Góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội đảng toàn quốc Lần thứ XII
Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã nhận định “Dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc chưa được phát huy đầy đủ”, “có lúc, có nơi chưa phát huy được vai trò, sức mạnh của nhân dân”. Do vậy phải tiếp tục “hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát huy vai trò của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn của đất nước”. Đây là một trong những vấn đề hệ trọng được Đảng ta luôn quan tâm từ xưa đến nay. Đặc biệt trong sự nghiệp đổi mới, cùng với việc chuyển nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng XHCN thì xóa dần cơ chế quản lý tập trung quan liêu; từ đó xây dựng cơ chế quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, trong đó quyền làm chủ của nhân dân được đề cập tới, được phát huy theo tư tưởng “nước lấy dân làm gốc”, dần dần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN theo tư tưởng Bác Hồ: vì dân, của dân, do dân.
Các đại biểu dự Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X thảo luận tổ góp ý Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Ảnh: Việt Dũng
Nền dân chủ của đất nước ta theo tư tưởng Bác Hồ được gieo trồng từ cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, khai sinh ra nước Việt Nam độc lập, dân chủ. Nhưng sau đó là 30 năm chiến tranh, cây dân chủ chưa có nhiều cơ hội phát triển. Khi hòa bình thống nhất, đất nước được quản lý bởi cơ chế tập trung quan liêu, quyền làm chủ của người dân hết sức hạn chế. Đảng ta vốn sinh thành từ dân, là đảng của giai cấp, của dân tộc, đảng do Bác Hồ sáng lập, trong mọi điều kiện, kể cả lúc lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng cũng đã cố gắng tìm tòi, cải thiện nền dân chủ nước nhà. Các chủ trương “làm chủ tập thể” vào những năm 1970, “lấy dân làm gốc” từ giữa thập niên 1980, rồi “nhà nước của dân, do dân, vì dân” những năm 1990, tiếp theo là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, rồi tăng cường “dân chủ trực tiếp” cùng “dân chủ đại diện” v.v… Đó là những tìm tòi, đổi mới trong tư duy chính trị cùng với đổi mới tư duy kinh tế. Nhưng cho đến nay dân chủ vẫn còn hạn chế.
Truyền thống của nước ta ít nhấn mạnh cá nhân mà thường nhấn mạnh cộng đồng, tập thể; ít nhấn mạnh pháp luật mà thường nhấn mạnh đạo đức hơn. Cho nên tư tưởng “Nhà nước là của dân, do dân, vì dân” được hiểu là Nhà nước phải là người thể hiện ý chí, nguyện vọng, lợi ích của nhân dân, phải là người phụng sự, đầy tớ trung thành của nhân dân. Đức và tài là hai tiêu chuẩn quan trọng của người cầm quyền, trong đó đức là gốc. Đức trị là truyền thống chính trị của phương Đông, trong đó có nước ta. Sự kiểm soát người cầm quyền lấy sự kiểm soát đạo đức trọng hơn là sự kiểm soát hành vi và hiệu quả. Về phía dân cũng đánh giá đạo đức của người cầm quyền mà gởi gắm niềm tin. Cho nên cả hai phía đều nhấn mạnh đức, để “phê, tự phê”, “nêu gương”… mà ít chú ý đến sự ràng buộc hành vi trách nhiệm cá nhân của viên chức nhà nước bằng pháp luật, mà tình trạng hiện nay là “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…”. Như vậy tấm gương đã không còn sáng nữa, người dân chưa thật sự an tâm gửi niềm tin vào người cầm quyền như trước đây, nghĩa là lòng tin giảm dần. Cho nên cái thể chế dân chủ truyền thống được áp dụng trong thời hiện đại trở nên kém hiệu quả. Gương mẫu của người cầm quyền là một lực đẩy con lắc thể chế về phía dân và nó sẽ nhận được sự cộng hưởng từ phía dân. Nhưng nay “gương mẫu từ trên xuống” đã giảm sút nên Nhà nước đã có nhiều cố gắng để thúc đẩy con lắc nhưng hiệu quả không cao, và phía dân thì ngày càng thấp bởi niềm tin giảm sút. Thêm vào đó, những cộng đồng - tập thể xã hội theo nghề nghiệp, dân cư, địa phương, tôn giáo, giới… cũng có những yếu kém, nên lực đẩy từ phía dân chúng trong quan hệ thể chế dân chủ cũng hạn chế. Ngày xưa, các cộng đồng được cố kết bởi các phong tục truyền thống, nó thực sự bền vững; ngày nay phong tục xưa giảm sút, cuộc sống hiện đại, đứt đoạn với truyền thống nên có lúc “hữu danh vô thực”, vô hiệu.
Như vậy, dân chủ phải có cơ chế phù hợp mới có hiệu lực, hiệu quả. Ta có nhiều ý tưởng, nhiều chủ trương tốt do quán triệt tư tưởng dân chủ của Bác Hồ, nhưng chưa tìm ra thể chế phù hợp nên chưa có hiệu quả cao. Để cho nước ta thực sự là nước dân chủ, nhân dân là người chủ xã hội, chủ lịch sử, chủ văn hóa, làm chủ cuộc sống của họ, việc “an dân” là cái cần có trước tiên để xây dựng thể chế dân chủ của chúng ta, đó có thể là đầu mối của thể chế dân chủ ở Việt Nam, cũng giống như bình đẳng, tự do là đầu mối cho dân chủ của nước Pháp vậy. Xưa Nguyễn Trãi đã viết “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Nước ta trong lịch sử ít được yên lành liên tục trong nhiều năm liền, nên an dân là số một. Sự an lành - yên lành, bình yên - bình an, tốt lành luôn là mong mỏi cho mình, cho người của dân ta, là lời thỉnh cầu, mong muốn của mọi người trong mọi trường hợp từ cổ chí kim, từ Bắc vô Nam. Không an dân, lòng dân bất an thì làm sao có thể gầy dựng nền dân chủ được. Muốn dân chủ trước hết phải an dân. Người nông dân được yên tâm trên mảnh đất của họ, được phép cất một căn nhà hợp pháp trên mảnh đất cha ông mình mấy đời tạo nên. Người thị dân được yên tâm trên cái nền nhà của họ, chứ không phải thấp thỏm, lo lắng với những nét vạch quy hoạch hồn nhiên của cơ quan quy hoạch. Đô thị phát triển đến đâu thì dân thấy được hưởng lợi đến đó, chứ không phải như ở nhiều nơi hiện nay, thị trấn lên thị xã rồi lên thành phố, hỏi dân được cái gì, họ ngẫm nghĩ hồi lâu rồi trả lời “được chưa thấy nhưng trước mắt là mất đất”. Cuộc đại trị bắt đầu ở những sự “an dân” cụ thể, thiết thực. Trong quá trình phát triển, ai nấy đều được “an cư lạc nghiệp”, ai ai cũng “có cơm ăn, áo mặc, được học hành”… “An dân” thì mới có “quốc thái”. Bây giờ người dân đi đâu cũng sợ bị hành, bị sách nhiễu, nơm nớp lo sợ; nền kinh tế dù có phát triển, đời sống vật chất khác xưa nhưng dân chưa yên, nên chưa vui và vì vậy, nước cũng chưa thật thái. Ta đã, đang chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nghe chừng rất muốn đẩy mạnh “dân chủ trực tiếp”, người dân là chủ thực sự. Nhưng sự thật thì hiện nay do nhiều nguyên nhân nên quyền của dân còn bị nhiều hạn chế. Đáng lẽ ra, trừ những vấn đề thuộc bí mật quốc gia, còn những gì mà dân phải làm hoặc chịu sự tác động thì dứt khoát dân phải biết, phải bàn, phải kiểm tra. Nhưng hiện nay người dân chưa phải ai cũng biết luật lệ, thủ tục, quyết định của Nhà nước. Thậm chí không biết làm sao để cất một ngôi nhà hợp pháp trên mảnh đất cha ông mình mấy đời tạo ra, vì quy định, thủ tục vừa nhiêu khê, rườm rà, vừa chỏi nhau. Trong điều kiện đó, những kẻ thoái hóa, suy thoái phẩm chất đạo đức trong bộ máy cầm quyền, những kẻ bất lương trong lĩnh vực kinh doanh đã lợi dụng, gây phiền hà để kiếm tiền, nạn tham nhũng xảy ra là lẽ đương nhiên. Rõ ràng, là công dân mà không biết, không nắm được thông tin liên quan đến cuộc sống của mình thì trở thành thần dân - người phụ thuộc, hoặc phạm tội vô ý thức. Đã không biết thì bàn cái gì? Đặc trưng của chế độ độc đoán xưa nay trên trái đất này là sử dụng “bí mật” như một công cụ để bắt dân phục tùng. Không biết, không bàn thì lấy gì kiểm tra. Ngay cả các cơ quan làm công tác kiểm tra, thanh tra còn chưa làm tốt chức năng của mình thì nói gì đến dân. Gần đây nhiều cơ quan tiếp dân, cả đại biểu cơ quan dân cử cũng thường lệ trước cuộc họp đều có “tiếp xúc cử tri”, nhưng rồi cũng chỉ “ghi nhận” để phản ánh đến tổ chức, không khác gì chức năng của “trạm trung chuyển” ý kiến của người dân. Các đoàn thể quần chúng đã có nhiều cố gắng để vận động đoàn viên, hội viên thực hiện chủ trương chính sách, nhưng chưa làm tốt vai trò đại diện quyền lợi của các thành viên như chủ trương đã có, chưa trở thành người đại diện thực chất, có hiệu quả trong cơ chế làm chủ của nhân dân.
PGS-TS PHAN XUÂN BIÊN