
Các nguồn tin từ Mỹ sáng nay cho biết, Nhà Trắng đã nghiêm khắc cảnh cáo Iran về “những hành động gây hấn có thể dẫn tới rắc rối nguy hiểm” sau vụ các tàu chiến Iran đã “khiêu khích” tàu chiến Mỹ.
Theo các hãng tin thế giới, tàu của Hải quân Mỹ và Iran đã suýt bắn nhau ở eo biển Hormuz hôm 6-1. Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 7-1 cũng xác nhận, chiến hạm Mỹ đã “chuẩn bị nã đạn” vào tàu tuần tra của Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran.
Hãng CNN đưa tin, 5 tàu chiến của Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran ngày 6-1 đã “quấy nhiễu” và dọa “cho nổ tung” các tàu của Hải quân Mỹ tại eo biển Hormuz, tuyến vận chuyển dầu mỏ quan trọng ngoài khơi Iran.

Tàu tuần tra của Iran
Lầu Năm Góc tuyên bố, Hải quân Mỹ đang ở hải phận quốc tế, nhưng việc phân định vùng biên giới giữa Iran và Iraq vẫn là vấn đề tranh chấp. Một sĩ quan Mỹ nói, chiến hạm của Iran đã đến gần 3 tàu chiến Mỹ Port Royal, Hopper và Ingraham khoảng 200m rồi phát thông tin qua radio dọa sẽ cho tàu Mỹ “nổ tung trong vài phút nữa”.
Sĩ quan trên cho biết, các hạm trưởng Mỹ “thiếu chút nữa” đã ra lệnh bắn nhằm ngăn chặn khả năng một cuộc tấn công tự sát, nhưng sau đó các tàu chiến Iran đã rút ra xa.

Chiến hạm Mỹ Bonhomme Richard ở Vịnh Oman
Trước đó, tàu Mỹ đã theo dõi các hoạt động của tàu chiến Iran, gồm việc “thả những túi nhỏ màu trắng” xuống biển, có vẻ như một cuộc tập thả mìn.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc nói: “Đây là một hành động khiêu khích nghiêm trọng mà chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến. Tuy chưa có tổn thất nhưng chuyện này có thể xảy ra”. Nhà Trắng cũng cảnh cáo Tehran rằng “một hành động thù địch sẽ không được tha thứ”.
Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo, nước này “sẽ đối phó với hành động của Iran” nếu nó đe dọa Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Iran xác nhận đã có cuộc đối đầu này và cho rằng sự cố trên là “thường xảy ra” và vụ việc đã được giải quyết.
Eo Hormuz là nơi năm ngoái Iran đã bắt 15 thủy thủ Hải quân Hoàng gia Anh trước khi thả họ về nước. Lúc đó phía Mỹ đã nói nếu Iran bắt người của họ sẽ dẫn đến chuyện Mỹ trả đũa lập tức.
Cuộc đối đầu trên biển này xảy ra trước khi Tổng thống Mỹ, George W. Bush, thực hiện chuyến thăm Trung Đông từ ngày 8-1. Trước đó, chỉ huy quân sự Mỹ ở Vịnh Persian tuyên bố, Iran đang nỗ lực gây bất ổn tại khu vực này.
Chuyến thăm của ông Bush nhằm “trấn an” các quốc gia vùng Vịnh đang lo ngại Iran và có thông tin rằng Mỹ sẽ bàn với Israel về chuyện đánh bom các cơ sở hạt nhân của Iran.
Phó Đô đốc Hải quân Mỹ, Kevin J. Cosgriff, nói nỗi lo ngại chính là nguy cơ Iran đóng cửa eo Hormuz để ngăn chặn hoạt động thương mại hàng hải, bằng cách sử dụng mìn, tên lửa xuyên lục địa, máy bay chiến thuật, tàu ngầm và tàu chiến.
° Trong một diễn biến khác, ngày 7-1, hai máy bay chiến đấu F-18 của tàu sân bay USS Harry S. Truman của Mỹ đã bị rơi ở Vùng Vịnh sau khi đâm vào nhau song tất cả thành viên phi hành đoàn đều an toàn. Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết “không có sự liên quan nào” giữa vụ rơi máy bay trên với vụ tàu Iran “quấy rối” tàu chiến Mỹ tại eo biển Hormuz.
Khoảng hơn 45% hoạt động mua bán dầu thế giới đi qua eo biển Hormuz, với khoảng 17 triệu thùng dầu đi qua eo biển này đến châu Á và phương Tây mỗi ngày. Sau thông tin về cuộc đối đầu Mỹ-Iran, giá dầu thô tăng 49 cent, lên 98,40 USD/thùng nhưng sau đó giảm lại. |
HẠNH CHI – TRẦN TRÍ (tổng hợp)