Đó chính là “bài học” mà ông Dương Ngọc Minh- Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đúc kết lại trong gần 30 năm lăn lộn với nghề Thủy sản và con cá tra. Con cá đã đem lại doanh số 7.500 tỷ đồng trong năm 2011 cho Công ty Cổ phần Hùng Vương-nơi ông là Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc.
Tuy nhiên, gần đây, trước sự việc một công ty cổ phần thủy sản có thương hiệu tại ĐBSCL mất thanh khoản đã gây không ít hoang mang cho người dân nuôi cá tra, cộng đồng doanh nghiệp Thủy sản, đối tác nhập khẩu nước ngoài, đặc biệt là dư luận về sức khỏe các doanh nghiệp kinh doanh cá tra có vấn đề… Trước những thông tin trên, ông Minh khẳng định: “Một số doanh nghiệp ngành cá tra đang gặp phải khó khăn về nguồn vốn tín dụng cũng như nguồn nguyên liệu cho nhà máy sản xuất chỉ là nhất thời, thường rơi vào doanh nghiệp không chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào.
Ngoài ra, việc thắt chặt tín dụng đối với các doanh nghiệp kinh doanh Thủy sản cùng với lãi suất cao cũng gây khó khăn trong vấn đề thanh toán”. Trong khi đó, ông Minh cho biết thêm: Tình hình xuất khẩu cá tra 3 tháng đầu năm 2012 dự kiến đạt 450 triệu USD. Đây là một con số ấn tượng và là doanh số cao nhất trong 10 năm xuất khẩu cá tra. So với cùng kỳ 3 tháng đầu năm 2011, doanh số XK tăng trên 20%. Điều đó cho thấy, trong năm 2012 ngành xuất khẩu cá tra Việt Nam đang phát triển nhất là thị trường Nam và Trung Mỹ. Thêm một tín hiệu khả quan là Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố kết quả đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần 7 (POR7) đối với cá tra Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ. Theo đó, việc các doanh nghiệp Việt Nam được giảm thuế chống bán phá giá sẽ tạo cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cá tra không chỉ vào thị trường Mỹ mà vào các thị trường truyền thống khác…
- Bên cạnh nguyên nhân đầu tư trái ngành nghề, thì việc phát triển ồ ạt các công ty môi giới, doanh nghiệp đầu tư nhiều vào nhà máy chế biến dẫn đến thừa công suất, trong khi vùng nguyên liệu chưa có, vùng nuôi trồng không được đầu tư bài bản, khép kín… có phải là nguyên nhân góp phần gây khó khăn cho các doanh nghiệp XK cá tra?
- Hiện nay, đầu tư trong lĩnh vực chế biến cá tra về mặt công suất đang thừa, còn đầu tư nuôi trồng thì lại đang thiếu. Điều này dẫn đến những nhà máy không có đầu tư nuôi trồng sẽ bị ảnh hưởng bởi đầu vào và hoạt động dưới công suất. Từ đó mất sức cạnh tranh, không đảm bảo lợi nhuận để thanh toán khấu hao, cũng như tiến độ giao hàng, rồi trả lãi vay ngân hàng … Trong giai đoạn hiện nay doanh nghiệp Thủy sản xuất khẩu cá tra muốn trụ vững và phát triển dứt khoát phải đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực nuôi trồng và phải đáp ứng được khoảng 70% công suất chế biến nhà máy thì mới hoạt động có hiệu quả được.
- Vậy đâu là vấn đề cốt lõi của doanh nghiệp XK cá tra hiện nay?
- Là việc cấp vốn của ngân hàng dành cho doanh nghiệp Thủy sản thôi! Nhu cầu xuất khẩu tăng (Năm 2010 doanh số XK đạt 1,3 tỷ USD, năm 2011 là 1,8 tỷ USD, năm 2012 phấn đấu đạt 2 tỷ USD). Bài toán đặt ra ở đây là: Tỷ giá năm 2010 trung bình 1USD = 18.000đ, năm 2011 là 1USD =21.000đ. Về phần chênh lệnh này (3.000 đồng/1USD và 500 triệu USD/phần XK tăng thêm) theo đánh giá của VASEP là mất cân đối cho đầu tư trên 12.000 tỷ đồng. Trong khi đó tín dụng của ngân hàng vào ngành chế biến cá tra hầu như đóng băng, từ đó dẫn đến việc một số doanh nghiệp thiếu vốn phải mua nợ nông dân, nông dân thì nợ nhà máy thức ăn. Vòng luẩn quẩn chiếm dụng vốn xuất hiện, có nơi kéo dài đến 2, 3 tháng dẫn đến vốn để tái sản xuất và đầu tư sẽ chậm. Vấn đề này, nếu không tìm hiểu kỹ càng và kịp thời tháo gỡ vướng mắc khi mùa vụ nuôi trồng chính của con cá tra đang đến (tháng 4, 5) để cung ứng nguyên liệu vào tháng 10, 11 thì mục tiêu đạt 2 tỷ USD doanh số xuất khẩu cá tra khó khả thi.
- Riêng đối với Công ty CP Hùng Vương có vẻ như ông đã tính trước được những khó khăn mà ông đã vừa nêu?
- Đúng. Từ năm 2009, Công ty CP Hùng Vương đã xây dựng quy trình khép kín từ con giống - nuôi trồng - chế biến - xuất khẩu. Do đó trước tình hình khó khăn chung của ngành thì Công ty CP Hùng Vương vẫn đứng vững trước mọi cơn bão về tài chính và phát triển bền vững. Thứ nhất là do công ty đã chủ động được 70% nguyên liệu cho sản xuất. Thứ hai công ty chủ động về nuôi trồng và giá thành nuôi trồng đưa vào chế biến luôn rẻ hơn từ 20% đến 30% giá tại cùng thời điểm trên thị trường. Từ đó công ty chủ động trong việc SX và XK đáp ứng cho những hợp đồng giá trị cao, đảm bảo được tính cạnh tranh về giá thành, chất luợng, thời gian giao hàng….
- Tình hình SX-KD của các công ty mà Công ty CP Hùng Vương sáp nhập trước đây (AGF, FBT) hoạt động như thế nào? Ông có thể cho một vài thông tin về chiến lược SX-KD trong năm 2012 ở 2 công ty này?
- Ban lãnh đạo Công ty CP Hùng Vương đã định hướng rõ ràng cho sự phát triển từng công ty một trên cơ sở tận dụng thế mạnh riêng vốn có của từng công ty và cũng với tiêu chuẩn là quy trình khép kín từ con giống-nuôi trồng-chế biến-xuất khẩu. Tại Công ty FBT Bến Tre, năm nay trại tôm giống ở đây sẽ đưa ra 2 tỷ con giống để phục vụ cho 600 héc ta mặt nước nuôi tôm mà công ty đang có và đầu tư mở rộng trại nuôi giống bố - mẹ để đưa vào sản xuất 15 tỷ con giống cho năm 2013. Tới thời điểm này, FBT Bến Tre đã xuống giống cho 600 héc ta mặt nước nuôi tôm này và dứt điểm vào tháng 4-2012. Dự kiến sẽ thu hoạch từ 12 ngàn đến 15 ngàn tấn tôm đưa vào xuất khẩu với chất lượng cao, đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe về chất lượng tại các thị trường khó tính như Châu Âu và Mỹ. Còn đối với AGF An Giang, Ban lãnh đạo Công ty CP Hùng Vương đã nhóm họp và đưa ra nghị quyết là trong năm 2012, AGF An Giang sẽ phải chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong việc chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, đảm bảo 80% nguyên liệu nuôi trồng với hình thức 50% tự nuôi và 50% hợp tác.
- Chuẩn bị đến kỳ đại hội cổ đông thường niên (dự kiến vào tháng 4-2012), ông có thể giới thiệu sơ nét một số chỉ tiêu cũng như nội dung đại hội?
- Hùng Vương đã khẳng định được thương hiệu cũng như khẳng định vị trí, vị thế của mình là một trong những nhà xuất khẩu cá tra hàng đầu ở trong nước và quốc tế với một hệ thống quy trình khép kín từ con giống - nuôi trồng - chế biến - xuất khẩu đáp ứng được các tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu. Việc sử dụng hiệu quả đồng vốn và đầu tư vào một ngành nghề mũi nhọn đã đem lại tốc độ tăng trưởng 30% trong năm 2011 và lợi nhuận tăng 20% cho công ty. Năm 2012, trong bối cảnh khó khăn chung về tín dụng, thì hoạt động của công ty vẫn phát triển và thuận lợi khi vốn vay giảm, nguồn thu tăng. Đây là minh chứng và là cơ sở để cho Công ty CP Hùng Vương tiếp tục trở thành một trong những công ty hàng đầu của Việt Nam về XK cá tra trong năm 2012 với doanh thu dự kiến là 300 triệu USD (tăng 20% so với năm 2011). Ngoài ra, Công ty CP Hùng Vương cũng sẽ đưa ra định hướng phát triển cho giai đoạn đến năm 2015 với mục tiêu doanh số XK đạt 500 triệu USD.
BẢO TIÊN