Năm 2014, ĐBSCL phấn đấu giảm trên 44.000 hộ nghèo

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, năm 2014, vùng ĐBSCL phấn đấu tạo điều kiện cho 44.640 hộ thoát nghèo, hạ tỷ lệ hộ nghèo trong vùng từ 7,2% (năm 2013) xuống còn 6%.

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, năm 2014, vùng ĐBSCL phấn đấu tạo điều kiện cho 44.640 hộ thoát nghèo, hạ tỷ lệ hộ nghèo trong vùng từ 7,2% (năm 2013) xuống còn 6%.

Để hoàn thành kế hoạch đề ra, các tỉnh ĐBSCL tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trước hết là đầu tư xây dựng các tuyến giao thông huyết mạch kết nối của vùng, liên tỉnh, liên huyện, xã ấp gắn với chuyển dịch cơ cấu sản xuất công nghiệp, thương nghiệp, nông nghiệp tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa thuận lợi, trong đó có người nghèo tham gia.

Các tỉnh ưu tiên thực hiện chính sách khuyến khích nông dân phát triển kinh tế hộ gia đình và kinh tế trang trại, phát triển công nghiệp chế biến và tiểu thủ công nghiệp truyền thống, đồng thời tiêu thụ hàng hóa với giá cả nông sản ổn định tạo điều kiện cho người nghèo có thêm việc làm, tăng thu nhập.

Bên cạnh đó, các tỉnh đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với lao động nghèo bằng cách mở rộng dạy các nghề công, nông nghiệp cho trên 400.000 lao động, đồng thời tạo việc làm cho 371.000 người; thực hiện tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo điều kiện cho trên 200.000 hộ nghèo vùng nông thôn mở rộng sản xuất nông nghiệp, đồng thời cho bà con vay thêm 400 tỷ đồng mua cây, con giống, thức ăn gia súc, gia cầm.

Các tỉnh vùng lũ xây dựng các cụm, tuyến dân cư giai đoạn 2, ổn định chỗ ở cho 138.000 hộ, trong đó có 27.000 hộ nghèo. Các tỉnh cấp thẻ bảo hiểm y tế, tạo điều kiện cho 600.000 hộ nghèo được chăm sóc sức khỏe; thu hồi những phần đất cấp không đúng đối tượng, đất sử dụng không hiệu quả để giao cho người nghèo sản xuất; khôi phục hàng chục làng nghề, vừa mở rộng sản xuất sản phẩm truyền thống vừa tạo việc làm cho lao động nghèo.

Riêng đối với đồng bào dân tộc thiểu số nghèo chưa có đất ở thì được giao đất làm nhà ở, được hỗ trợ bằng tiền để làm các ngành nghề hoặc chuộc lại đất sản xuất đã chuyển nhượng, thế chấp. Cá biệt đối với một số hộ trước đây đã chuyển nhượng, thế chấp đất sản xuất, nay không còn đất, nhưng thật sự có kinh nghiệm sản xuất, có nhu cầu đất để sản xuất và được người nhận chuyển nhượng, thế chấp đồng ý cho chuộc lại đất với giá thấp hoặc vận động được bà con thân tộc nhượng bán với giá rẻ thì được nhận vốn vay theo nhu cầu (tối đa không quá 30 triệu đồng/hộ).

Các trường hợp nêu trên thực hiện theo nguyên tắc công khai, công bằng, dân chủ, đúng đối tượng thông qua chính quyền và các tổ chức đoàn thể bình xét từ cơ sở.

TTXVN

Tin cùng chuyên mục