Trao đổi với Báo SGGP về những biểu hiện suy thoái của cán bộ lãnh đạo quản lý và nhóm các giải pháp mà Nghị quyết (NQ) Trung ương 4 khóa XII đã nêu, Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Xây dựng Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Cán bộ TPHCM, cho rằng mấu chốt nhất vẫn là trao quyền chủ động cho người đứng đầu để họ dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đi kèm với cơ chế minh bạch, cụ thể kiểm soát được quyền lực của người đứng đầu đó.
Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng
* PHÓNG VIÊN: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần này đã nói rõ cần xây dựng “cái lồng” để kiểm soát quyền lực. Đồng chí Tổng Bí thư vẫn chưa hài lòng có phải do các giải pháp kiểm soát quyền lực hiện nay còn thiếu?
- Tiến sĩ NGUYỄN VIỆT HÙNG: Kiểm soát quyền lực là vấn đề cực kỳ quan trọng. Tham nhũng, tiêu cực cũng xuất phát từ quyền lực, người có quyền lực mới có điều kiện để tham nhũng, để nhũng nhiễu dân, doanh nghiệp. Ở đây lâu nay vẫn còn lỗ hổng rất lớn.
Về mặt Đảng, người đứng đầu cấp ủy có vị trí rất quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo. Về chính quyền, người đứng đầu cấp ủy thường là thủ trưởng, hoặc phó thủ trưởng - vừa có quyền hành, vừa giữ vai trò quyết định liên quan đến hoạt động và phát triển của cơ quan, địa phương, đơn vị. Khi có hiện tượng tiêu cực xảy ra, người đứng đầu cấp ủy luôn phải chịu trách nhiệm chính. Phát hiện, xử lý nhanh hay chậm, bỏ qua hay kịp thời khắc phục những mặt yếu kém, những nảy sinh mới, đều do người đứng đầu cấp ủy. Trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cấp ủy rất lớn, có tác dụng quyết định mọi thành, bại trong quá trình hoạt động, phát triển của cơ quan, đơn vị.
Tuy nhiên, có những người đứng đầu cấp ủy không đề cao và phát huy trách nhiệm cá nhân trước tập thể; chưa thực sự là đầu tàu, gương mẫu về phẩm chất, lối sống, tác phong công tác và tác phong sinh hoạt; không thể hiện rõ về năng lực trong lãnh đạo, chỉ huy, điều hành. Có những người đứng đầu khi đã yên vị thì xao lãng nhiệm vụ, buông lỏng vai trò, không làm tròn chức trách, công việc “khoán trắng” cho cấp phó hoặc cấp dưới thuộc quyền, “khoán trắng” cho bộ máy chuyên môn, cán bộ chuyên trách; từ đó sinh ra quan liêu, không hiểu rõ thực trạng, thực tế ở cơ quan, đơn vị. Nhiều trường hợp, người đứng đầu cấp ủy xem nhẹ việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, xem nhẹ đấu tranh phê bình và tự phê bình dẫn đến tiêu cực có điều kiện phát sinh.
“Cái lồng” cơ chế mà Tổng Bí thư đề cập đến là những quy định pháp luật, khung pháp lý hiện có, cao nhất là Hiến pháp và những luật pháp khác, không trừ một ai, ai cũng phải ở trong “cái lồng” đó. Vấn đề tồn tại lâu nay là làm chưa triệt để và vẫn còn kẽ hở quá nhiều cho tiêu cực phát sinh.
Cán bộ quận 1 hướng dẫn thủ tục hành chính cho người dân
* Để không ai có thể đứng ngoài “cái lồng” cơ chế như Tổng Bí thư đã khẳng định, theo đồng chí cần phải làm gì?
- Ngay lập tức cần phải xem lại các quy định trong việc giao quyền và kiểm soát quyền lực của người đứng đầu.
Các cơ chế hiện nay cho thấy việc giao quyền cho người đứng đầu đã không được kiểm soát. Điều đó được chứng minh rất rõ ở Bộ Công thương. Một mình ông Vũ Huy Hoàng có thể khuynh đảo hết, Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương khi đó không có vai trò gì. Vì thế, việc họ bị kỷ luật cảnh cáo là hoàn toàn xứng đáng bởi họ đã không giám sát, kiểm tra một cách hiệu quả. Điều đó cũng cho thấy những quy định của chúng ta hiện nay còn nhiều kẽ hở.
Ví dụ, việc Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hậu Giang ký công văn gửi Bộ Công thương xin ông Trịnh Xuân Thanh về làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trong khi vai trò, thẩm quyền đó là của Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Hậu Giang, là vi phạm. Vai trò của ông bí thư tỉnh ở đây đã cao hơn cả cấp ủy. Và rõ ràng, một khi cấp ủy bị vô hiệu hóa thì người đứng đầu sẽ lộng hành, tạo ra những “ông vua con” - theo cách nói của Tổng Bí thư.
Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền là vấn đề mấu chốt để phát hiện và xử lý kịp thời những sai phạm trong lãnh đạo, quản lý. Khi công tác lãnh đạo, quản lý lỏng lẻo, không kiểm tra chặt chẽ, giám sát thường xuyên, thực hiện không đúng chế độ, chính sách và sai các quy định của pháp luật, để xảy ra tham nhũng, lãng phí thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm cao nhất, người dân không thể chấp nhận việc xin lỗi, rút kinh nghiệm nghiêm khắc, sau đó cứ “bình thân” ngoài vòng pháp luật, tránh được các hình thức kỷ luật Đảng, chính quyền là xong.
* Xin cảm ơn đồng chí!
| |
HỒNG HIỆP (thực hiện)