Mỹ, Nga và Trung Quốc chạy đua vào vũ trụ

Mỹ, Nga và Trung Quốc chạy đua vào vũ trụ

40 năm trước, chỉ có hai nước Liên Xô  và Mỹ tiến hành hoạt động nghiên cứu vũ trụ, nay thì đã có gần 40 nước lập dự án chế tạo kỹ thuật vũ trụ. Nhưng chỉ 3 nước Mỹ, Nga và gần đây là Trung Quốc đủ khả năng sản xuất và phóng tàu vũ trụ có người lái. Và ba nước này đều đang nhắm tới các hành tinh khác, trước hết là sao Hỏa và mặt trăng. Ai sẽ chiến thắng trong cuộc chạy đua vũ trụ?

Chọn hành trình nào đây?

Phần lớn thiết bị ở trái đất hướng tới phía sao Hỏa và mặt trăng. Trong thời gian 1969-1972, các nhà du hành Mỹ đã 6 lần đổ bộ lên mặt trăng. Cùng thời gian đó, Liên Xô có một chương trình bí mật đổ bộ lên mặt trăng, nhưng phải từ bỏ vì việc thử nghiệm tên lửa đẩy hạng nặng N1 nhiều lần thất bại.

Mỹ, Nga và Trung Quốc chạy đua vào vũ trụ ảnh 1

Tàu Soyuz của Nga

Mỹ, Nga và Trung Quốc chạy đua vào vũ trụ ảnh 2

Tàu Thần Châu của Trung Quốc

Khác với mặt trăng, sao Hỏa thuộc nhóm hành tinh kiểu trái đất và là đáng lựa chọn nhất trong hệ mặt trời xét từ góc độ tạo điều kiện cho người sinh sống. Trọng lực trên sao Hỏa chỉ nhỏ hơn ở trái đất có 2,5 lần (ở mặt trăng nhỏ hơn những 6 lần), chênh lệch nhiệt độ ngày đêm không đến mức ghê gớm, có khí quyển và nước. Nhưng việc không có từ trường trên sao Hỏa khiến nhà du hành không được bảo vệ khỏi tia vũ trụ. Ưu điểm của mặt trăng là nó gần trái đất và có thể được dùng làm trạm thử nghiệm - quá cảnh.

Mỹ đang có ưu thế

Giới lãnh đạo Trung Quốc thừa nhận kỹ thuật tên lửa của họ lạc hậu 15 năm so với Mỹ và Nga. Song họ tin rằng 15 năm nữa họ sẽ đuổi kịp. Trong chương trình vũ trụ 15 năm của họ, mục thứ nhất là thực hiện các chuyến bay vũ trụ có người lái lên nghiên cứu mặt trăng. Chương trình gồm có việc phóng vệ tinh lên quỹ đạo mặt trăng năm 2007, thả tàu tự hành nghiên cứu mặt trăng năm 2012, đưa mẫu đất đá mặt trăng về trái đất năm 2017…

Mỹ, Nga và Trung Quốc chạy đua vào vũ trụ ảnh 3

Tàu con thoi của Mỹ

Trong khi đó, Nga đã chuẩn bị cho mọi giai đoạn thám hiểm sao Hỏa, trừ việc đổ bộ lên đó. Các chuyên viên khẳng định rằng mức độ sẵn sàng cho việc thám hiểm ấy đạt 50%-60%. Yếu tố then chốt là chế tạo tàu mới Kliper – loại tàu sử dụng nhiều lần, kết hợp hai tàu Soius và Buran, có thể sử dụng cho việc thám hiểm cả mặt trăng lẫn Sao Hỏa, nhưng chưa được ngân sách chính thức cấp kinh phí.

Dù các nước khác xây dựng dự án gì đi nữa, thì về mặt khách quan Mỹ vẫn gần mặt trăng và sao Hỏa hơn ai hết, đơn giản vì Mỹ chi tới 75% ngân sách nghiên cứu vũ trụ của thế giới. Tổng thống Bush đề ra nhiệm vụ trở lại mặt trăng trước năm 2020, xây dựng trạm quỹ đạo, sau đó chuẩn bị thám hiểm sao Hỏa.

Vừa qua NASA thông báo rằng các kế hoạch vũ trụ lớn của Mỹ bị đe dọa vì cần nhiều vốn hơn dự tính. Do đó, cuộc chiến Iraq có thể ngáng đường tiến tới mặt trăng và sao Hỏa của Mỹ vì ngân sách phải đổ vào đây khác nhiều .

Người đứng đầu NASA (Mỹ) Michell Griffin tuyên bố cách đây chưa lâu, rằng những người kế tiếp lên mặt trăng sẽ là người Trung Quốc: “Nếu họ muốn thực hiện việc thám hiểm mặt trăng, họ sẽ làm được việc đó. Và họ có thể tới mặt trăng sớm hơn chúng ta trở lại đó”. Các chương trình vũ trụ của Trung Quốc được giữ kín, nhưng phân tích cho thấy 10 năm nữa người Trung Quốc có thể tới mặt trăng. Ngày 7-2-2007 Nhân dân nhật báo viết: “Sớm muộn gì lá cờ đỏ 5 sao hùng vĩ của Trung Quốc cũng sẽ được cắm trên mặt trăng, và ước mơ của nhân dân Trung Quốc trở thành hiện thực không còn xa nữa”.

Lê Thiếu Huyền
(theo Izvestia.ru)

Tin cùng chuyên mục