Sau hơn 3 tuần triển khai chiến dịch Tiêu dùng sản phẩm xanh, do Báo SGGP phối hợp với Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op) tổ chức, mức tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp (DN) xanh, DN thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường đã tăng so với cùng kỳ năm 2015.
Theo nhận định từ đại diện Saigon Co.op, mức tăng trưởng 15% là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh sản phẩm Việt Nam bị cạnh tranh gay gắt với sản phẩm ngoại nhập đang ồ ạt tràn vào Việt Nam. Tuy nhiên, để có thể tăng mức tiêu thụ sản phẩm, nhiều DN xanh phải áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp giảm giá sản phẩm, tặng coupon tiêu dùng xanh hoặc quà tặng cho người tiêu dùng khi thực hiện ưu tiên sử dụng sản phẩm xanh của các DN. Trên thực tế, vấn đề này đã và đang tạo nên những bất cập trong khả năng cạnh tranh trên bình diện thị trường của các DN. Bởi những DN xanh là những DN đã và đang thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, góp phần bảo vệ chất lượng môi trường sống của cộng đồng dân cư. Khác với những DN chưa thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường nhưng lại có giá thành sản phẩm cùng loại thấp hơn những DN xanh. Và thói quen ưu tiên tiêu dùng những sản phẩm rẻ của cộng đồng vô hình trung đã tiếp tay cho các DN này gây hại cho chính môi trường sống của mình.
Đại diện Ban tổ chức chiến dịch, bà Lý Việt Trung, Phó Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, nhấn mạnh DN xanh được chọn để tham gia chiến dịch Tiêu dùng xanh có 2 yêu cầu mấu chốt phải đạt được là phải đảm bảo xử lý đạt tiêu chuẩn Việt Nam những chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất và phải có nhiều đóng góp để nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường. Do đó, nếu người tiêu dùng ưu tiên tiêu dùng sản phẩm DN xanh cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta.
Trên thực tế, để hỗ trợ người tiêu dùng dễ nhận diện đâu là sản phẩm của DN xanh, hệ thống siêu thị Co.opmart đã thay đổi hệ thống trang trí, nhận diện sản phẩm tại siêu thị. Theo đó, những sản phẩm xanh sẽ được thiết kế và đặt trên những ụ, kệ hàng có dòng chữ tiêu dùng xanh, sản phẩm xanh. Không dừng lại đó, tại mỗi siêu thị, các tình nguyện viên còn tổ chức game show nhận diện sản phẩm xanh để cùng tương tác trực tiếp với người dân khi đến hệ thống siêu thị Co.opmart trong tháng 6. Theo đó, ban tổ chức đã viết một phần mềm game có tên là Tiêu dùng xanh sử dụng cho hệ thống smartphone. Với một smartphone bất kỳ, khi kích hoạt vào trò chơi này, người dân sẽ phải trắc nghiệm kiến thức của mình đâu là thương hiệu DN xanh cũng như sản phẩm của DN đó. Nếu trả lời đúng hơn một nửa số câu hỏi sẽ nhận được quà của ban tổ chức.
Trong tuần này, hai dự án khác cũng đang được Ban tổ chức gấp rút hoàn thiện là dự án Khu phố xanh và Thư viện xanh. Cụ thể, với dự án Khu phố xanh, các tình nguyện viên sẽ thực hiện hướng dẫn cộng đồng dân cư thực hiện phân loại rác tại nguồn. Đồng thời, hỗ trợ đội nhân viên vệ sinh thiết lập chương trình thu gom rác đã phân loại phù hợp với tính chất địa phương của từng khu dân cư; kết nối hệ thống đơn vị tái chế chất thải để kiến tạo những sản phẩm thân thiện với môi trường; đồng thời nâng cao vai trò, nhận thức của cộng đồng trong hoạt động bảo vệ môi trường... Hơn 2.000 hộ dân đã cam kết tham gia dự án trong đợt này. Riêng với dự án dự án Thư viện xanh, 3 trường học có cơ sở vật chất khó khăn đang gấp rút cải thiện lại. Các tình nguyện viên sẽ kiến tạo thành những thư viện xanh từ những sản phẩm tái chế. Dự án được thực hiện nhằm giúp cộng đồng hiểu rằng nếu sản phẩm cũ được thu gom và tái chế hợp lý thì không những giúp giảm thiểu chất thải phát sinh gây ô nhiễm môi trường mà còn trở thành những vật phẩm có lợi cho cuộc sống.
PHÚC ANH