Trong 2 ngày 21 và 22-4, tại thành phố Vinh (Nghệ An) sẽ diễn ra Diễn đàn Kinh tế mùa xuân 2015 với chủ đề “Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam” do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức. Như thường lệ, diễn đàn sẽ bao gồm hai nội dung chính: đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và kiến nghị giải pháp triển khai kế hoạch năm 2015, tập trung vào việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Nếu như tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện 132 vừa diễn ra hồi tháng 3 tại Hà Nội đã lựa chọn chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”, thì trước thềm diễn đàn lần này, trả lời phỏng vấn báo chí, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh: “Chúng ta viết đủ rồi, nói đủ rồi. Năm nay phải là năm hành động”.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều tiền đề thuận lợi đã mở ra trong năm 2015, đặc biệt là từ ngày 1-7 tới đây, thể chế kinh doanh sẽ thay đổi rất lớn, khi hàng loạt văn bản luật liên quan đến đầu tư kinh doanh như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp… có hiệu lực; cụ thể hóa quyền kinh doanh - đầu tư được quy định trong Hiến pháp 2013.
Tính khả thi và mức độ tác động của những đạo luật mới này đến môi trường sản xuất kinh doanh sẽ là vấn đề được các chuyên gia, nhà quản lý tập trung mổ xẻ tại Diễn đàn mùa xuân. Đó là Luật Doanh nghiệp với quy định về bãi bỏ ngành nghề trong giấy phép đăng ký kinh doanh, quy định mới về con dấu doanh nghiệp; là Luật Đầu tư với cơ chế chọn - bỏ thay vì chọn - cho - một bước thay đổi về bản chất trong quy định liên quan đến điều kiện đầu tư - kinh doanh; là Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp nhằm sử dụng nguồn lực công một cách có hiệu quả và có sức lan tỏa cao nhất…
Trong một diễn biến có liên quan, kết quả điều tra gần 11.500 doanh nghiệp cả trong và ngoài nước năm nay của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố đã cho thấy dấu hiệu khởi sắc về môi trường kinh doanh. Cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đều lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh trong thời gian tới. Tuy nhiên, qua phân tích về năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh so sánh với các quốc gia khác, các nhà đầu tư cho rằng Việt Nam cần cắt giảm chi phí không chính thức, nâng cao hơn nữa chất lượng cơ sở hạ tầng, cải thiện dịch vụ công, rà soát và đơn giản hóa các quy định để trở nên cạnh tranh hơn; qua đó trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là những nhà đầu tư có chất lượng cao.
Còn trong cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây, nhiều nhà đầu tư đã thẳng thắn bày tỏ sự hồ nghi về tính hiện thực của quy định giảm thủ tục đầu tư từ 45 ngày xuống còn 15 ngày của Luật Đầu tư, hay khả năng hoàn tất danh mục cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong năm 2015… Cơ chế “chọn - bỏ” của Luật Đầu tư cũng đang đối mặt với thách thức rất lớn khi các bộ, ngành tỏ ra chưa thật sự tích cực trong việc rà soát hệ thống điều kiện kinh doanh hiện hành.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, phần lớn trong số hơn 5.000 điều kiện kinh doanh hiện nay là bất hợp lý, có thể bãi bỏ hoặc đơn giản hóa; thế nhưng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) lại cho biết, trong thời gian quy định rà soát và báo cáo, chỉ có 3 bộ phản hồi, nhưng với nội dung… đề nghị giữ nguyên như hiện tại!
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý 1 vừa qua, mặc dù kinh tế đang “ấm” lên, nhưng số doanh nghiệp gặp khó buộc phải tạm ngừng hoạt động vẫn tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước, chạm mức gần 16.200 doanh nghiệp. Còn theo báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, tuy đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2015 của Việt Nam lên 0,5 điểm phần trăm (so với dự báo hồi tháng 10-2014) lên mức 6%, nhưng vẫn kèm theo những nhận định khá thận trọng về triển vọng nền kinh tế: niềm tin của doanh nghiệp còn thấp, tăng trưởng toàn cầu vẫn ì ạch và còn nhiều bất trắc…
Hy vọng, với Diễn đàn Kinh tế mùa xuân, công chúng được nhìn thấy rõ hơn diện mạo thực sự của nền kinh tế cùng với những kiến nghị thẳng thắn, sắc sảo; nhằm đưa những thể chế kinh doanh đã dày công xây dựng vận hành suôn sẻ trong thực tiễn, góp phần nâng cấp môi trường kinh doanh của Việt Nam.
ANH THƯ