Năm ấy, ai cũng hứa...

Giờ này có lẽ những bó hoa, lời chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 đã tạm gác lại. Dịch bệnh buộc mọi người có yêu thương mấy cũng phải giãn cách, bớt tập trung khi không cần thiết nên năm nay chỉ có điện hoa, lời chúc mừng thầy cô qua điện thoại, mạng xã hội. 
Đẹp nhất là những năm tháng học trò, được thầy cô dìu dắt dưới mái trường thân thương. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Đẹp nhất là những năm tháng học trò, được thầy cô dìu dắt dưới mái trường thân thương. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đó là lý do chính đáng theo dòng thời sự xã hội. Nhưng thực ra mấy năm rồi, ngày lễ nhà giáo cũng như bao ngày lễ khác, ý nghĩa tri ân ở đôi chỗ, vài thời điểm cứ mờ, lạt… rồi xa vắng dần cái tốt đẹp vốn có của nó.

Với nhiều lứa học trò mà nay có người đã thành thầy, thành cô, ngày 20-11 của năm tháng ấy chỉ có một cành hồng thật tươi và lời chúc mừng đơn sơ nhưng cũng đủ để thầy trò vui cả ngày. “Tết thầy cô”, đứa biết bày trò thì cả đám rủ nhau góp tiền mua quyển sổ tay, cây bút rồi bắt đứa khéo tay nhất gói cẩn thận, kèm nơ đỏ thật xinh để tặng thầy cô. Khi nhịp sống xã hội phát triển, phú quý sinh lễ nghĩa cũng là chuyện thường tình, những món quà đúng nghĩa chất và lượng tặng thầy cô nhân ngày 20-11 càng nhiều. Chẳng ai biết người nhận có vui hay không, cảm xúc thế nào, nhưng từ đó nghề giáo lại thêm một nốt trầm thật buồn trong ngày tôn vinh.

Và rồi 20-11 cứ trôi qua như bao ngày lễ khác, niềm vui và ý nghĩa của nó dường như đã bị bỏ quên đâu đó trong xã hội. Mỗi lứa học sinh, nhất là lớp cuối cấp, năm nào cũng câu hứa sẽ về thăm thầy, cô. Nhưng rồi bao lứa học trò nối tiếp nhau ra trường, “người lái đò” năm ấy cũng chẳng thấy đứa nào về thăm. May mà có mạng xã hội, bọn trẻ còn gửi lời chúc online, những icon (biểu tượng) xanh đỏ mừng Ngày Nhà giáo. Cách nhau một màn hình thì cảm xúc còn lại bao nhiêu, nhưng mà thôi, có còn hơn không.

Đứa học giỏi nhất lớp chưa chắc sẽ đậu vào trường đại học mình mong muốn bởi “học tài thi phận”. Ở ngưỡng cửa bước vào đời, năm tháng tuổi trẻ ấy, người ta dễ bồng bột khi cái tôi rất lớn. Học ngành nào, trường gì, làm ở đâu, lương thưởng thế nào… thành câu chuyện bàn tán rồi so sánh, bởi thế mà chuyện họp lớp trở thành cơn “ác mộng” với không ít người. Ra trường rồi chẳng còn ai muốn quay lại gặp bạn cũ, thậm chí có bạn trẻ thế hệ 9X, gen Z cứ ra trường là xóa hẳn những nhóm trò truyện trên mạng xã hội với lớp cũ, trường cũ.

Chuyện họp lớp không mấy mặn mà thì chuyện về trường thăm thầy cô càng xa vời. Người ta cứ bị cuốn theo những vòng quay của cuộc sống, bận rộn với những mối quan hệ xã hội, công việc; trường cũ, bạn xưa, cô thầy năm ấy cứ thế trở thành hoài niệm, thành một lời hứa dang dở mà đám học trò cuối cấp năm nào cũng hứa nhưng chẳng thấy ai quay về.

Năm ngoái, tôi ghé thăm cô giáo dạy năm mẫu giáo, cô mừng rơi nước mắt dẫu tuổi ngoài 70 và sức khỏe không tốt, cô chẳng thể nhớ nổi đã dạy tôi năm nào. Ngày 20-11, cô vẫn chọn cái áo thật đẹp trong tủ đồ vì “lỡ biết đâu có tụi nhỏ ghé chơi”, vậy mà chẳng có đứa nhỏ nào tới. Bó hoa tôi mang đến cũng là bó hoa duy nhất trong nhà cô hôm ấy, cô nâng niu đặt ở bàn khách giữa nhà. Năm nay, người hàng xóm cũ báo tin, cô mất vì bệnh, vậy là dù muốn hay không tôi cũng chẳng thể về thăm cô thêm lần nào nữa.

Thật ra một ngày 20-11 đâu thể nào nói hết công lao của những người “trồng người”, và ngày ấy bạn có về trường hay không, cũng không thầy cô nào nỡ giận đám học trò mà mình từng dạy dỗ, uốn nắn. Nhưng nếu có thể, hãy một lần về ngôi trường năm ấy với tấm lòng của một đứa học trò là đủ. Ngày Nhà giáo muôn đời vẫn là để tôn vinh thầy cô, không phải là một bông hoa hay một bó hồng, món quà đắt giá hay bình dân, mà cái chính là có đứa nhỏ nào còn nhớ, còn về thăm lại thầy cô năm ấy hay không. Năm ấy, ai cũng hứa… 

Tin cùng chuyên mục