
Hiện nay, nhiều nơi xông hơi, massage, đặc biệt là các điểm spa đều có sử dụng mùi hương rất thơm và quảng cáo “lấy từ thảo dược, hoa, quả thiên nhiên”. Thế nhưng, sự thật không phải vậy!
Mùi thiên nhiên là mùi... hóa chất

Nên đến những điểm xông hơi, massage, spa có chất lượng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe
Không hiểu vì sao tôi rất khoái mùi hương của cây sả dân dã, chắc có lẽ ngày xưa ở quê, mỗi lần tôi bệnh, mẹ tôi thường nấu nồi lá sả cho tôi xông để giải cảm rồi quen mùi từ đó. Nên bây giờ ở thành phố, cứ mỗi lần vào một điểm xông hơi, khi bước vào phòng, tôi thích xả thật nhiều ống hơi, rồi “chõ” mũi vào ngửi cho… đã! Mới đây, nghe tôi nói hôm nay mệt, tối đi xông hơi cho khỏe, thằng em làm tại một điểm massage, nói: “Anh mệt đi xông hơi thì tốt, nhưng anh bị viêm mũi dị ứng mạn tính, anh coi chừng cái mùi xông hơi đấy. Nếu không cẩn thận, cái lỗ mũi của anh “tiêu” luôn đấy”.
Tôi nói: “Tao xông hơi cả hai chục năm rồi có sao đâu?”. “Hồi trước, mẹ nấu sả cho anh xông là mùi sả thiên nhiên 100%. Còn bây giờ ở thành phố này, làm gì có chuyện người ta lấy sả ở đâu đủ để “phà” ra cho anh xông! Hóa chất không đó anh ơi!”. Tôi chưa tin, hỏi tới: “Hóa chất gì? Làm gì hóa chất có mùi y chang mùi sả thật?”. Thằng em thấy tôi “bảo thủ”, nói: “Mùi sả trong hầu hết các điểm xông hơi hiện nay người ta đều sử dụng hương liệu làm từ hóa chất, bán đầy ở chợ Kim Biên, quận 5 với giá rẻ bèo”!
Thằng em cho biết chính nó được ông chủ giao chuyên đi mua các loại hương liệu này, rồi giải thích thêm: Xông hơi có 2 loại. Xông hơi ướt và xông hơi khô. Xông hơi ướt người ta thường sử dụng hương liệu mùi sả cho thơm. Còn xông hơi khô – tức là vào phòng bằng gỗ, ở đó người ta để một khay đá cuội được nung bằng điện, người xông dùng gáo múc dầu khuynh diệp (không phải mùi sả) pha với nước từ lu nhỏ đặt bên cạnh tưới lên những hòn đá cuội để bốc hơi, tạo độ nóng nhằm làm cho người xông toát mồ hôi cho khỏe. “Nhưng em thưa với anh, dầu khuynh diệp đó cũng là hóa chất nốt!”.
Mới đây, về Cần Giờ thăm ông anh, vừa bước vào nhà, tôi nghe mùi sả giống trong mấy tiệm xông hơi. Tôi hỏi ông anh ở gần đây có điểm massage hay không mà có mùi sả bay tới, ông anh cười, nói: “Chú dân thành phố cứ nghĩ lung tung. Mùi sả này tôi mua ở một tiệm bán hóa chất ở đường Cộng Hòa, Tân Bình về để… đuổi muỗi. Muỗi rất kỵ mùi này, nên gần tối chỉ cần mở nắp đựng hương liệu này ra, thì muỗi gần như không có”. Lúc này tôi tin lời thằng em nói đúng 100%.
Hương hoa trong spa: cũng năm bảy đường!

Nếu so với xông hơi (thường chỉ có 2 mùi sả và khuynh diệp) thì trong spa có nhiều mùi hương hơn. Trên một số tờ báo chuyên về làm đẹp và những tờ bướm có quảng cáo nhiều dịch vụ spa, người ta có thể đọc được đại loại: “Quý khách sẽ được đắm mình trong mùi hương hoa sen tự nhiên”, “Hương liệu nước cốt hoa hồng được chiết xuất từ thiên nhiên sẽ làm cho bạn cảm thấy sảng khoái”, “Tất cả các loại hương liệu được sử dụng hầu hết từ thảo dược thiên nhiên”, “Mùi hương chanh thiên nhiên sẽ làm bạn thư thái, mùi bạc hà giúp những lỗ chân lông thông thoáng”…
Chưa hết, không ít dịch vụ spa còn quảng cáo rằng cho khách ngâm mình trong bồn nước bằng các loại hương trái cây: dâu, táo, cam… Nhưng thử đặt vấn đề về chất lượng: Một vé spa trọn gói 2 tiếng đồng hồ hiện nay, nhiều nơi cạnh tranh nhau chỉ bán có 200.000đ, thì liệu rằng với số tiền ấy chủ spa dám mua tất cả những thứ trên từ thiên nhiên 100% hay thứ gì khác?
Bà xã của người viết bài này trước đây là “tín đồ” trung thành ở một điểm spa “ruột”, thế nhưng một thời gian sau đó phát hiện ra rằng nhiều thứ sử dụng trong spa không rõ nguồn gốc, nên bây giờ đã biết “sợ”, không dám đi spa nữa. Bà còn cho biết, tâm lý của quý bà khi đến các điểm spa, thường nhìn thấy bồn nước được thả những cánh hoa sen hay hoa hồng nổi trên mặt nước rất đẹp mắt, hấp dẫn, rồi nghe mùi hương nhẹ nhàng dễ chịu mà quên quan tâm đến chất lượng, dung dịch trong hồ nước đó ra sao, là gì. Nhờ một “sự kiện” mà cô bạn đồng nghiệp của tôi cũng đã từ giã spa được mấy tháng nay. Chuyện là cô đến một điểm spa mới khai trương, trong bồn nước có rải đầy hoa hồng và được một nhân viên spa giới thiệu bồn nước này được pha bằng loại nước cốt hương hoa hồng nguyên chất của hãng M (Pháp), nhưng khi vào trung tâm mua sắm Diamond Plaza, cô bạn phát hiện ra, một chai nước cốt hoa hồng M thật đề giá đến 600.000đ. Trong khi đó, vé vào điểm spa ấy chỉ 300.000đ! Như vậy có thể biết rằng chất lượng của bồn nước “hoa hồng nguyên chất” của điểm spa ấy ở mức nào.
Theo điều tra của chúng tôi, nhiều điểm spa có để “đồ thật” như sả cây, lá chanh, bạc hà và một số loại thảo dược còn tươi chỉ để “làm màu”, để đánh lừa cảm giác của khách hàng mà thôi. Nói như thế không phải “quơ đũa cả nắm”. Phải thừa nhận nhiều điểm spa cao cấp, uy tín, có thương hiệu thì làm ăn chân chính, sản phẩm của họ có chất lượng thật sự. Tỷ như trong spa cao cấp, ở đoạn trị liệu da, người ta sử dụng dòng mỹ phẩm cao cấp của các hãng nổi tiếng như: Clinique, Shiseido, Lamy, L’Occitane, Debon, Clarins, Kosé… hay các loại thảo dược nguyên chất, dùng các loại tinh dầu cao cấp được chiết xuất từ thiên nhiên. Tuy nhiên, một suất spa cao cấp trọn gói (khoảng từ 2 – 3 giờ) có giá từ 60 – 100USD/người. Còn lại hầu hết những điểm spa bình dân, spa “nhái” thì chất lượng rất… trời ơi, khó kiểm soát.
Thiên Sa