Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) - một huyện ở ngã ba biên giới cực Tây – Tây Bắc Tổ quốc, có đường biên giới dài 206km, tiếp giáp với Lào và Trung Quốc. Mảnh đất này trước đây từng là nơi ém quân, ém vũ khí và đưa tiễn nhiều thanh niên địa phương tòng quân, tham gia trận đánh lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954. 59 năm qua, những cựu binh ngày xưa ấy vẫn cùng con cháu giữ yên vùng đất thiêng này để thực hiện giấc mơ bình dị thời trai trẻ - xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Chữ ơi!
Chúng tôi đến Mường Nhé khi hoa ban nở trắng những vạt rừng Tây Bắc. Vượt qua nhiều đoạn rất hẹp mà chiếc xe đi như làm xiếc bên mép vực sâu và băng qua con suối Nậm Pồ lổn nhổn đá, hai chiếc xe tải của Tiểu đoàn Cơ động Công an tỉnh Điện Biên chở máy vi tính, bàn ghế, gạo đường, sách vở… quà của Báo Sài Gòn Giải Phóng đến Trường THCS Chà Cang đã phải chạy với tốc độ “rùa bò” để bảo đảm an toàn cho máy móc. Thượng tá Phương, Phó phòng Khoa học Viễn thông và hai sĩ quan kỹ thuật của Công an Điện Biên phối hợp với cán bộ kỹ thuật Trạm Bưu tín viễn thông huyện Mường Nhé thực hiện lắp đặt hoàn chỉnh Thư viện điện tử do Báo SGGP tặng cho thầy trò Trường THCS Chà Cang (gồm chục dàn máy vi tính, nhiều thiết bị phụ trợ đi kèm cùng sách vở và lương thực thực phẩm). Nhóm kỹ thuật miệt mài làm việc đến 16 giờ 30, khi thầy trò trường Chà Cang nói như hét khi trên màn hình vi tính xuất hiện thông tin và hình ảnh trường học của mình, vùng đất Mường Nhé của mình… chúng tôi mới bắt đầu ăn trưa.
Nhìn bọn trẻ rón rén ngồi trên những chiếc ghế nệm mới và bàn tay đen sần lọng cọng gõ những con chữ đầu tiên trên bàn phím máy cùng nhau cười hinh hích, chúng tôi cảm nhận được hạnh phúc đang có rất thật, rất gần. Hai thầy giáo dạy vi tính cười rất to: “Ngay các thầy cũng chưa bao giờ dám nghĩ mình sẽ được dùng những chiếc máy tính mới tinh, màn hình eo-si-đi (LCD) như thế này. Chúng tôi sẽ giúp các em sử dụng hiệu quả nhất món quà quý này của Báo SGGP tặng”.
Từ huyện, vượt gần 200km với những cung đường rừng hẹp quanh co, dốc đứng với hàng trăm khúc cua gắt chúng tôi đến xã Sín Thầu, ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào; nơi người ta vẫn ví von “1 tiếng gà gáy, 3 nước cùng nghe”. Đón chúng tôi là một cậu thư sinh tên Nguyễn Văn Quân. Những khó khăn, thuận lợi trong lĩnh vực giáo dục miền núi được Quân giới thiệu khúc chiết với số liệu minh họa trước khi anh đề nghị “chúng ta đi thực tế anh chị nhé”. Hỏi mới biết, Quân tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, là một trong 9 trí thức trẻ được tỉnh Điện Biên tiếp nhận trong đề án “600 trí thức trẻ về công tác tại các huyện vùng sâu vùng xa”.
Quân dẫn chúng tôi đến Trường THCS Dân tộc nội trú Sín Thầu trong ngách núi chen đầy hoa ban trắng, nơi nuôi dạy 200 học sinh đến từ nhiều xã lân cận. Chúng tôi đi ngang nhà ăn của học sinh, nắng lấp lánh trên mặt các bàn ăn, mái lá rách tả tơi để lộ cả bầu trời Tây Bắc chói chang. Minh Bảo, Biên tập viên HTV, đi cùng chúng tôi đề nghị dùng những tấm băng-rôn bằng nhựa dày và to của chương trình Mùa xuân biên giới đang cất trên xe lợp tạm mái nhà ăn, trong khi chờ thay mái mới bằng chi phí do Báo SGGP vừa quyết định chi tặng.
Lò A Quý, học sinh lớp 5, “tâm sự” với tôi khi nhận quà: “Cháu sẽ nhắn cha đừng cõng gạo lên nữa vì cháu có gạo, muối ăn cả tháng rồi. Cái gói đường này gửi về cho em cháu uống nước cơm cho mau lớn. Nó thích lắm đấy”. Nghe tôi hỏi bố mẹ Giàng A Dùa và Thào A Trọ ở bản Xả Pan, đang học lớp 9 “Bao lâu mẹ mang gạo lên cho một lần?”, cả lớp cười to. Thì ra, hai cậu trai 19 tuổi ấy đã có vợ con. Dùa cười cười xoắn chéo áo nói: “Nhà mình với Thọ ở rất xa hai cái núi mà. Bé quá không vượt núi đi học được đâu, phải “tuổi to to” một tí mới có sức khỏe đi bộ đến trường. Vợ mình đồng ý cho đi học hết cấp 3”. Con đường đi tìm con chữ của học sinh vùng cao thật vất vả và đôi khi lạ lẫm thế.
Đến thăm “nhà bán trú dân nuôi” ở Mường Toong, Chung Chải, Sín Thầu chúng tôi ngỡ mình lạc vào xứ sở của người tí hon. Để vào những căn nhà tranh tre nứa lá ấy, chúng tôi phải cúi rạp người, chui qua cái cửa cao không quá 1,2m. Trong một căn nhà trống trước hở sau, bốn nồi cơm độn ngô nguội ngắt để xếp lớp trên cái giá tre. Nồi canh lõm bõm măng và rau rừng sôi ùng ục trên bếp. Tôi nếm thử. Thật khó nuốt bởi nó nhạt nhẽo, sộc lên mũi mùi ngai ngái của măng rừng, “Sao nhạt thế con, muối đâu?”. Giàng A Mìn, học lớp 3 vào buổi chiều (bé choắt như đứa trẻ 6 tuổi) “phụ trách nấu ăn” cho 9 anh chị đi học buổi sáng, lặng im với tay lên đầu giường lấy cái hũ muối hột đưa tôi xem. “Sao con không bỏ muối vào canh?”. “Bỏ vào muối dính nồi đấy, khi nào ăn thì cắn cho nó… lâu hết”. Chẳng ai nói lời gì, chỉ có những tiếng sịt mũi rất khẽ trong cái chòi lá bé tẹo ấy. Hơn chục ngàn gói muối canh iốt, vài trăm thùng mì, hơn 2 tấn gạo, đường cùng 10.000 quyển vở, bút thước của Báo SGGP ủy thác chúng tôi mang lên đây, thật chẳng thấm vào đâu so với khó khăn của các cháu.
Mường Nhé ngày mới
Việc tăng dân số cơ học quá nhanh (tăng gấp 4 lần trong 10 năm) đã khiến công tác quản lý của chính quyền Mường Nhé gặp nhiều khó khăn, bất cập. Theo Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé Trần Anh Tuấn, mỗi năm có hơn 2.000 người di cư tự do vào huyện Mường Nhé. Bên cạnh việc tranh nhau phá rừng làm nương gây tác hại đến môi trường sống, họ còn gây nhiều tranh chấp với dân bản địa. Trong dòng người di cư đông đúc ấy ẩn chứa nhiều tội phạm nguy hiểm, công trình phúc lợi công cộng như trường học không đáp ứng kịp. Để giúp dân an cư lạc nghiệp, lãnh đạo tỉnh đã cử Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Nguyễn Thành Đô về đảm nhiệm vị trí Bí thư Huyện ủy Mường Nhé để thực hiện rốt ráo đề án 79/TTCP về ưu tiên sắp xếp, ổn định dân cư trên địa bàn huyện.
Đến nay, 70% số dân trong đề án đã đăng ký đến các điểm bản mới để làm ăn, các dự án về điện đường trường trạm ở Mường Nhé đang thực hiện rất tích cực và đã giải ngân được 80%. Với thực tế ấy, bà con dân tộc ở Mường Nhé ngày càng hiểu và tin vào tấm lòng của Đảng và Nhà nước dành cho mình hơn. Bây giờ họ không chỉ không tin, không nghe mà còn báo công an khi bọn xấu mò về rỉ tai kêu gọi ủng hộ “vua Mông”. Ông Sùng A Kỷ, Trưởng bản Huổi Khon vui vẻ dẫn chúng tôi đi trên đường đất màu đỏ thẫm dẫn lên khu Huổi Khon đang được mở rộng thăm cây cầu bê tông nối Huổi Khon với huyện Mường Tè, Lai Châu băng qua Nậm Khon giúp phá thế độc đạo của Huổi Khon. “Tiếng máy xe thi công ầm ầm suốt ngày vui tai lắm. Con đường to với cây cầu cứng này (cầu bê tông) mình nghe nói hết những 27 tỷ đồng đấy. Nhà nước mở con đường to cho dân Mông đi nương, cho người trẻ đi học cái chữ, cho phụ nữ đi cái chợ dễ dàng hơn, rất thích đấy. Người Mông hiểu rõ cái bụng tốt của Nhà nước mình rồi”.
Những con đường mới mở, những ngôi nhà khang trang được xây mới từng ngày và trên con lộ bốn làn xe, những tà áo dài trắng tung bay trong gió mai ở khu vực trung tâm huyện đã tạo nên một diện mạo mới của Mường Nhé hôm nay, thanh bình và tươi đẹp.
| |
Phạm Thục