao thông, an ninh trật tự, ngập nước, an sinh xã hội... người dân đang bức xúc. Để đạt được mục tiêu này, thành phố phải có giải pháp cụ thể, đột phá, quyết tâm chính trị cao và sớm đưa ra bộ tiêu chí lượng hóa cụ thể; có giải pháp thật cụ thể, có bước đi, lộ trình phù hợp và đáp ứng đặc thù phát triển của thành phố. Cụ thể như, nhiệm kỳ này phải giải quyết triệt để tình trạng ngập nước thì tiêu chí “có chất lượng sống tốt’ mới đạt được.

Các đại biểu tổ 7 trao đổi tại tổ thảo luận . (Ảnh: CAO THĂNG)

Bổ sung theo ý này, đại biểu Ngô Minh Châu, Đảng bộ Công an TPHCM, đề nghị cần tăng cường công tác dự báo tình hình trên tất cả các mặt, nhất là công tác dự báo nguồn nhân lực đáp ứng cho nhu cầu xã hội. Theo đại biểu Ngô Minh Châu, do thiếu dự báo cụ thể về nguồn nhân lực nên tình trạng các trường ĐH, CĐ, THCN nhiều năm qua đào tạo cứ đào tạo, không cần biết đến nhu cầu xã hội, đã gây lãng phí  rất lớn. Về xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, ngành giáo dục – đào tạo cần chú trọng dạy làm người. Những năm qua, do chúng ta chưa chú trọng vấn đề này dẫn đến tội phạm xã hội gia tăng. An ninh trật tự phức tạp đặt trách nhiệm đối với ngành công an nhưng chưa đặt xã hội về nguyên nhân phát sinh tội phạm, có vai trò giáo dục của cộng đồng, gia đình, nhà trường. Nhiều vụ án phát sinh từ nguyên nhân gia đình. Nếu giáo dục đi vào trọng tình, trọng nghĩa, trọng uy tín thì tội phạm, tệ nạn xã hội sẽ giảm.

Cũng liên quan đến an ninh trật tự, đại biểu Phan Anh Minh, Đảng bộ Công an TPHCM, phân vân về các chỉ tiêu giải pháp về phát triển kinh tế, an sinh xã hội, y tế, giáo dục…chưa sát với thực tế của thành phố, chưa đặt bối cảnh phát triển của thành phố đối với các thành phố ở các nước trong khu vực, nhất là về y tế và giáo dục. Về kiến nghị các chính sách đối với thành phố, đại biểu Phan Anh Minh cho rằng, nhiều vấn đề như cai nghiện tại cộng đồng, sửa Điều 60 Luật BHXH, dù đã được bổ sung, sửa đổi, nhưng chưa căn cơ, chỉ mang tính đối phó, chưa có hệ thống pháp luật cụ thể. Vấn đề đầu tư phát triển cũng vậy, đại biểu Phan Anh Minh đề nghị, TP cần kiên trì đề nghị Trung ương có cơ chế, chính sách mới mang tính đặc thù để bứt phá phát triển trong nhiệm kỳ mới.

Đại biểu Phan Anh Minh so sánh cơ chế, chính sách mà Trung ương áp dụng hiện nay với TPHCM cũng như 63 tỉnh, thành trên cả nước là chưa ổn, “áo cơ chế” hiện quá chật và không phù hợp, không đáp ứng với yêu cầu phát triển những năm tới và rất khó để thành phố phát triển đột phá được như dự thảo nghị quyết đề ra. Thành phố cần kiên trì đề xuất thí điểm một số mô hình phát triển mới cho phù hợp với yêu cầu phát triển những năm tới, nhất là về phát triển đột phá. 

Về an ninh trật tự, đại biểu Phan Anh Minh cho rằng, nhận định còn tiềm ẩn một số nguy cơ là chưa trọn vẹn về ưu điểm cũng như tồn tại. Về án tồn đọng kéo dài, chậm điều tra, xử lý những vụ tham nhũng, tiêu cực lớn gây bức xúc trong nhân dân, đại biểu Phan Anh Minh cho rằng, trách nhiệm không chỉ của ngành công an. Nhiều vụ việc báo chí, người dân phản ánh nhưng các ngành liên quan xử lý chưa triệt để, gây nên tình trạng “ngộ độc dư luận” trong công luận và dư luận. Điển hình là xử lý sai phạm tại Tổng Công ty Liksin, vụ lương “khủng” ở các doanh nghiệp công ích. Vấn đề an toàn, gia tăng tội phạm cũng chưa xem xem xét đến căn nguyên phát sinh. Công tác dự báo chưa thấy hết được tính phức tạp trong phát sinh các loại tội phạm, chưa thấy được thực tế phát triển là kinh tế càng phát triển, quyền tự chủ doanh nghiệp càng cao, càng xảy ra tham nhũng, tiêu cực càng lớn. Các vụ án kinh tế lớn đều liên quan đến hoạt động tài chính, trong đó phát hiện ra vụ nào là sai phạm, thất thoát lên đến hàng ngàn tỷ đồng. “Nếu không dự báo tốt, không đấu tranh kiên quyết với tội phạm về kinh tế, thì chỉ cần vài vụ thôi là thành quả chúng ta bỏ ra sẽ đổ sông, đổ biển hết” - đại biểu Phan Anh Minh đúc kết.

Các đại biểu trao đổi tại tổ thảo luận. (Ảnh: CAO THĂNG)

Ở lĩnh vực quy hoạch, môi trường, đại biểu Nguyễn Văn Lành, Đảng bộ Khối Bộ TN - MT cho rằng, quy hoạch trên nhiều lĩnh vực còn chậm, thiếu công khai, minh bạch. Ngập nước là hậu quả của công tác quy hoạch. Nhiều năm qua chúng ta có lúc nói quy hoạch về hướng Đông Nam, lúc lại nói hướng Tây Bắc. Thực tế phát triển về hướng Đông Nam những năm qua đã bộc lộ nhiều vấn đề phức tạp về môi trường, ngập nước do sự phát triển ồ ạt làm thu hẹp mặt nước, bó hẹp dòng chảy, phát sinh sụt lún và ngập nước.

Nhận được nhiều ý kiến góp ý là về những nhiệm vụ và những giải pháp chủ yếu cho nhiệm kỳ 2015-2020. Nhiều ý kiến cho rằng để TPHCM là nơi có chất lượng sống tốt và đảm bảo các tiêu chí hiện đại, văn minh, nghĩa tình thì đòi hỏi sự đổi mới đồng bộ, nhất quán và triệt để như khi xây dựng, sửa chữa các công trình giao thông, điện, nước… cần phối hợp đồng bộ quản lý, chi phí, tiết kiệm ngân sách Nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, có đội ngũ thanh tra công vụ giám sát chặt chẽ, xử phạt nghiêm minh những cán bộ công chức nhũng nhiễu, phiền hà người dân, hạn chế để người dân đi lại nhiều lần… Có sự đầu tư thỏa đáng cho các lĩnh vực giao thông, đô thị, giáo dục, y tế, môi trường, an toàn thực phẩm, đảm bảo an toàn về an ninh trật tự. Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ cần gắn với quy hoạch tổng thể phát triển triển đô thị bền vững với các lĩnh vực để tạo sự đột phá nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh. TPHCM phải tập trung nguồn lực để thực hiện di dời, cung ứng nước sạch cho người dân...,thành phố cần thể hiện trong Văn kiện những giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa…

Đại biểu Ngô Văn Triển, Ban Dân tộc TPHCM, cho rằng: “Để xây dựng TPHCM thành nơi có chất lượng sống tốt thì trước hết cần làm tốt công tác dự báo. Hiện nay công tác này chúng ta đang làm yếu. Nếu không có dự báo chính xác hoặc tương đối chính xác thì việc đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp liên quan đến các lĩnh vực bức xúc nhất hiện nay như  kết cấu hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa…sẽ không bao giờ theo kịp thực tế. Chúng ta sẽ liên tục gặp các sức ép, nhất là về giao thông, môi trường, y tế, giáo dục… Khi đó người dân càng thêm bức xúc mà chúng ta cũng không thể hoàn thành được các kế hoạch đề ra”.

Trước các vấn đề bức xúc thực tiễn đề ra, đại biểu Ngô Văn Triển đề xuất, thành phố cần nghiên cứu thành lập Sở Di trú để từ đó quản lý, giải quyết nhanh và sớm tất cả các nội dung có liên quan đến người nhập cư vào TPHCM.

Các đại biểu trao đổi tại tổ thảo luận. (Ảnh: VIỆT DŨNG)

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cho rằng, để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, Đảng bộ TPHCM cần quan tâm lãnh đạo việc thiết kế môi trường pháp lý thuận lợi nhất phục vụ doanh nghiệp; xây dựng cơ chế tạo điều kiện ưu tiên để các doanh nghiệp trong nước tham gia các dự án đầu tư công, phát triển đa dạng các hình thức hợp tác công tư (PPP) giữa doanh nghiệp và Nhà nước trong các lĩnh vực đầu tư công; xây dựng và thúc đẩy Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của thành phố hoạt động có hiệu quả, ưu tiên đầu tư cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ, hướng đến thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ; ưu tiên đầu tư cho các sản phẩm hướng đến ứng dụng cho một nhóm doanh nghiệp hoặc một chuỗi doanh nghiệp trong dây chuyền cung ứng... Ngoài ra, Đảng bộ TPHCM cũng chỉ đạo các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đầu tư ươm tạo sản phẩm và doanh nghiệp khoa học và công nghệ; xây dựng chính sách khuyến khích hình thành các vườn ươm tạo doanh nghiệp của xã hội; nâng cao hiệu quả chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thực hiện ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo thông qua các hoạt động cung cấp thông tin, đào tạo nguồn nhân lực, tư vấn chuyên nghiệp, có mục tiêu rõ ràng, giúp các doanh nghiệp mở rộng tầm nhìn, nắm bắt thị trường, nâng cao năng lực quản trị, nâng cao năng suất chất lượng, đa dạng và đổi mới sản phẩm, đổi mới mô hình sản xuất và kinh doanh, hình thành, tham gia và liên kết vào chuỗi cung ứng; sớm kiện toàn, thúc đẩy Sàn giao dịch công nghệ TPHCM phát triển mạnh mẽ.

Đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác giám sát của MTTQ các cấp của thành phố trong thời gian tới, qua đó góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ TPHCM, đại biểu Vũ Thanh Lưu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cho rằng, công tác giám sát không thực hiện dàn trải mà cần xác định rõ đối tượng, nội dung, phạm vi giám sát cụ thể, xuất phát từ những bức xúc, kiến nghị chính đáng của người dân. Khi cần thiết có thể tổ chức đi khảo sát, tìm hiểu thực tế để nắm tình hình một cách chính xác, nắm chắc đối tượng cần giám sát để có ý kiến, kiến nghị cụ thể và thuyết phục; phải có quyết tâm cao, mạnh dạn, sáng tạo trong cách làm, không ngại đụng chạm; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, kiên trì đeo bám, không "đánh trống bỏ dùi". Ngay sau khi kết thúc giám sát phải sớm có văn bản kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền và theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các kiến nghị đó. "Qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội của hệ thống MTTQ TPHCM, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TPHCM kiến nghị: để hoạt động giám sát và hoạt động phản biện xã hội của MTTQ các cấp đạt hiệu quả, đề nghị UBND TPHCM có văn bản chỉ đạo các sở, ngành và UBND quận, huyện, phường, xã, thị trấn thông tin với Ủy ban MTTQ cùng cấp các nội dung văn bản dự thảo cần phải phản biện xã hội hoặc cần góp ý ngay từ đầu năm để tạo thuận lợi cho MTTQ thực hiện chức năng theo quy định; kịp thời xem xét, giải quyết và có văn bản trả lời cụ thể các kiến nghị qua giám sát của Ban thường trực Ủy ban MTTQ các cấp. Đồng thời, các cấp ủy cần quan tâm làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ có tâm, có tầm làm công tác mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội. Chú trọng cán bộ trẻ, có năng lực, trình độ cả về chuyên môn nghiệp vụ", đại biểu Vũ Thanh Lưu nêu rõ.

 Chiều cùng ngày, Đại hội đã nghe đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, báo cáo công tác nhân sự Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, về yêu cầu, tiêu chuẩn, số lượng, cơ cấu, độ tuổi, quy trình giới thiệu và lựa chọn, kết quả giới thiệu. Tiếp theo, các đại biểu đã thảo luận và biểu quyết số lượng Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa X. Tiếp đó, đồng chí Võ Thị Dung, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TPHCM, thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội trình bày danh sách nhân sự do Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa IX chuẩn bị trình Đại hội X. Đại hội làm việc tại 20 tổ để thảo luận về yêu cầu, tiêu chuẩn, cơ cấu Ban Chấp hành Đảng bộ TP và tiến hành ứng cử, đề cử nhân sự Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa X. Các đại biểu đã tiến hành biểu quyết thông qua Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận của Đại hội X Đảng bộ TP đóng góp vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng. Tối cùng ngày, Đoàn Chủ tịch Đại hội họp về công tác nhân sự và văn kiện Đại hội X Đảng bộ TP.

Theo kế hoạch, hôm nay, 16-10, Đoàn Chủ tịch báo cáo Đại hội về tình hình thảo luận nhân sự, ứng cử và đề cử tại các tổ; tổng hợp danh sách các đồng chí ứng cử, được đề cử; đề xuất các đồng chí rút tên và không rút tên khỏi danh sách ứng cử. Biểu quyết thông qua danh sách bầu cử Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa X; tiến hành bầu cử Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa X. Công bố kết quả bầu cử Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa X; bầu đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Hoài Nam- Hồng Hiệp- Ái Chân

Tin cùng chuyên mục