Na Lan nối những phiên chợ xa

Đoàn xe chúng tôi phải vượt qua những sườn núi dốc đứng, thung lũng sâu thẳm trên đoạn đường đầy hiểm trở với 350 “cua tay áo” để lên được huyện Xín Mần trên dãy núi Tây Côn Lĩnh hùng vĩ giữa mây mù để dự khánh thành cây cầu Na Lan. Nhìn phong cảnh nơi đây, tôi chợt nhớ bài thơ “Mới ra tù tập leo núi” của Bác Hồ viết năm xưa: “Núi ấp ôm mây, mây ấp núi/Lòng sông gương sáng bụi không mờ/Bồi hồi dạo bước Tây Phong Lĩnh/Trông lại trời Nam, nhớ bạn xưa” và càng thấy kính trọng ý chí và tấm lòng sâu nặng đối với nhân dân và quê hương của Bác Hồ kính yêu.
Na Lan nối những phiên chợ xa

Đoàn xe chúng tôi phải vượt qua những sườn núi dốc đứng, thung lũng sâu thẳm trên đoạn đường đầy hiểm trở với 350 “cua tay áo” để lên được huyện Xín Mần trên dãy núi Tây Côn Lĩnh hùng vĩ giữa mây mù để dự khánh thành cây cầu Na Lan. Nhìn phong cảnh nơi đây, tôi chợt nhớ bài thơ “Mới ra tù tập leo núi” của Bác Hồ viết năm xưa: “Núi ấp ôm mây, mây ấp núi/Lòng sông gương sáng bụi không mờ/Bồi hồi dạo bước Tây Phong Lĩnh/Trông lại trời Nam, nhớ bạn xưa” và càng thấy kính trọng ý chí và tấm lòng sâu nặng đối với nhân dân và quê hương của Bác Hồ kính yêu.

Cầu Na Lan nối đôi bờ sông Chảy.

Cầu Na Lan nối đôi bờ sông Chảy.

Nối đôi bờ sông Chảy

Đoàn công tác Trung ương do Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang dẫn đầu sau khi dự buổi lễ 20-11 ở Trường Dân tộc nội trú huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang đã vội vã lên đường lên huyện Xín Mần, một huyện biên giới xa nhất của Hà Giang, nơi giáp ranh với huyện Mã Quan, Trung Quốc để kịp dự lễ khánh thành cầu Na Lan do Công ty Him Lam và Ngân hàng Liên Việt thực hiện với tổng giá trị hơn 20 tỷ đồng. Xín Mần là 1/62 huyện khó khăn theo tiêu chuẩn diện 30A (các huyện nghèo cần hỗ trợ do Chính phủ quy định) nằm trên dãy núi Tây Côn Lĩnh.

Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang cùng người dân Xín Mần tham dự lễ thông cầu Na Lan.

Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang cùng người dân Xín Mần tham dự lễ thông cầu Na Lan.

Gần 12 giờ chúng tôi lên đến nơi. Cây cầu Na Lan dài hơn 100m vắt ngang hai bờ vực sông Chảy, nối liền thị xã Cốc Pài (trung tâm huyện Xín Mần) với 6 xã vùng cao ở bờ nam sông Chảy (Tả Nhìu, Cốc Rế, Ngán Chiên, Trung Thịnh, Chế Là và Thu Tà), vốn bị cô lập về giao thông bao đời nay.

6 xã phía bờ Nam sông Chảy có những khu vườn trồng thảo quả và cây chè cổ thụ nằm lưng chừng núi Tây Côn Lĩnh nổi tiếng với thương hiệu Tuyết San, Chế Là được bạn hàng miền xuôi và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) rất chuộng. “Hàng hóa tốt, nhưng bán không được nhiều vì đường quá xa, suối quá sâu”, anh Khèn Xuân Nùng nói thế.

Tôi chỉ chiếc xe Win của Trung Quốc anh đang đi, hỏi: “Chở hàng bằng xe này, có mệt gì đâu”. “Ôi, cái chợ nó ở bên kia cái sông to, xe này sao chạy qua sông suối được, phải đi bộ chứ…”, anh Nùng nói. “Xưa, chưa có cái cầu “bê tông” này, muốn ra chợ bán chè, đậu, ngô, mình phải đi bằng cầu dây mây ở cách đây xa lắm, muốn đi gần hơn phải lội qua con suối Chế Là chỉ còn 7 cây số. Mưa to cái suối ấy đã cuốn trôi người nhiều lần rồi. Bây giờ có cái cầu cứng nhất, đẹp nhất vùng này đi lại tốt rồi”, bà Giáng Thị Mín, 67 tuổi, người dân tộc Nùng ở thôn Thác Bản xã Tả Nhìu nói thế.

Bà Xín Thị Dúm, 60 tuổi ở xã Cốc Rế chỉ 2 cháu học sinh đeo khăn quàng đỏ đứng bên cạnh giới thiệu với tôi: “Đây là Tải Xuân Thịnh và Khèn Xuân Hùng đều học lớp 4A bên Cốc Pài. Ngày trước khi mưa to, gia đình phải cho nghỉ học vì sợ nước cuốn đi mất, giờ có cái cầu rất tiện cho người trẻ đi học, đi làm, người già đi bán hàng ở chợ huyện. Đi cấp cứu cũng nhanh, không sợ rơi người bệnh xuống suối sâu nữa. Vui lắm đấy”.

Những người nhen lửa

Ngăn sông công trình Thủy điện Sông Chảy 5

Sáng 20-12, tại xã Thèn Phàng, huyện Xín Mần (Hà Giang), Công ty cổ phần đầu tư, xây dựng và phát triển năng lượng Sông Đà 5 đã khởi công ngăn sông công trình thủy điện Sông Chảy 5. Dự án Thủy điện Sông Chảy 5 gồm 2 tổ máy có tổng công suất thiết kế 16 MW, tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng. Theo kế hoạch, đến đầu năm 2012, cả 2 tổ máy số 1 và số 2 của Thủy điện Sông Chảy 5 sẽ vận hành phát điện và hòa vào lưới điện quốc gia.

T.X.

Trên con đường dẫn vào cầu, một thanh niên người miền xuôi đang nói cười huyên thuyên giữa nhóm thanh niên mặc trang phục dân tộc. Đó là Cao Văn Đông, 24 tuổi, kỹ sư cầu đường người Thái Bình tham gia thi công cầu Na Lan.

Đông kể, lần đầu đi làm xa nhà. Nhiều đêm trong cái rét cắt da Đông nhớ nhà nên nhiều lần khóc thầm. Nhưng khi thấy những bà mẹ cõng trên lưng những gùi hàng to vất vả leo xuống vực sâu để vượt qua con suối Chế Là, rồi men theo khúc sông mùa nước cạn để leo lên mép đường ra chợ thì Đông không nghĩ gì đến chuyện nhớ nhà, nhớ phố nữa mà anh cùng đồng đội chỉ nghĩ đến chuyện phải làm cho xong cây cầu mang tên Na Lan nối hai bờ con sông Chảy cho bà con đi lại dễ dàng hơn.

“Càng khó khăn chúng tôi càng quyết tâm, phải phá thế cô lập chia cắt giao thông mới có thể giúp bà con Xín Mần thoát nghèo bền vững”, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Liên Việt nói như thể hiện quyết tâm của những doanh nghiệp có tấm lòng với cộng đồng.

Sau lễ cắt băng khánh thành cầu Na Lan, bà con hai bờ sông vừa đi vừa nói cười huyên thuyên trên mặt cầu bê tông rộng. Một bà mẹ trẻ người Thái bế đứa con 2 tuổi, sau lưng chị địu thêm đứa nhỏ 6 tháng tuổi cùng chồng và hàng xóm đi “thông cầu”. Lò Văn Sùa, chồng chị nói giọng rất vui: “Lần trước bác Trương Tấn Sang lên thăm Xín Mần hứa cho cái cầu. Bây giờ bác Sang giữ đúng lời hứa lên khánh thành cái cầu to rồi nhé, dân mình vui lắm”.

Đang nói chuyện với tôi, thấy đồng chí Trương Tấn Sang và Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đến gần, anh Sùa xô tôi ra để bước lên bắt tay bác Tư Sang và Đại tướng Phạm Văn Trà rồi nói to: “Dân mình thích cái cầu này lắm đấy, dân mình cảm ơn Đảng, cảm ơn Nhà nước nhé”. Thường, lễ thông cầu sẽ có rất nhiều ô tô chạy mở đường, nhưng trên cầu Na Lan này, hàng ngàn người dân sống hai bờ vực rộn ràng chạy bộ thông cầu.

Kế hoạch làm ăn “ hiệu quả thấy liền”

Sau khi thông cầu, Đại tướng Phạm Văn Trà, đồng chí Trương Tấn Sang cùng đại diện Công ty Him Lam và Ngân hàng Liên Việt nhấn nút nổ mìn, khởi công xây xí nghiệp gạch không nung và ngôi trường mầm non bên kia cầu Na Lan. Tiếng mìn nổ dứt, tiếp theo tiếng trống lân rộn ràng cả một vạt rừng và bà con dân tộc vỗ tay phấn khởi, còn lũ nhỏ hét theo tiếng trống lân và nhảy theo bước chân ông địa đến khản tiếng. Bởi lần đầu tiên người dân vùng cực Bắc Tổ quốc được xem “múa lân kiểu miền Nam”.

Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang thay mặt Đảng, Nhà nước đã biểu dương tấm lòng của những doanh nghiệp vì cộng đồng và sự hỗ trợ lâu dài cho cuộc sống bà con dân tộc nơi địa đầu đất nước bằng những chương trình thiết thực để bà con các dân tộc có điều kiện vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững.

Theo kế hoạch đã được UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt, chỉ hai năm nữa, dân huyện Xín Mần sẽ có nhà trẻ gửi con để yên tâm lao động sản xuất phát triển cuộc sống. Đó là chuyện hai năm tới, còn từ nay, bà con 6 xã phía Nam sẽ có kế hoạch làm ăn mới mà “hiệu quả thấy liền”.

Anh Hùng, người La Chí đứng vịn lan can cây cầu nói với tôi về dự định của anh và người trong thôn Thác Bản, xã Tả Nhìu: “Chính phủ và doanh nghiệp giúp Xín Mần cái cầu này dân mình sẽ có cái tết to đấy. Có cầu không phải đi bộ, mấy gia đình chung tiền nhau mua xe máy để chở được nhiều chè, đậu, ngô ra chợ bán, chỉ chừng nửa năm thôi, nhà nào chắc cũng có tiền mua xe riêng để chở hàng cho nhà mình, có bệnh, đi bệnh viện cũng nhanh hơn con ma, không sợ ma bắt giữa đường...”.

Sự có mặt và cách làm của Công ty Him Lam và Ngân hàng Liên Việt ở nơi tọa độ số 0 của vùng cực Bắc Tổ quốc mang nhiều ý nghĩa, không chỉ giúp “cắt đói” ngắn hạn cho bà con nghèo mà còn giúp bà con dân tộc vùng cao “no lâu” bởi cây cầu Na Lan để rút ngắn khoảng cách vùng sâu, xa với phố thị Cốc Pài, tạo điều kiện cho bà con phát triển căn cơ.

PHẠM THỤC

Tin cùng chuyên mục