(SGGPO).- “Năm nay, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng thu hút FDI vẫn có thể đạt được mức 15 -16 tỷ USD”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh dự báo.
Trong khi đó, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư), tính chung cả cấp mới và tăng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam (FDI) trong 10 tháng qua đạt 13,7 tỷ USD, bằng 71,2% so với cùng kỳ 2013.
Cụ thể, tính đến ngày 20-10, cả nước có 1.306 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 9,95 tỷ USD; có 469 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 3,74 tỷ USD.
Theo lĩnh vực đầu tư, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 636 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 9,7 tỷ USD, chiếm 70,8% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 10 tháng năm 2014. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2; lĩnh vực là lĩnh vực Xây dựng xếp vị trí thứ 3.
Xét theo đối tác đầu tư, có 56 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc dẫn đầu, tiếp đến là Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản…
Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã đầu tư vào 50 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó dẫn đầu về đầu tư nước ngoài là TPHCM, tiếp đến là Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Hải Phòng, Hà Nội.
Tuy nhiên, vốn thực hiện trong 10 tháng ước tính đã giải ngân được 10,15 tỷ USD, tăng 5,9 % so với cùng kỳ năm 2013.
Được đề nghị bình luận về tình hình thu hút FDI trong 10 tháng đầunăm nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nói: “So với cùng kỳ năm trước, đúng là thu hút vốn FDI hụt khoảng 25%. Tuy nhiên, chúng ta không nên và thế giới cũng không ai làm những điều như chúng ta đang làm, đó là so sánh thu hút FDI cùng kỳ năm nay với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng thu hút FDI như việc bắc nước chờ gạo người. Việt Nam làm hết mình để tạo ra môi trường kinh doanh tốt nhất để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, nhưng quyết định đầu tư hay không không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực và mong muốn chủ quan, bởi đây là nhà đầu tư nước ngoài. Họ đang chịu rất nhiều tác động, trong đó có tác động từ chính tập đoàn, công ty ở nước sở tại. Việc bị vỡ nợ, sa lầy vào những khó khăn của tập đoàn mẹ khiến họ không đủ khả năng ra nước ngoài đầu tư, phải co cụm lại”.
Do đó, theo vị Bộ trưởng, để đánh giá chính xác về đầu tư nước ngoài phải nhìn cả giai đoạn 5 năm mới phù hợp. Đơn cử, năm 2013, thu hút vốn FDI của Việt Nam lại lên tới 22 tỷ USD, là do có những dự án rất lớn, đã được nghiên cứu nhiều năm rồi và đến thời điểm 2013 mới đồng loạt xin cấp giấy chứng nhận đầu tư, ví dụ như: Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Samsung.
ANH PHƯƠNG