"Nắm vững tiếng Anh, đó là chìa khóa để giành lấy tri thức, công nghệ cao của phương Tây" là câu nói định hướng cho giới trẻ của Singapore của ông Lý Quang Diệu. Và chỉ sau một thập niên, đảo quốc sư tử này đã vượt qua rào cản, phổ cập tiếng Anh đại trà. Nhờ đầu tư vào giáo dục và phát triển tiếng Anh theo kiểu Singlish, Singapore đã thay đổi số phận, trở nên thịnh vượng. Tương tự, những năm gần đây, Malaysia cũng coi trọng chiến lược phổ cập tiếng Anh đại trà và đầu tư mạnh mẽ từ bậc trung học cơ sở đến trung cấp, đại học. Nhìn xa hơn, Philippines - quốc gia có lợi thế người dân nói tiếng Anh lưu loát, hàng năm thu về trên 10 tỷ USD từ chiến lược xuất khẩu nhân lực. Còn ta thì sao?
Gia nhập WTO từ năm 2007, Việt Nam gửi đi thông điệp hội nhập, làm bạn với bốn phương. Thế nhưng, từ bước ngoặt lịch sử ấy, chúng ta vẫn tụt hậu về nhiều mặt, trong đó cỗ máy giáo dục - đào tạo chuyển động chậm, không theo kịp tiến độ hội nhập.
Dù thấy rõ lợi thế tiếng Anh sẽ là chìa khóa mở cánh cửa vào tiến trình hội nhập nhanh nhất nhưng việc dạy và học tiếng Anh vẫn “đóng cửa” theo chuẩn riêng của Việt Nam. Đó là chỉ chú trọng đọc, viết và thi cử. Việc đánh giá trình độ cũng dựa theo tiêu chí lạc hậu này. Từ lỗi hệ thống và kèm theo nhiều bất cập từ khâu đào tạo giáo viên đến phương pháp, giáo trình dạy và học không theo chuẩn quốc tế nên học xong 12 năm phổ thông, học sinh của ta đều mắc “bệnh câm, điếc” trong giao tiếp bằng tiếng Anh. Nhìn một bộ phận giới trẻ, sinh viên ra trường thiếu hành trang ngoại ngữ không có cơ hội chạm vào các vị trí việc làm tốt trong nước hoặc không thể ra nước ngoài làm việc với thu nhập cao gấp nhiều lần trong nước mà cảm thấy ngậm ngùi.
Dù đang ở thời kỳ dân số vàng nhưng chất lượng, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, nhất là trình độ ngoại ngữ. Thấy rõ sự tụt hậu này, Chính phủ đã phê duyệt đề án ngoại ngữ quốc gia giai đoạn 2008 - 2020 với kỳ vọng sau 1 thập kỷ, Việt Nam sẽ tạo được lợi thế mới và thanh niên khi tốt nghiệp các trường CĐ, ĐH sẽ tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh, hội nhập nhanh với môi trường làm việc đa văn hóa. Mục tiêu, ý nghĩa của đề án đã rõ, nhưng triển khai như thế nào để tạo được sự đột phá, tín hiệu lạc quan trong dạy và học tiếng Anh là vấn đề nan giải. Để giải quyết tận gốc hệ lụy đã nêu ở trên cần cú hích - áp dụng các giải pháp đổi mới thực sự như xây dựng chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy tiên tiến và quan trọng là đánh giá, kiểm tra trình độ người học phải theo chuẩn quốc tế. Nếu chúng ta vẫn còn lấn cấn, chưa thể tháo gỡ hết những vướng mắc, bất cập trong hoạt động dạy và học ngoại ngữ, nhất là sàng lọc giáo viên dạy tiếng Anh không đủ chuẩn và có chính sách ưu tiên thu hút thêm người giỏi, có trình độ chuẩn về tiếng Anh thì kỳ vọng chạm vào “chìa khóa vàng” không dễ.
Từ sau năm 2015, ASEAN hướng tới mục tiêu xây dựng cộng đồng phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Khi không còn rào chắn biên giới, người lao động được tự do di chuyển, tìm kiếm cơ hội việc làm ở cộng động rộng lớn này. Như thế, ai có lợi thế về trình độ công nghệ, tay nghề, kỹ năng chuyên môn và hành trang ngoại ngữ tốt sẽ nắm bắt được cơ hội nhanh, tìm được việc làm tốt nhất. Như nhấn mạnh của ông Lê Minh Lương, Tổng Thư ký ASEAN, giáo dục đóng vai trò chủ đạo trong việc thu hẹp khoảng cách với ASEAN, và Việt Nam phải tập trung phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao để thích ứng với hội nhập, phát triển cộng đồng bền vững.
Thách thức này đòi hỏi chúng ta phải tăng tốc cỗ máy đào tạo các sản phẩm nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trang bị kỹ năng ngoại ngữ tiếng Anh đủ chuẩn. Nếu không chủ động chuẩn bị hành trang, lợi thế cho người lao động thì chúng ta sẽ bị lép vế ngay trên sân nhà chứ nói gì đến cạnh tranh ở môi trường lao động đa văn hóa - thị trường lao động rộng lớn của ASEAN - nhiều chuyên gia giáo dục cảnh báo. Chính vì thế, không thể không sốt ruột, lo ngại khi nhìn thấy tiến độ triển khai đề án 2020 vẫn ì ạch, cách làm chưa bài bản và khoa học. Dù đã đi gần 1/3 chặng đường nhưng tỷ lệ học sinh tiểu học được học tiếng Anh chuẩn vẫn còn thấp và mục tiêu triển khai đại trà vẫn còn xa. Không những thế, khi học sinh tốt nghiệp THPT vẫn chưa được trang bị nền tảng tiếng Anh đủ chuẩn thì lên bậc CĐ, ĐH cũng không thể mong chờ sinh viên ra trường đạt chuẩn, có thể tự tin nói tiếng Anh. Như vậy cần phải học tập kinh nghiệm từ các nước nói trên và thêm nhiều giải pháp tăng tốc để đạt được lợi thế cần thiết.
KHÁNH HÀ