Năm 2014 đánh dấu bước tiến mới trong quản lý và xử lý đối tượng có hành vi vi phạm môi trường khi Nghị định xử phạt hành vi vi phạm môi trường 117 chính thức được thay bằng Nghị định mới 179. Theo đó, nhiều hành vi vi phạm được quy định chi tiết hơn. Mức phạt tiền tăng cao từ mức 500 triệu đồng/hành vi lên 2 tỷ đồng/hành vi. Đặc biệt, hình thức phạt bổ sung ngặt nghèo hơn.
Quy định xử phạt khắt khe
Sự khác biệt cơ bản giữa nghị định xử phạt hành vi vi phạm môi trường mới so với nghị định cũ là điều khoản quy định đối với hành vi vi phạm chi tiết hơn rất nhiều. Trong đó, bao gồm cả hành vi liên quan đến thủ tục hành chính, hành vi vi phạm trực tiếp gây ô nhiễm môi trường và những hình thức phạt bổ sung buộc khắc phục hành vi vi phạm ô nhiễm môi trường. Đối tượng bị điều chỉnh không bó hẹp trong phạm vi sản xuất, thương mại, dịch vụ mà mở rộng ra lĩnh vực tư vấn, dịch vụ môi trường. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên nghị định xử phạt vi phạm hành vi gây ô nhiễm môi trường cho phép xử lý trường hợp cá nhân gây ra hành vi vi phạm môi trường. Đồng thời, áp dụng hình thức phạt bổ sung bằng cách cho phép tước quyền sử dụng có thời hạn đối với một số loại giấy phép liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực môi trường; đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc buộc di dời cơ sở sản xuất gây nguy hiểm cho môi trường với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng.
Mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm với mức tiền phạt tương ứng cũng tăng lên rất nhiều. Thay vì trước đây, đối với hành vi xả khí thải, nước thải… ở mức vượt tiêu chuẩn cho phép dưới 5 lần, trên 5 lần đến 10 lần và trên 10 lần cộng với khối lượng chất thải sẽ tương ứng với mức phạt nhất định nhưng tối đa cũng không quá 500 triệu đồng. Còn theo nghị định mới, mức phạt tối đa cho phép tăng lên 2 tỷ đồng. Ngoài ra, một số quy định liên quan đến thủ tục hành chính trước đây chỉ áp dụng biện pháp cảnh cáo, nhắc nhở thì hiện nay, đối tượng là tổ chức, cá nhân vi phạm có thể phải đối mặt với mức phạt lên đến vài chục triệu đồng.
Tuy nhiên, theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường của nhiều tỉnh thành, hiện nghị định xử phạt mới quá nặng nề về thủ tục hành chính. Cụ thể quy định quá nhiều mức phạt cho việc thiếu các loại giấy phép chất thải, thậm chí hành vi thiếu văn bản, báo cáo của doanh nghiệp đến các cơ quan chức năng liên quan đến định kỳ hoạt động bảo vệ môi trường cũng bị phạt. Đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hóc Môn cho biết thêm, căn cứ theo quy định xử phạt mới thì dù doanh nghiệp có làm tốt công tác bảo vệ môi trường đến đâu đi nữa khi bị kiểm tra cũng bị mắc lỗi.
Nên tập trung vào hậu kiểm
Trên thực tế, tại cuộc họp lấy ý kiến doanh nghiệp và cơ quan chức năng góp ý dự thảo nghị định xử phạt được tổ chức tại TPHCM trước khi ban hành nghị định, nhiều đại biểu đã góp ý sửa đổi những bất cập trên. Ông Nguyễn Văn Phước, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định, nghị định xử phạt không cần phải quá nặng về thủ tục vì dễ gây ra tiêu cực trong hoạt động thanh kiểm tra môi trường. Chỉ cần quy định đơn giản và chủ yếu tập trung vào khâu hậu kiểm, xử lý cuối nguồn. Đơn cử, về thủ tục hành chính chỉ cần quy định doanh nghiệp không lập đánh giá tác động môi trường: phạt. Doanh nghiệp không thực hiện đúng như cam kết bảo vệ môi trường đã được cơ quan chức năng phê duyệt: phạt. Như vậy vừa đơn giản, vừa giúp doanh nghiệp giảm được thủ tục hành chính nặng nề. Còn nhiều đại diện doanh nghiệp khác thì cho rằng định nghĩa như thế nào là cản trở, không hợp tác với đoàn thanh kiểm tra là rất trừu tượng. Về việc quy trách nhiệm cho người sai phạm thì nhiều doanh nghiệp cũng không rõ là chủ doanh nghiệp hay cán bộ vận hành. Nếu là chủ doanh nghiệp thì bản thân doanh nghiệp đã phải chịu phạt. Còn nếu quy cho cán bộ môi trường thì họ chỉ là những người làm công ăn lương, quy trách nhiệm là chưa hợp lý…
Việc nâng mức xử phạt lên cao như hiện nay trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp đang chật vật, cần phải cân nhắc thêm. Kinh nghiệm kiểm tra thực tế cho thấy, với mức phạt tối đa 500 triệu đồng/hành vi, cơ sở sản xuất cũng gặp không ít khó khăn, thậm chí không thể chấp hành nộp phạt. Còn tăng lên 2 tỷ đồng như hiện nay thì họ chỉ có đóng cửa mà thôi. Tuy nhiên, không phải nói như thế là dung túng cho hành vi vi phạm môi trường của doanh nghiệp mà để có thể giúp họ khắc phục hành vi vi phạm môi trường, không phải chỉ tăng mức phạt là đủ.
Hiện theo thống kê của thành phố, các doanh nghiệp có đủ khả năng đầu tư hệ thống xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường thì họ đã làm rồi. Những đơn vị này thường không mấy khi vi phạm ngoại trừ những sự cố đáng tiếc. Còn trường hợp vi phạm phần lớn là những doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ, thậm chí là rất nhỏ. Họ thường tận dụng nhà ở để sản xuất nên không có đủ nguồn lực lẫn cơ sở hạ tầng để đầu tư hệ thống xử lý chất thải. Do vậy, nếu có phạt thì sẽ có 2 trường hợp xảy ra, một là họ chây ì không nộp phạt, hai là họ chuyển đổi giấy phép hoặc chủ kinh doanh. Vì thế, để có thể giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm môi trường, cùng với việc nâng mức phạt trên thì cơ quan chức năng, tỉnh, thành phố phải tạo điều kiện điểm đến có trang bị hạ tầng cơ sở về xử lý chất thải tập trung để tiếp nhận những cơ sở sản xuất không đủ khả năng tự đầu tư hệ thống xử lý chất thải. Vấn đề còn lại là các cơ sở trên sẽ phải trả phí dịch vụ chuyển giao các loại chất thải.
MINH XUÂN