Ngày 15-11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2014. Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách Trung ương năm 2014 là 495.189 tỷ đồng. Tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 287.511 tỷ đồng. Như vậy, năm 2014 bội chi 224.000 tỷ đồng.
Trình nhân sự cấp phó cho 5 cơ quan của Quốc hội
Trong phiên họp sáng 15-11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội về việc tăng số Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm một số ủy ban của Quốc hội và tán thành 80,52% trên tổng số đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đã đọc Tờ trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu bổ sung Ủy viên UBTVQH, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm một số ủy ban của Quốc hội. Theo đó, giới thiệu ông Nguyễn Đức Hiền, Trưởng ban Dân nguyện thuộc UBTVQH làm ủy viên UBTVQH. Đồng thời UBTVQH giới thiệu 5 vị đại biểu Quốc hội khác để Quốc hội bầu vào vị trí Phó Chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, cụ thể như sau:
1- Ông Nguyễn Lâm Thành, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc.
2- Ông Phạm Trí Thức, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật vào chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật.
3- Ông Nguyễn Văn Tuyết, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng.
4- Ông Đặng Thuần Phong, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội.
5- Ông Vũ Hải Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH.
Quy rõ trách nhiệm về cứu nạn đường thủy
Chiều 15-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa. Đa phần các ý kiến đồng tình phải sửa luật vì thực tiễn đã có quá nhiều phát sinh so với quy định của pháp luật. Theo ĐB Trương Thị Ánh (TPHCM), sửa luật này là cần thiết, vì tới đây ngoài giao thông thuần túy, du lịch đường thủy cũng rất phát triển. Sửa luật phải hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng con người.
Hiện nay, cả nước có hơn 80.500km sông, kênh, rạch, trong đó có gần 42.000km có hoạt động giao thông vận tải.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước mới tổ chức, quản lý được hơn 19.000km do khó khăn về kinh phí. ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TPHCM) cho rằng, qua thực tiễn thi hành luật cũng như giám sát thực tế cho thấy việc phân chia nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông ĐTNĐ còn lỏng lẻo, nhiều địa bàn trống cơ quan quản lý. Cũng có nhiều nơi chồng lấn, không rõ ràng. ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TPHCM) đề nghị phải quy định rõ về phân cấp quản lý giao thông đường thủy quốc gia, bởi thực tế hiện nay ngoài vùng đường thủy quốc gia thì không ai quản lý.
ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang cho rằng, phải có quy định rõ ràng về trách nhiệm cứu nạn của chính quyền, cơ quan, cá nhân. Có chế tài đối với những người thấy nạn mà không cứu. Ngoài ra, cần có quy trình về tiếp nhận thông tin cứu nạn. Ví dụ như vụ tai nạn ở Cần Giờ vừa qua, nếu có quy trình tiếp nhận thông tin tốt thì sẽ hạn chế được tổn thất. ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị: “Phải ghi rõ vào luật quy định bắt buộc trang bị áo phao đối với chủ tàu cũng như buộc hành khách phải mặc áo phao khi lên tàu, thuyền”.
Khá nhiều ý kiến cho rằng, Luật Giao thông ĐTNĐ cần phải tiếp tục hoàn thiện. ĐB Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội) cho rằng: “Có quá nhiều điểm giao cho Chính phủ quy định. Có những điểm đưa vào luật cho có mà chưa tính tới yếu tố khả thi. Tôi có cảm giác dự luật chưa được xem xét kỹ lưỡng...”.
Phải dễ với “người ngay”, khó với “kẻ gian”
Về dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, ĐB Ngô Ngọc Bình (TPHCM) nêu ý kiến: Cần quy định rõ ràng hơn về trường hợp trục xuất những người nước ngoài vi phạm pháp luật ở Việt Nam. Vì thực tế đã diễn ra khá nhiều. Về khai báo tạm trú của người nước ngoài cần cân nhắc lại, nhất là khu vực biên giới biển, vì qua giám sát thực tế cho thấy hiện nay có nhiều sơ hở trong quản lý lĩnh vực này, cần rà soát lại để đưa vào luật. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, luật này phải bảo đảm các thủ tục thuận lợi cho “người ngay”, còn với “kẻ gian” phải có hàng rào để ngăn chặn, phòng ngừa. “Thực tế đã có nhiều người nước ngoài lợi dụng con đường du lịch để ở lại cư trú, làm ăn phi pháp ở nước ta” - ĐB Trương Trọng Nghĩa cho biết. Ngược lại, quy định về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam phải hết sức văn minh, phù hợp với thông lệ quốc tế để tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài làm ăn chân chính tại Việt Nam.
ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh), ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) hoan nghênh quy định về cấp thị thực điện tử, song đề nghị chỉ nên nêu nguyên tắc và có lộ trình, tránh “quy định cứng rồi máy móc, thiết bị, nhân lực chưa cho phép triển khai ngay lại thành vướng”. ĐB Nguyễn Thị Khá nhắc lại câu chuyện “tử hình bằng tiêm thuốc độc” để dẫn chứng cho việc quy định đúng nhưng chưa tính kỹ điều kiện thực hiện, khiến luật pháp mất “thiêng”… Đồng ý với quy định cấp giấy thông hành cho cư dân vùng biên giới, tạo điều kiện thông thương, thuận lợi cho cuộc sống của đồng bào, song ĐB Nguyễn Thị Khá lưu ý tránh để các đối tượng lợi dụng.
| |
NHÓM PV
Phải tăng cường giám sát
Ngày 15-11, Quốc hội thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách TƯ năm 2014 với mức bội chi 224.000 tỷ đồng. Trao đổi nhanh với PV Báo SGGP, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch (ảnh), Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM, cho biết:
Quốc hội (QH) đã thông qua nghị quyết rồi, bây giờ là vấn đề giám sát việc thực thi. Trong nghị quyết lần này, rất nhiều điểm ĐBQH đã nêu và được QH đưa vào nghị quyết, ví dụ như vấn đề tiết kiệm, không được sử dụng lãng phí, không lãng phí hội họp, hội nghị, không được xây dựng các trụ sở mới... Nói chung, toàn bộ những vấn đề mà ĐBQH đã nêu như phải xem lại phân bổ ngân sách, tiết kiệm chi tiêu, quản chặt đồng ra đồng vào... đều được nghị quyết nêu rõ. Nhưng vấn đề đặt ra bây giờ là giám sát việc thực hiện, thực thi ra sao. Tôi nghĩ đó là trách nhiệm của QH, ĐBQH, HĐND các cấp. Các nơi này phải tăng cường giám sát từng điểm một mà nghị quyết đã nêu, từ chống lãng phí thế nào, chống thất thu, tiết kiệm chi ra sao… Làm sao để bảo đảm bội chi năm 2014 chỉ ở mức 5,3% GDP thôi, tức là khoảng 224.000 tỷ đồng. Còn lại, nếu chống được thất thu thì có thể tăng cho đầu tư.
* Phóng viên: Trong bối cảnh ngân sách đang rất khó khăn như hiện nay, phải thay đổi cách giám sát thế nào thưa ông?
* Ông TRẦN DU LỊCH: Bây giờ ngân sách đã đến mức báo động rồi, vì vậy vai trò giám sát càng phải được đẩy mạnh. Phải tổ chức giám sát từng điểm một. Ví dụ giữa năm tới, QH nên yêu cầu Chính phủ báo cáo về những nội dung đó, từng điểm một. Phải báo cáo rõ trong nửa năm đầu 2014 Chính phủ đã thực hiện kế hoạch ngân sách ra sao, tiết kiệm được bao nhiêu tỷ đồng, chống thất thu ra sao, có nơi nào khởi công trụ sở mới không... Giữa năm QH yêu cầu Chính phủ báo cáo, rồi cuối năm làm kỹ hơn, tôi cho là phải làm ráo riết để tránh hậu quả xấu.
* Cụ thể, đoàn ĐBQH TPHCM sẽ giám sát việc triển khai Nghị quyết về ngân sách 2014 ra sao?
* Chúng tôi chưa bàn, nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ có chương trình giám sát vấn đề ngân sách, những nội dung mà Nghị quyết QH đã nêu, xây dựng thành chương trình giám sát cụ thể. Để qua đó phát hiện những sai phạm so với yêu cầu của Nghị quyết QH.
* Ông còn điều gì trăn trở về việc thu - chi ngân sách?
* Trăn trở lớn nhất của tôi là vấn đề bội chi. Chúng ta đã phải vay và phát hành trái phiếu Chính phủ quá lớn. Tôi đã nói rất nhiều về điều này. Đó là điều rất khó khăn giữa cân đối nguồn trái phiếu ngân hàng thương mại mua để bảo đảm phát hành đủ lượng trái phiếu Chính phủ, mà vẫn có đủ dòng vốn cho tín dụng doanh nghiệp. Làm sao để có cơ hội giảm lãi suất xuống.
* Cảm ơn ông!
LÂM NGUYÊN