Năm 2014, kỳ vọng kinh doanh thuận lợi hơn

(SGGP).– Kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn đang kỳ vọng nhiều vào hoạt động kinh doanh sẽ hiệu quả hơn trong năm 2014. Đó là nhận định của nhiều chuyên gia, hiệp hội tại diễn đàn “Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp 2014” diễn ra ngày 7-1 ở Hà Nội.

Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cuộc khảo sát về động thái doanh nghiệp Việt Nam do VCCI tiến hành trong tháng 11 và 12-2013, cho thấy, năm 2014, hầu hết các doanh nghiệp dự cảm tình hình sản xuất kinh doanh sẽ khởi sắc hơn. Giá bán bình quân sẽ có xu hướng tăng lên so với năm 2013; lợi nhuận bình quân tiếp tục giảm vào năm 2014, mặc dù xu thế giảm này được dự đoán là ở tốc độ chậm hơn; hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị cũng được đánh giá là sẽ tốt hơn so với năm 2013. Năm 2014, sự lạc quan trong những dự cảm về tuyển dụng lao động cho thấy các doanh nghiệp đang kỳ vọng vào những điều kiện kinh doanh tốt hơn. Các yếu tố được coi là tích cực khác cũng được doanh nghiệp thể hiện quan điểm thông qua việc kỳ vọng số lượng đơn đặt hàng sẽ tăng lên so với năm 2013; việc tiếp cận thông tin thị trường công nghệ, điều kiện hạ tầng tiện ích và điều kiện giao thông được cải thiện trong năm 2014.

Theo ông Nguyễn Trọng Hiệu, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Bộ KH-ĐT, để tháo gỡ khó khăn mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp phải trong năm 2013 (khả năng tài chính và nguồn vốn hạn chế; chất lượng nhân lực thấp; thiếu sự liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp…), năm 2014, cơ quan này sẽ nghiên cứu đề án xây dựng Luật Xúc tiến phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; giúp doanh nghiệp tiếp cận tài chính, tín dụng một cách nhanh nhất thông qua Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như triển khai các hoạt động trợ giúp của quỹ…

TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng, năm 2014, các khó khăn vẫn còn đó như nợ xấu; khó có sự hỗ trợ về lãi suất bởi thị trường này còn phụ thuộc nhiều vào mức độ lạm phát, mức hấp dẫn của lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ và phụ thuộc vào USD sẽ lên giá. Tuy nhiên, nếu nhìn về dài hạn, Việt Nam sẽ hội nhập sâu vào thị trường thế giới, đầu tư nước ngoài vào nhiều lĩnh vực tại Việt Nam còn lớn. Điều này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể “ăn theo”, học hỏi rất nhiều từ cách quản lý, kinh doanh và sử dụng nhân lực của các doanh nghiệp nước ngoài. Nếu xét về cơ hội kinh doanh, phải xem xét tới tổng cầu tiêu dùng. Năm 2014, theo dự báo mức tăng tiêu dùng của nền kinh tế cũng sẽ không tăng. Trong những mặt hàng tiêu dùng giảm xuống, có những tiêu dùng không giảm. Vì vậy, doanh nghiệp chuyển sang tiêu dùng biết lựa chọn, vẫn có những bước phát triển.

HÀ MY

Tin cùng chuyên mục