
Mỹ là nền kinh tế hàng đầu thế giới, song cũng là con nợ khổng lồ nhất với tổng số nợ tính đến đầu tháng 12 này lên tới hơn 9.130 tỷ USD. Nếu chia đều cho dân Mỹ, mỗi người phải “cõng” khoản nợ tới... 30.000 USD.
Nợ ngày càng tăng

Theo bảng điện tử thông báo nợ đặt tại quảng trường Times ở New York, được cập nhật hàng giờ, trung bình mỗi ngày khoản nợ quốc gia của Mỹ lại tăng thêm 1,4 tỷ USD, tức mỗi phút tăng gần 1 triệu USD. Năm 1989, khi lần đầu tiên bảng thông báo nợ được dựng lên, khoản nợ quốc gia của Mỹ – tích tụ từ các khoản thâm hụt ngân sách hàng năm – mới ở mức 2.700 tỷ USD.
Khoản nợ đó đã tăng với tốc độ chóng mặt trong 7 năm Tổng thống G.W. Bush cầm quyền, từ 5.700 tỷ USD ở thời điểm tháng 1-2001 lên hơn 9.130 tỷ USD như hiện nay và dự báo sẽ vượt ngưỡng 10.000 tỷ USD khi ông Bush kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 1-2009. Số nợ này sẽ còn tăng mạnh do khoản chi phí dự kiến 2.400 tỷ USD trong 10 năm tới cho cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.
Trong tổng số khoản nợ công của Mỹ, riêng các chính phủ và giới đầu tư nước ngoài hiện chiếm giữ 2.230 tỷ USD (44%), tăng 9,5% so với cách đây một năm, trong đó Nhật Bản giữ nhiều nhất: 586 tỷ USD, kế là Trung Quốc: 400 tỷ USD, Anh: 244 tỷ USD, Saudi Arabia và các nước xuất khẩu dầu mỏ: 123 tỷ USD... Với khoản nợ ngày càng tăng, Quốc hội Mỹ vừa qua đã tăng trần nợ quốc gia từ 8.970 tỷ USD lên 9.820 tỷ USD. Đây là lần thứ 5 Quốc hội phải nâng trần nợ quốc gia từ khi ông Bush lên cầm quyền năm 2001.
“Bom hẹn giờ” của nền kinh tế
Dù cả Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ đều cam kết hạn chế mức chi tiêu của liên bang, song khoản nợ của Mỹ đã tăng từ mức chiếm 35% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 1975, lên khoảng 65% hiện nay. David Wyss, một chuyên gia kinh tế của tổ chức Standard & Poor, cho rằng, nếu không thay đổi chính sách chi tiêu hiện nay, đến năm 2050, khoản nợ quốc gia của Mỹ sẽ chiếm tới... 350% GDP.
Một số nhà kinh tế cho rằng, món nợ quốc gia của Mỹ có thể coi như một “bom hẹn giờ”. Nếu cao tay, các “công binh” kinh tế sẽ kiểm soát được ngòi nổ và tháo gỡ nó. Tuy nhiên, cũng không loại trừ trường hợp các nhà kỹ thuật “non tay”, dẫn tới sự phát nổ của quả bom siêu mạnh này.
Nếu “bom nợ” nổ, hậu quả khôn lường của nó trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội sẽ không chỉ diễn ra ở Mỹ mà còn ở nhiều nơi trên thế giới. Các chuyên gia kinh tế lo ngại ảnh hưởng của những “chất xúc tác kích nổ” đang tác động vào “đồng hồ hẹn giờ”, đó là cuộc khủng hoảng trên thị trường tài chính, giá nhà đất xuống thấp, giá nhiên liệu tăng cao...
VIỆT LÊ (theo AP)